Loạt bài: Từng bước "gỡ khó" xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng

Bài 2: Không quyết liệt, khó hoàn thành

Thùy Linh

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và nỗ lực triển khai từ địa phương, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang thu được kết quả tích cực khi doanh nghiệp, người dân đã dần đón nhận và ủng hộ.

Tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất HĐĐT từng lần bán hàng thống kê đến ngày 15/3/2024 là 10.649 cửa hàng.
Tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất HĐĐT từng lần bán hàng thống kê đến ngày 15/3/2024 là 10.649 cửa hàng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trước thực trạng bán xăng dầu nhưng không xuất hóa đơn cũng như việc chưa có nhu cầu lấy hóa đơn của nhiều người dân khi mua xăng dầu, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

 

Cơ sở kinh doanh xăng dầu nếu không thực hiện xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng sẽ vi phạm quy định khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và bị xử phạt các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, Điều 24 quy định mức xử phạt tối đa 20 triệu đồng mỗi lần vi phạm. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh sẽ không đươc xem xét cấp lại giấy phép hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia.

Đến ngày 1/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/12/2023, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai hoá đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, xăng dầu.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2023, Chính phủ đã có 2 Công điện, Bộ Tài chính có 1 Chỉ thị và 1 Công văn; cùng với đó là nhiều chỉ đạo của Tổng cục Thuế tới các cục thuế địa phương về việc chấn chỉnh việc xuất hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Đặc biệt, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Thuế đẩy nhanh sử dụng HĐĐT trong các lĩnh vực kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Thủ tướng yêu cầu: ”Dứt khoát thu hồi giấy phép, nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng hoá đơn điện tử trong tháng 3".

Mới đây nhất, ngày 18/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ký Công văn số 1654/BCT-TTTN hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố, các sở Công thương và các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT sau mỗi lần bán.

Ngành Thuế rốt ráo vào cuộc kiểm tra việc thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu.
Ngành Thuế rốt ráo vào cuộc kiểm tra việc thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu.

Từng bước đi vào cuộc sống

Chính nhờ sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị, tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất HĐĐT từng lần bán hàng thống kê đến ngày 15/3/2024 là 10.649 cửa hàng (tăng 7.949 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023), đạt khoảng 67,6% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.

Tiêu biểu phải kể đến Cục Thuế Bắc Ninh - một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước đạt 100% thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Để có kết quả này, Cục Thuế Bắc Ninh đã ban hành văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan Công an, Sở công thương, Quản lý Thị trường và chính quyền địa phương theo chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, ban hành văn bản gửi đến 100% các tổ chức doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu lập HĐĐT đối với trường hợp bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ cho khách hàng ngay sau thời điểm kết thúc bán hàng theo từng lần bán. Cục Thuế cũng chỉ đạo các phòng chức năng, các Chi cục Thuế quyết liệt triển khai đôn đốc các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng.

Để đôn đốc doanh nghiệp, Cục Thuế Bắc Ninh đã tổ chức các hội nghị mời các doanh nghiệp, chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp HĐĐT để chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các giải pháp hiệu quả để giúp các doanh nghiệp xuất HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, lãnh đạo Cục Thuế đã yêu cầu các phòng thanh tra kiểm tra, các chi cục Thuế thành lập các tổ công tác xuống từng đơn vị kinh doanh xăng dầu để nắm bắt tình hình thực tế của các đơn vị. Yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện xuất hóa đơn bán xăng dầu cho khách lẻ ngay sau từng lần bán hàng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cục Thuế cũng đã phân công công chức giám sát trên ứng dụng HĐĐT hàng ngày đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa có cột bơm điện tử kết nối với phần mềm hóa đơn.

Hay như tại TP. Hà Nội, vào cuối năm 2023, ngoại trừ các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đã thực hiện xuất hóa đơn thì phần lớn các cây xăng tư nhân trên địa bàn đều không thực hiện xuất hóa đơn cũng như không có khách hàng nào yêu cầu lấy HĐĐT. Còn ở thời điểm hiện tại, tại trạm xăng dầu Hope Housinco (phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cửa hàng này đã thực hiện nghiêm quy định xuất HĐĐT sau mỗi lần bán hàng cho khách hàng dù chỉ với 30.000 đồng hay 50.000 đồng. Thao tác xuất hóa đơn của kế toán trạm xăng dầu cũng được thực hiện khá nhanh nhẹn, không làm mất nhiều thời gian của khách hàng.

Theo khảo sát của phóng viên tại 3 cây xăng trên tuyến đường Hoàng Quốc Việt cũng cho thấy, các cửa hàng này đã nghiêm túc thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng. Nếu có yêu cầu nhân viên sẽ ngay lập tức xuất cho khách hàng. Với những khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì hệ thống ứng dụng phần mềm HĐĐT tự động lập hóa đơn và lưu trữ, truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT trong ngày.

Nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh, đã từ lâu hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay tiệm thuốc tân dược… đều đã xuất hóa đơn được thì không lý do gì chủ doanh nghiệp, cửa hàng xăng, dầu lại kêu tốn chi phí. Hơn nữa, việc xuất HĐĐT vừa tiết kiệm chi phí giấy, mực in mà vẫn bảo đảm yếu tố lưu trữ khi cần kiểm tra. Ở góc độ vừa là một tài xế chạy xe ô tô hợp đồng, vừa là người tiêu dùng, anh Đỗ Đức Long (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, anh rất đồng tình và ủng hộ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về xuất HĐĐT cho khách hàng khi mua xăng, dầu nhằm kiểm soát xăng lậu, kém chất lượng, đồng thời kiểm soát được thu thuế. Đây cũng là văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi mua hàng.

Tại cuộc họp quán triệt toàn hệ thống thuế tăng cường công tác phối hợp với UBND các địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đẩy nhanh việc thực hiện việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 8/3, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn đã yêu cầu các cục thuế phải đề ra giải pháp gắn với thực tế, đi vào thực chất, hiệu quả. Trong đó, phải cụ thể hóa kế hoạch triển khai HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức của từng bộ phận. Cần thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, có thời gian, thông báo cụ thể, rõ ràng. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhận thức đầy đủ quy định về nghĩa vụ pháp luật bắt buộc thực hiện lập HĐĐT từng lần bán hàng.

“Những nội dung xử lý thuộc phạm vi ngành Thuế về hóa đơn sẽ do ngành Thuế xử lý, những vấn đề về ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh thuộc phạm vi của ngành khác thì kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo”, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu.

 
Hình thức và nội dung hóa đơn xăng dầu

Do đặc thù hoạt động bán lẻ xăng dầu xảy ra liên tục, số lượng khách hàng lớn nên Chính phủ đã có quy định bỏ bớt các chỉ tiêu bắt buộc trên hóa đơn, đảm bảo ít thông tin, dữ liệu, đơn giản để không mất nhiều thời gian thao tác xuất hóa đơn. Theo quy định tại K14, Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì đối với HĐĐT bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh trên hóa đơn không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn, tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua, chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.