Ảnh hưởng từ quy mô đến lợi nhuận của ngân hàng và đề xuất mô hình nghiên cứu

Huỳnh Thị Thanh Trúc - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của quy mô ngân hàng đến lợi nhuận của ngân hàng. Các nghiên cứu trước cho thấy, có thể có mối quan hệ giữa quy mô và lợi nhuận của ngân hàng và tồn tại quan hệ phi tuyến giữa 2 nhân tố này. Trên cơ sở đó, kết quả nghiên cứu khẳng định ngân hàng có quy mô lớn có lợi thế trong hoạt động kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Từ khi Pháp lệnh Ngân hàng được hình thành từ những năm 1990 đã tách biệt hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thành 2 cấp. Ngân hàng cấp 1 là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có chức năng quản lý điều hành hệ thống ngân hàng cấp 2 nói chung và hoạt động không vì lợi nhuận. NHNN thay mặt Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ và các hoạt động khác được Nhà nước giao phó.

Hoạt động của NHNN về cơ bản giống với Ngân hàng Trung ương của nhiều nước. Ngân hàng cấp 2 là hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) có chức năng kinh doanh tiền tệ vì mục đích kinh tế, đặc biệt là mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Các NHTM hoạt động trên thị trường Việt Nam chiếm đông đảo là NHTM cổ phần, một số ít là NHTM chịu sự chi phối hoàn toàn bởi vốn nhà nước, ngân hàng nước ngoài và một số chi nhánh của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Các NHTM trong nước đa phần có quy mô nhỏ, một số ngân hàng thậm chí nguồn vốn chỉ hơn mức vốn pháp định 3.000 tỷ mà Nhà nước đưa ra, do đó, làm cho ngân hàng khó có thể hoạt động hiệu quả cũng như khó có đủ các dịch vụ tài chính cung cấp cho xã hội. Ngoài ra, các ngân hàng có quy mô nhỏ sẽ có ít chi nhánh, cơ sở hạ tầng còn thiếu nên càng làm cho ngân hàng khó có khả năng tiếp cận tới đại bộ phận các địa phương trong cả nước.

Ngược lại, một số ngân hàng lớn như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) có sự phát triển nhanh, vốn điều lệ lớn, mạng lưới chi nhánh rộng khắp, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ... Điều này cho thấy, quy mô ngân hàng có ảnh hưởng tới lợi nhuận và tạo sự khác biệt trên thị trường ngân hàng tại Việt Nam.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa quy mô ngân hàng đến lợi nhuận đã được thực hiện bởi nhiều nghiên cứu nước ngoài, tiêu biểu Bolívar và cộng sự (2023), Kouzez (2023) tại 58 quốc gia, Terraza (2015) tại châu Âu trong giai đoạn 2005-2012. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về mối quan hệ này trong giai đoạn nền kinh tế trải qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những tác động của cách mạng công nghệ làm thay đổi các hoạt động, sự phát triển ngân hàng số thông qua công nghệ tài chính, ứng dụng chuỗi khối và trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, tác giả đã thực hiện nghiên cứu này.

Tổng quan nghiên cứu

Các nghiên cứu ngoài nước

Quy mô ngân hàng thường có lợi thế trong khai thác thị trường và trong kinh doanh tiền tệ. Kouzez (2023) nghiên cứu một mẫu bao gồm hơn 1.600 ngân hàng ở 58 quốc gia về mối quan hệ giữa môi trường chính trị, hiệu quả hoạt động ngân hàng cho thấy, mối quan hệ này có phụ thuộc vào quy mô ngân hàng. Nghiên cứu cho rằng, sự không chắc chắn về chính trị có liên quan đến sự sụt giảm đáng kể trong hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy vậy, quy mô ngân hàng quan trọng khi phân tích mối quan hệ giữa rủi ro chính trị và hiệu quả hoạt động. Cụ thể, các ngân hàng lớn ít bị tổn thương hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn trước tình trạng khó khăn về chính trị so với các ngân hàng khác.

Terraza (2015) nghiên cứu tác động của vốn ngân hàng và tỷ lệ thanh khoản đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Phân tích thực nghiệm trên một mẫu gồm 1.270 ngân hàng châu Âu giai đoạn 2005-2012 và thực hiện trên các ngân hàng lớn, vừa và nhỏ để so sánh theo quy mô của họ, tính đồng nhất trong hành vi của các ngân hàng lớn. Áp dụng mô hình bảng động cho thấy, có bằng chứng về khả năng sinh lời tích cực và đáng kể đối với ngân hàng trung bình, trong khi ngân hàng lớn và nhỏ thì hiệu quả ít hơn. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng xác thực về mối quan hệ tích cực giữa hiệu quả cao hơn và khả năng sinh lời của ngân hàng. Trong khi mức vốn hóa làm tăng lợi nhuận của ngân hàng, rủi ro thanh khoản phụ thuộc vào quy mô của ngân hàng.

