Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bài 7: Các gói hỗ trợ tài chính đang được nền kinh tế hấp thụ tốt

Thùy Linh

Nhờ điều hành linh hoạt, hiệu quả các chính sách tài khoá cũng như sự quyết liệt để đưa các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đi vào cuộc sống, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm đã có những gam màu tươi sáng.

Các chính sách tài chính là "đòn bẩy" giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.
Các chính sách tài chính là "đòn bẩy" giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.

Đã gia hạn, miễn giảm 67,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất

Với phương châm “các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, trong suốt thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp với sự tham dự của người đứng đầu ngành Tài chính.

Qua nhiều cuộc gặp gỡ như vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn khẳng định, Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội có những chính sách sát thực tế hơn, hiệu quả hơn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí đã được ban hành với số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng. 

Nhờ việc rốt ráo thực hiện, trong 6 tháng đầu năm 2023, số tiền thuế và tiền thuê đất đã được gia hạn, miễn, giảm là 67,1 nghìn tỷ đồng (trong đó số miễn, giảm khoảng 25,1 nghìn tỷ đồng; số gia hạn là khoảng 42 nghìn tỷ đồng). Trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều rào cản để phát triển như hiện nay thì các chính sách tài chính vẫn tiếp tục là "đòn bẩy" giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Sức mạnh tài chính là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp có thể từng bước vượt qua những khó khăn, phục hồi, sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, sự hỗ trợ về tài chính đã thực sự phát huy được tác dụng. Minh chứng là trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có 77.713 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022); 49.582 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh (giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022); có 34.910 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022); có 19.792 doanh nghiệp khôi phục kinh doanh, (tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022). Đến thời điểm 30/6/2023, toàn quốc có 907.073 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 2,3% so với thời điểm 31/12/2022.

Đặc biệt, theo thống kê của Tổng cục Thuế, số thu ngân sách mà Ngành này thực hiện được trong 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 743 nghìn tỷ đồng. Con số này có sự đóng góp lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại.

Và cũng nhờ đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,72%. Dù đây là mức tăng không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước. Điều này cũng cho thấy các gói hỗ trợ đang được nền kinh tế hấp thụ tốt.

Dù đã có rất nhiều ý kiến chia sẻ với Bộ Tài chính trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, thu ngân sách bị ảnh hưởng do doanh nghiệp gặp khó, kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng Bộ Tài chính luôn giữ quan điểm phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố bắt buộc trong quản lý, điều hành nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước. Và khi các gói hỗ trợ tài khoá được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả trong khi vẫn hỗ trợ nền kinh tế. Khi cần kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ để giữ lạm phát trong mức mục tiêu. Trong trường hợp để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế, chúng ta phải dùng chính sách tài khóa mở rộng như giãn, hoãn thuế, giảm nhiều sắc thuế, giảm tiền thuê đất… cho doanh nghiệp và người dân. Chính những điều này đã khiến cho bức tranh kinh tế Việt Nam mang 1 gam màu sáng trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Song song với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trong ngắn hạn như: tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản.

Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp...

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn năm 2023-2025, Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được. Chính sách tài khóa cũng cần có sự điều chỉnh theo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 13/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh ra cao những nỗ lực của Bộ Tài chính. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí, song ngành Tài chính cũng đã phấn đấu quyết liệt với nhiều biện pháp nghiệp vụ cụ thể để phấn đấu thu đạt yêu cầu dự toán (6 tháng thu được 54% dự toán, phấn đấu cả năm đạt dự toán); giữ vững cân đối ngân sách nhà nước.