Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bài 1: Kiên trì thực hiện các chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Thùy Linh

Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2020-2022, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023. Điều này thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Bộ Tài chính đó là đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Trong 3 năm qua, hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành.
Trong 3 năm qua, hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành.

3 năm, hỗ trợ gần 500 nghìn tỷ đồng

3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, những ảnh hưởng mà nó đem lại cho nền kinh tế - xã hội thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng vẫn là rất lớn. Trước hàng loạt khó khăn bủa vây người dân và doanh nghiệp, những chính sách tài chính hỗ trợ trong suốt thời gian qua đã được ví như “phao cứu sinh” kịp thời để tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại giai đoạn 2020-2022, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, phải kể đến các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, các giải pháp hỗ trợ đã tiếp tục được triển khai ở mức độ cao hơn về cả nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, ở năm 2022, với các giải pháp đã thực hiện con số đã hỗ trợ lên tới 233 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng là một con số không hề nhỏ. Theo đánh giá, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả thu ngân sách nhà nước không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân  mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ tiếp tục được ban hành

Bước sang năm 2023, dù dư địa chính sách tài khóa trong năm đứng trước nhiều khó khăn nhưng ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã “bắt tay” thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhờ việc tham mưu, đề xuất của Bộ Tài chính mà hàng loạt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được ban hành.

Mới đây nhất, ngày 30/6/2023, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023, sẽ tiếp tục giảm thuế GTGT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Theo ước tính, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024. Việc giảm thuế GTGT được kỳ vọng sẽ làm giảm giá bán, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, doanh nghiệp khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, làm tăng tổng mức bán lẻ và góp phần kiềm chế lạm phát.

Hay như trước đó, ngày 28/6/2023, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/ 2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng Nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2023.

Trước đó, ngay từ quý đầu năm, trong bối cảnh nhận thấy nhiều khó khăn khi nền kinh tế bộc lộ những hạn chế, thách thức, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Có thể thấy, chưa bao giờ số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lớn như những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ quan điểm mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng khẳng định khi nói về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp suốt thời gian qua là “không hứa suông và đã nói là làm”, nhất là trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh... Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Trả lời báo chí vào cuối tháng 5/2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từng khẳng định: “Không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Với truyền thống trọng dân, vì dân, các chính sách pháp luật của Việt Nam thời gian qua đã thể hiện rất rõ điều này. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia”.

Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng rằng, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả như những năm trước và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á. Theo các chuyên gia, để các chính sách này đi đúng hướng, đạt được hiệu quả đúng như kì vọng thì cần thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân sách; kịp thời tháo gỡ các nút thắt, rào cản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, một mặt kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, mặt khác góp phần nhanh chóng cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn; tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ để kiểm soát, tiết giảm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.