Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 25-30/9/20117

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Châu Á: Các nước đang phát triển tại châu Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2017 và 2018 (lần lượt ở mức 5,9% và 5,8%) nhờ sự phục hồi của thương mại thế giới và động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, song gặp một số rủi ro do Hoa Kỳ siết chặt chính sách tiền tệ.

+ Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 và 6,4% trong năm 2018, bằng mức dự báo đưa ra vào tháng 7/2017.

+ Khu vực Nam Á đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 và 7% trong năm 2018, thấp hơn so với các mức tương ứng là 7% và 7,2% trong dự báo tháng 7/2017. Trong đó, Ấn Độ tăng trưởng lần lượt 7% và 7,4%, thấp hơn so với mức 7,4% và 7,6% trong dự báo tháng 7/2017.

+ Khu vực Đông Nam Á đạt tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2017 và 5,1% trong năm 2018, cao hơn mức 4,8% và 5% trong dự báo tháng 7/2017.

(Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 26/9)

Nga: Trong tháng 8/2017, GDP của Nga tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 1,8% của tháng 7/2017, do ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh, cho thấy nền kinh tế Nga đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ. (Theo Bộ Kinh tế Nga ngày 26/9)

Châu Âu

EU:

- Những tác động tới thị trường việc làm và tăng trưởng GDP của EU và Anh trong 2 trường hợp Brexit “cứng” (thuế quan giữa Anh và các nước EU sẽ được quy định lại theo đúng tỷ lệ trong các thỏa thuận của WTO) và Brexit “mềm” (Anh và EU vẫn duy trì cơ chế không thuế quan) như sau:

+ Brexit “cứng”: EU sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, giảm 1,54% GDP; trong khi Anh mất 526 nghìn việc làm, giảm 1,21% GDP.

+ Brexit “mềm”: EU mất 284 nghìn việc làm, trong khi Anh mất 140 nghìn việc làm.

(Theo Báo cáo của Đại học Leuven, Bỉ ngày 22/9)

- Trong năm 2016, EU đã lãng phí 4,2 tỷ EUR, tương đương 3,1% tổng chi tiêu của khu vực (136,4 tỷ EUR), giảm so với mức 3,8% (tương đương 5,5 tỷ EUR) của năm 2015, song vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% .Chủ tịch ECA Klaus-Heiner Lehne nhận định, tài chính của EU đã có sự cải thiên, nhưng các nước cần hành động nhiều hơn để thu hẹp các khoản chi sai.

Cam kết chi tiêu trong tương lai của EU đạt mức cao kỷ lục 238,8 tỷ EUR. Trong năm 2016, EU chi trung bình khoảng 267 EUR cho một công dân trong tổng số khoảng 500 triệu dân. Hầu hết các khoản chi dành cho tài nguyên thiên nhiên, gồm nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường (khoảng 57,9 tỷ EUR).

(Theo Tòa Kiểm toán châu Âu - ECA ngày 28/9)

Pháp:

- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức ký ban hành Luật Cải cách lao động sau 4 tháng thúc đẩy Luật này. Trước đó, Chính phủ Pháp đã ban hành 5 sắc lệnh liên quan tới cải cách Luật Lao động.

Nội dung cải cách giúp các chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đàm phán lương và điều kiện làm việc với người lao động, giảm chi phí sa thải nhân công. Đây là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm tự do hóa nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với các nước phát triển ở châu Âu.

- Chính phủ Pháp sẽ “rót” 57 tỷ EUR (67,8 tỷ USD) để hiện đại hóa nền kinh tế nước này. Theo đó, 20 tỷ EUR sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế xanh hơn (trong đó có 7 tỷ EUR dành cho phát triển năng lượng tái tạo); 9 tỷ EUR để số hóa lĩnh vực công; 15 tỷ EUR chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; 13 tỷ EUR cho đổi mới toàn diện. Nguồn kinh phí trên một phần là từ ngân sách nhà nước hiện có và một phần từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

- Chính phủ Pháp công bố kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2018. Theo đó, Tổng thống Macron cam kết sẽ tiết kiệm được 16 tỷ EUR (19 tỷ USD) nhờ kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,6% GDP, thấp hơn so với 2,9% GDP (dự báo cho năm 2017).

Chính phủ đặt kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 25% vào năm 2022, so với mức 33% hiện hành; cắt giảm thuế thu nhập đối với lao động trong ngành Tài chính được hưởng lương cao nhằm tăng sức hút của Pháp đối với các công ty tài chính nước ngoài đang tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi Anh sau khi nước này rời Liên minh châu Âu - EU.

(Theo Chính phủ Pháp ngày 27/9)

Nga:

Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Nga từ “BBB-” với triển vọng ổn định lên tích cực, do nước này tiếp tục đạt được nhiều tiến triển trong việc củng cố chính sách kinh tế, đặc biệt là sự thành công của chính sách thả nổi đồng RUB và kiên trì đạt được chỉ số lạm phát mục tiêu.

