Loạt bài: Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bài 2: “Không để trường hợp người nộp thuế không được thụ hưởng do không có thông tin”

Thùy Linh

Trong suốt thời gian qua, hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành với kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế. Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã vào cuộc mạnh mẽ để nguồn hỗ trợ quan trọng của Nhà nước đến được đúng đối tượng.

Hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành với kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành với kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Toàn ngành Thuế “vào cuộc”

Thời gian qua, nhờ việc tham mưu, đề xuất của Bộ Tài chính mà hàng loạt chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được ban hành như: giảm thuế giá trị gia tăng; giảm lệ phí trước bạ với với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm tiền thuế đất và thuê mặt nước...

Ngay sau khi Chính phủ ban hành các chính sách này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ngay lập tức "vào cuộc" có công điện, công văn gửi các Cục Thuế trên cả nước yêu cầu tập trung thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng trên tinh thần “không để trường hợp người nộp thuế không được thụ hưởng do không có thông tin”.

Bằng hành động cụ thể, ngành Thuế đã thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến để tư vấn, giải thích, hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Các ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội cũng được ngành Thuế phát huy tối đa, qua đó giúp người nộp thuế hiểu rõ và thực hiện nhanh, đúng quy định.

Theo chia sẻ từ một số cục thuế, nhiều chính sách có thời hạn thực hiện ngắn, trong khi phạm vi, đối tượng được hỗ trợ rộng, nên cán bộ thuế không thể chờ đợi "người nộp thuế hỏi rồi mới trả lời" mà đã chủ động phân tích, dự lường các khó khăn, vướng mắc khi các chính sách được áp dụng, đặc biệt là những điểm mới, đáng lưu ý…, từ đó đã nhanh chóng truyền tải thông tin đến doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.

Chính sách đã đi vào cuộc sống

Chính nhờ công tác tuyên truyền, hỗ trợ từ cơ quan Thuế mà nhiều chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả. Như tại Cục Thuế Vĩnh Phúc, năm 2022, Chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với một số các nhóm hàng hóa đã khiến số thu về thuế giá trị gia tăng của Cục Thuế bị sụt giảm. Nhưng con số này là không đáng kể so với những tác động tích cực mà chính sách này mang lại việc giảm thu chỉ là tác động trước mắt.

Theo số liệu của Cục Thuế Vĩnh Phúc, trong năm 2022, thuế giá trị gia tăng đầu ra giảm 2% dẫn đến tổng thu thuế giá trị gia tăng đầu ra của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm trên 2,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung cả năm tổng số thu về thuế giá trị gia tăng do cơ quan thuế thực hiện vẫn đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 128,5% dự toán, và bằng 161% so với cùng kỳ. Những con số này chứng minh một điều rằng dù trước mắt các chính sách hỗ trợ có thể sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng nó là cần thiết kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bà Vũ Thị Sen - Kế toán trưởng Công ty Kohsei Multipack Việt Nam (Vĩnh Phúc) cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 đã giúp doanh nghiệp có thêm dư địa về tài chính, giảm áp lực từ vốn vay ngân hàng để có thể ổn định sản xuất và duy trì việc làm cho hơn 600 lao động. Số vốn có được nhờ việc giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp tái tạo sản xuất hoạt động kinh doanh, đầu tư kinh doanh cho công ty.

Hay với chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng được nguồn tài chính này để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như Tổng công ty cổ phần may Đáp Cầu (Bắc Ninh), là doanh nghiệp thuộc ngành thâm dụng lao động nên doanh nghiệp này cần có mặt bằng rộng để lắp đặt, bố trí các dây chuyền sản xuất, kho bãi chính. Chính vì vậy, tiền thuê đất phải chi trả hằng năm là một khoản kinh phí không nhỏ.

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty Lương Văn Tư, đối với một doanh nghiệp sản xuất may mặc, số tiền có được từ chính sách giảm tiền thuê đất là rất quý. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ cho phục hồi sản xuất, hỗ trợ người lao động mất việc gặp lúc khó khăn do dịch bệnh.

Tương tự, Công ty cổ phần Vinafco - doanh nghiệp hoạt động logistic hiện đang sản xuất, kinh doanh trên mảnh đất rộng hơn 4.000 m2 đất đi thuê tại huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ngay sau khi Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg có hiệu lực, nhờ sự hướng dẫn từ Chi cục thuế Thanh Trì (Cục Thuế Hà Nội), Công ty cổ phần Vinafco đã nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ hồ sơ để gửi đến cơ quan chức năng để xem xét, phê duyệt. Qua tính toán, Công ty này sẽ được giảm tiền thuê đất với giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp hoạt động logistic sử dụng rất nhiều diện tích đất như Công ty cổ phần Vinafco, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, đơn hàng sụt giảm đáng kể so với năm 2022, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thiếu, phần kinh phí có được từ việc giảm tiền thuê đất sẽ dùng để tái đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, đối với chuỗi khách hàng và nhà cung ứng, Công ty cũng sẽ sử dụng một phần số tiền này để xây dựng chính sách thanh toán linh hoạt và để cho toàn bộ chuỗi cung ứng hiện nay lại tiếp tục phát triển trong năm 2023.

Có thể nói, trong bối cảnh mọi chi phí đều đang tăng cao, sự hỗ trợ trực tiếp về tài chính đều rất quý giá. Những chính sách này là đòn bẩy quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thêm động lực vượt khó, duy trì cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đây không chỉ là biện pháp giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước một cách bền vững mà còn mang một ý nghĩa rất lớn khi truyền tải được một thông điệp đầy nhân văn về sự thấu hiểu và đồng hành của Đảng, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân cả nước.