Nghiên cứu của Bolívar và cộng sự (2023) đánh giá mối quan hệ giữa lợi nhuận và mô hình kinh doanh giữa các quy mô ngân hàng và phân tích ảnh hưởng của quy mô và hiệu suất lợi nhuận và ảnh hưởng đến tính không đồng nhất của mô hình kinh doanh dựa trên nghiên cứu thực tế vào hệ thống ngân hàng của Liên minh châu Âu. Kết quả cho thấy, các ngân hàng có mức độ hiệu suất tương tự và các quy mô khác nhau sẽ chia sẻ các đặc điểm chiến lược. Ngoài ra, tỷ lệ vốn cao có tác động tới khả năng sinh lời cao tại các ngân hàng, so với các ngân hàng cùng quy mô.

Ngoài quy mô ngân hàng được chứng minh là có ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng thì còn có thể có một số nhân tố khác cũng có ảnh hưởng tới ngân hàng.

Abdul Gafoor và cộng sự (2018) nghiên cứu trên mẫu gồm 36 NHTM ở Ấn Độ giai đoạn 2001–2014 khám phá tác động của các đặc điểm cơ cấu hội đồng quản trị như quy mô hội đồng quản trị (HĐQT), tính độc lập và kiêm nhiệm CEO đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, có mối quan hệ đáng kể giữa quy mô HĐQT và hiệu quả hoạt động của ngân hàng khi quy mô HĐQT nằm trong khoảng từ 6 đến 9 thành viên. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tìm thấy mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa tính độc lập của HĐQT và hiệu quả hoạt động của ngân hàng, điều này cho thấy, ngân hàng có tính độc lập cao thường hoạt động hiệu quả hơn, do tính độc lập có khả năng ảnh hưởng tới các quyết sách của HĐQT và thành viên độc lập có khả năng ít chịu ảnh hưởng lợi ích từ bên trong ngân hàng, nên họ có thể đưa ra các đóng góp quản trị mang tính độc lập hơn. Nhóm tác giả cũng cho thấy, số lượng các cuộc họp HĐQT và số lượng lớn hơn các chuyên gia tài chính trong HĐQT rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng, giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn do thông qua các cuộc gặp gỡ trong HĐQT giúp cho đường lối chiến lược kinh doanh của ngân hàng được thực hiện sâu sát hơn và do đó định hướng phát triển ngân hàng đúng đắn hơn. Tuy nhiên, Abdul Gafoor và cộng sự (2018) cho rằng, không có sự cải thiện đáng kể nào về hiệu quả hoạt động của ngân hàng khi tách biệt vai trò của CEO và chủ tịch.

Giới tính trong lãnh đạo cũng là nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Sự tham gia nhiều hơn của lãnh đạo nữ trong hệ thống tài chính ngày càng thể hiện nữ giới có đóng góp ngày càng quan trọng vào hoạt động tài chính tiền tệ, ngân hàng, nền kinh tế. Baselga-Pascual và Vähämaa (2021) xem xét mối quan hệ giữa sự đa dạng về giới tính trong HĐQT công ty và các vị trí điều hành với rủi ro và hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở Mỹ Latinh. Nghiên cứu dựa trên mẫu gồm 91 ngân hàng riêng lẻ trong giai đoạn 2000–2017 và kết quả cho thấy, các ngân hàng có tỷ lệ giám đốc điều hành nữ cao hơn có xu hướng có rủi ro thấp hơn so với các ngân hàng do nam giới lãnh đạo. Tuy nhiên, các ngân hàng do nữ lãnh đạo có lợi hơn do đặc tính của nữ thường mang tính chi tiết và rõ ràng hơn so với lãnh đạo năm.

Trục trặc của ngân hàng thường gặp phải là tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, khi các khoản tài sản ngắn hạn không đủ trang trải cho những khoản nợ ngắn hạn và do đó rất khó giúp ngân hàng hoạt động bền vững trong điều kiện kém thanh khoản. Ngân hàng thường huy động vốn ngắn hạn nhưng khách hàng thường có nhu cầu vay dài hạn đầu tư kinh doanh và đầu tư vào tài sản cố định. Điều đó nảy sinh mầm mống ngân hàng có khả năng mất thanh khoản hoặc dễ gặp những vấn đề liên quan đến thanh khoản. Do vậy, quản trị thanh khoản là một trong các mục tiêu quan trọng trong ngân hàng nhằm đảm bảo cho hệ thống hoạt động có hiệu quả tài chính và có khả năng phát triển ổn định trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chen và cộng sự (2021) sử dụng dữ liệu ngân hàng Hoa Kỳ từ năm 1996-2013, nghiên cứu rủi ro thanh khoản ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của ngân hàng, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng tài chính. Nhóm tác giả phát hiện, trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007–2009, rủi ro thanh khoản làm giảm xác suất tồn tại của ngân hàng, ROA và biên lãi ròng, đồng thời tăng chi phí dự phòng rủi ro cho vay. Tác động này được đánh giá là tương đối bất lợi và trở nên nghiêm trọng hơn đối với các ngân hàng có tỷ lệ vốn thấp hơn và rủi ro tín dụng cao hơn. Ngược lại, nghiên cứu của Chen và cộng sự (2021) không tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào cho thấy rủi ro thanh khoản ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong các cuộc khủng hoảng thị trường. Các kết quả trong nghiên cứu này ngụ ý rằng rủi ro thanh khoản không chỉ đơn thuần là một dấu hiệu của các vấn đề về khả năng thanh toán của các ngân hàng, nó có tác động độc lập đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Các nghiên cứu trong nước

Đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của quy mô ngân hàng đối với lợi nhuận của ngân hàng. Hầu hết các nghiên cứu đều phân tích định tính, chưa có nhiều nghiên cứu định lượng chuyên sâu nhằm làm rõ mối quan hệ này. Theo nghiên cứu của Lê Hà Diễm Chi (2022) tại các NHTM trong thời gian 2011-2021, gắn liền với thời điểm Việt Nam thực hiện tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, quy mô ngân hàng có tác động ngược chiều đến hiệu quả tài chính, nghĩa là các ngân hàng quy mô lớn thường khó khăn trong hoạt động tái cơ cấu nên thường đòi hỏi nhiều thời gian hơn để có thể thực hiện tái cơ cấu, xong trong bối cảnh giai đoạn 2011- 2015 là khoảng thời gian ngành Ngân hàng đối mặt với vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động và nợ xấu. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2016–2021 nhờ đề án tái cơ cấu, nợ xấu, ngành Ngân hàng cơ bản đạt được một số kết quả tích cực, hệ thống ngân hàng hoạt động tương đối ổn định và đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế năm 2018-2019. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh quy mô ngân hàng có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận, ngân hàng có quy mô lớn thường có lợi thế hơn trong điều kiện kinh tế bình thường và dễ dàng đạt được hiệu quả tài chính cao hơn các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn.

Xây dựng mô hình nghiên cứu

Dựa trên nghiên cứu điển hình của Terraza (2015) được thực hiện tại ngân hàng châu Âu được quan sát trong giai đoạn 2005-2012 và mở rộng theo điều kiện Việt Nam, nghiên cứu thực hiện phân tích hồi quy có phương trình như sau:

Ảnh hưởng từ quy mô đến lợi nhuận của ngân hàng và đề xuất mô hình nghiên cứu  - Ảnh 1

Trong đó: Profitabilityit: lợi nhuận của ngân hàng, có thể đo lường bằng ROA, ROE, ROS hoặc NIM (biên lãi suất);

Banksizeit: là quy mô của ngân hàng, đo bằng log của tổng tài sản;

Banksizesqit: là biến số thể hiện tính chất phi tuyến của quy mô của ngân hàng, đo bằng bình phương của log của tổng tài sản;

Liquidity: là biến số biểu hiện tính thanh khoản của ngân hàng;

Boardit, womenit, independentit: là biến số phản ánh các đặc tính của hội đồng quản trị như: Quy mô hội đồng quản trị, tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị, tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị độc lập;

Macroeconomicsit: là các biến số vĩ mô;

µ: là sai số.

Kết luận

Ngân hàng có đóng góp thiết thực và quan trọng đối với các hoạt động kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là đóng góp hoạt động luân chuyển, phân bổ vốn. Hiệu quả phân bổ và luân chuyển vốn của ngân hàng được thể hiện trong khả năng giảm các chi phí giao dịch của nền kinh tế. Các nghiên cứu trước đều cho rằng có ảnh hưởng giữa quy mô của ngân hàng đến khả năng tạo lợi nhuận của ngân hàng, thông thường, các ngân hàng có quy mô lớn thường tỏ ra hiệu quả hơn các ngân hàng có quy mô nhỏ do lợi ích của sản xuất quy mô lớn, lợi ích về phát triển thị trường, sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Hà Diễm Chi (2022), Mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng;
  2. Abdul Gafoor, C. P., Mariappan, V., & Thiyagarajan, S. (2018), Board characteristics and bank performance in India, IIMB Management Review, 30(2), 160–167, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.iimb.2018.01.007;
  3. Baselga-Pascual, L., & Vähämaa, E. (2021), Female leadership and bank performance in Latin America. Emerging Markets Review, 48, 100-807, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.ememar.2021.100807;
  4. Bolívar, F., Duran, M. A., & Lozano-Vivas, A. (2023), Bank business models, size, and profitability. Finance Research Letters, 53, 103-605, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.frl.2022.103605;
  5. Chen, W.-D., Chen, Y., & Huang, S.-C. (2021), Liquidity risk and bank performance during financial crises, Journal of Financial Stability, 56, 100-906, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jfs.2021.100906.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 5/2023