Dự báo GDP của Nga tăng trưởng 2% trong năm 2017 và đạt mức trung bình 2,1%/năm trong hai năm 2018 - 2019. (Theo Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 22/9)

Anh:

Anh đã bắt đầu đàm phán với Peru, Colombia và Ecuardo về việc thiết lập các thỏa thuận thương mại mới hậu Brexit trên cơ sở các thỏa thuận thương mại đang có hiệu lực giữa các quốc gia này và EU.

Bộ trưởng Chính sách thương mại Anh Greg Hands nhận định, khi Anh chính thức rời EU, nước này sẽ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và mở cửa chào đón luồng gió tự do thương mại thông qua việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại độc lập. Ngoài các quốc gia Nam Mỹ, Anh cũng đang định hình các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ, Canada.. (Theo Đại sứ quán Anh tại Peru ngày 27/9)

Châu Á

Chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada cho biết, nhu cầu hạ tầng tại châu Á - Thái Bình Dương khoảng 1.700 tỷ USD/năm, tuy nhiên mỗi năm khu vực này thiếu khoảng 500 tỷ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

ADB và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) có thể hợp tác để đáp ứng các nhu cầu tài trợ hạ tầng của khu vực nhưng vẫncần huy động thêm đầu tư công và tư nhân. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có khả năng đáp ứng nhu cầu hạ tầng lớn của khu vực. (Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 26/9)

Hoa Kỳ

Trong tháng 8/2017, doanh số bán nhà mới tại Hoa Kỳ giảm 3,4% so với tháng 7/2017 xuống 560 nghìn căn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016 do ảnh hưởng của siêu bão Harvey.

Doanh số bán nhà đóng góp một phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế quý II/2017 tại Hoa Kỳ. Các nhà kinh tế kỳ vọng lĩnh vực này sẽ góp phần gia tăng GDP trong quý III/2017. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu dầu mỏ của Hoa Kỳ sang châu Á đạt 261.000 thùng/ngày, tăng khoảng 10 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu dầu khí từ đá phiến của Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh trong những năm tới trong bối cảnh sản lượng dầu tại nước này tăng nhanh.(Theo Thomson Reuters Oil Research & Forecasts ngày 25/9)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 27/9 công bố gói cải cách thuế lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ. Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập cao từ 39,6% xuống còn 35%; tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn; đưa ra quy định về một khoản thu nhập nhất định không phải đóng thuế cho tất cả người dân.

Thuế doanh nghiệp giảm xuống còn 20% từ mức 35% hiện nay. Theo ông Trump, gói đề xuất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm. (Theo TTXVN 28/9)

Các cơn bão lớn cũng như các đợt hạn hán và cháy rừng tại Hoa Kỳ gây thiệt hại khoảng 240 tỷ USD trong năm 2017, tương đương 40% mức tăng trưởng hiện tại của kinh tế Hoa Kỳ.

Trong thập kỷ tới, thiệt hại có thể tăng lên ít nhất 360 tỷ USD/năm, tương đương 55% mức tăng thêm GDP hằng năm của nền kinh tế. Mức thiệt hại kinh tế leo thang chủ yếu do việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch khiến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Hoa Kỳ cần sớm chấm dứt sử dụng các nhiên liệu hóa thạch và hướng tới nguồn năng lượng tái tạo, mang lại lợi ích cho môi trường, trong bối cảnh 80% năng lượng được sản xuất và sử dụng tại Hoa Kỳ đều từ các nhiên liệu hóa thạch. (Theo Quỹ Sinh thái học toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ ngày 27/9)

Trong quý II/2017, GDP của Hoa Kỳ tăng 3,1%, cao hơn mức tăng trưởng 1,2% của quý I/2017 và mức ước tính 3% đưa ra vào tháng 8/2017, do tốc độ đầu tư hàng tồn kho tăng hơn dự kiến.

Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý I/2015. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng GDP quý III/2017 sẽ giảm do ảnh hưởng của bão Harvey và Irma. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/9)

Trung Quốc

Trong 8 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đạt 1,9 nghìn tỷ CNY (287,27 tỷ USD), tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi doanh thu tăng 15,5% lên 33,08 nghìn tỷ CNY. Nợ công của các doanh nghiệp nhà nước tăng 11% so với năm 2016 lên 96,49 nghìn tỷ CNY. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 26/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 4,921,4 triệu NDT, cao hơn mức tăng trưởng 21,2% của 7 tháng đầu năm.

Trong đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước tăng 46,3%; doanh nghiệp tư nhân tăng 14%. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 27/9)

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức - ZEW công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong 12 tháng tới tiếp tục được cải thiện đáng kể.

Chỉ số ZEW, phản ánh kỳ vọng của các chuyên gia thị trường tài chính quốc tế liên quan đến phát triển kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, đã tăng từ 0 điểm trong tháng 8/2017 lên 8,3 điểm trong tháng 9/2017, cao hơn mức trung bình trong dài hạn là 5,1 điểm.

ZEW giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2017 ở mức 6,8% và nâng dự báo tăng trưởng của năm 2018 lên mức 6,7% từ dự báo 6,6% đưa ra trước đó.

(Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu thuộc ZEW ngày 26/9)

Nhật Bản

Nhật Bản sẽ đưa ra gói các biện pháp kích thích kinh tế mới trị giá 2.000 tỷ JPY (18 tỷ USD) vào cuối năm 2017, tập trung hỗ trợ chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em, thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp để nâng cao năng suất.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ sử dụng phần lớn trong 5 nghìn tỷ JPY thu từ việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% (vào năm 2019) để thanh toán nợ, phần còn lại sẽ được chi cho các chính sách an sinh xã hội của quốc gia.(Theo TTXVN ngày 25/9)

Trong tháng 8/2017:

- CPI lõi (không bao gồm giá lương thực tươi sống) tại Nhật Bản tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng trưởng 0,5% của tháng 7/2017 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2015.

- Sản lượng công nghiệp tăng 2,1% so với tháng 7/2017, trái ngược với dự báo giảm 1,9% của Chính phủ, do tăng trưởng nhiều hơn trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị xây dựng, ô tô, linh kiện điện tử.

- Tỷ lệ người tìm việc làm ổn định ở mức 1,52 (cứ 100 người tìm việc thì có 152 việc làm), mức cao nhất kể từ năm 1974, cho thấy nhu cầu lao động ở Nhật Bản vẫn duy trì ở mức cao.

Các dữ liệu trên củng cố đà tăng trưởng kinh tế vững chắc của Nhật Bản.

(Theo Cơ quan Thống kê Nhật Bản ngày 29/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng tăng. Tính chung cả tuần (25/9 - 29/9/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,25%; 0,68%; 1,07% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (22/9/2017). Trong ngày giao dịch 29/9/2017, so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 42,51 điểm (0,66%) lên 6.495,96 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 9,3 điểm (0,37%) lên 2.519,36 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 23,89 điểm (0,11%) lên 22.405,09 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,82 điểm (-1,12%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (29/9/2017), so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 21,33 điểm (0,9%) lên 2.394,47 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 132,7 điểm (0,48%) lên 27.554,3 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 9,3 điểm (0,28%) lên 3.348,94 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 11,2 điểm (0,2%) lên 5.681,6 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 6,83 điểm (-0,03%) xuống 20.356,28 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 25/9 - 29/9/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,99% và 1,2%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (29/9/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,11 USD (0,76%) lên 51,67 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,13 USD (0,23%) lên 57,74 USD/thùng.

Năng lực cạnh tranh

Thụy Sỹ, Hoa Kỳ và Singapore là ba quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, trong đó Thụy Sỹ duy trì vị trí đứng đầu năm thứ 9 liên tiếp. Nhật Bản giảm một bậc xuống vị trí thứ 9 do nợ công lớn, tình trạng giảm phát vẫn kéo dài và thị trường lao động thiếu linh hoạt.

Trong khi một số nền kinh tế khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan) thăng hạng.(Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF ngày 27/9)

Chính sách

Ngân hàng Dự trữ New Zealand - RBNZ (28/9) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,75% trong một thời gian do tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát chậm lại.

Trong quý II/2017, tăng trưởng GDP của New Zealand chỉ đạt 0,8%, thấp hơn mức dự báo 0,9% của RBNZ. Các nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng quý III và quý IV sẽ tiếp tục thấp hơn mức dự báo 0,9% và 1% của RBNA đưa ra ngày 10/8.

(Theo RBNZ ngày 28/9)

 

Nhận định chuyên gia

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (22/9):

Sau một giai đoạn dài tăng trưởng thấp, nền kinh tế Pháp đã phục hồi tích cực trong thời gian gần đây. Các điều kiện kinh tế đang tạo thuận lợi cho các kế hoạch của Tổng thống Macron, bao gồm cải cách thị trường lao động, cắt giảm thâm hụt ngân sách và giảm thuế.

IMF cho rằng, triển vọng kinh tế Pháp trong trung hạn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc thực hiện các chương trình cải cách nói trên.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm 2017 đạt 1,6%, 1,8% trong năm 2018, cao hơn so với mức 1,2% của năm 2016.

Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF Trương Đào (25/9):

Tự động hóa dẫn tới sự suy thoái mạnh mẽ trong tầng lớp trung lưu tại một số nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ trong bối cảnh tăng trưởng lương không đủ mạnh và tình trạng bất bình đẳng thu nhập gia tăng đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Theo đó, cần thiết lập các chương trình hỗ trợ xã hội đối với những nhóm đối tượng cụ thể, tập trung tăng cường giáo dục và dạy nghề, nâng mức lương tối thiểu, hỗ trợ chăm sóc trẻ em, mức chi trả cho những lao động buộc phải nghỉ để chăm sóc người thân và hỗ trợ thuế cho người nghèo để giảm bớt sự bất bình đẳng về thu nhập.