Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 7-12/8//2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Trung Quốc: Trong tháng 7/2017, CPI của Trung Quốc tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,5% của tháng 6/2017 và dự báo của thị trường. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017 do giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng chậm trong khi chi phí thực phẩm giảm. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 09/8)

- Mexico: Trong tháng 7/2017, CPI của Mexico tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do giá thực phẩm và nhiều mặt hàng tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, lạm phát tại Mexico sẽ giảm dần vào cuối năm 2017.(Theo Viện Thống kê Quốc gia Mexico ngày 09/8)

- Mỹ La-tinh và Caribe: Các nền kinh tế Mỹ La-tinh sẽ tăng trưởng trung bình 1,1% trong năm 2017, sau 2 năm suy giảm liên tiếp, do tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc và giá nguyên liệu thô (mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ La-tinh) tăng lên. (Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe của Liên Hợp quốc - CEPAL ngày 04/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần (07/8 - 11/8/2017), chỉ số Dow Jones tăng 1,06%, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 1,43% và 1,5% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (04/8/2017). Trong ngày giao dịch ngày 11/8/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 39,68 điểm (0,64%) lên 6.256,56 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 3,11 điểm (0,13%) lên 2.441,32 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 14,31 điểm (0,07%) lên 21.858,32 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,26 điểm (-0,86%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (11/8/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 39,76 điểm (-1,69%) xuống 2.319,71 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 560,49 điểm (-2,04%) xuống 26.883,51 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 53,21 điểm (-1,63%) xuống 3.208,54 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 22,56 điểm (0,4%) lên 5.715,7 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản): Đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu mỏ

Trong tháng 6/2017, sản lượng dầu thô của Brazil đạt 2,675 triệu thùng/ngày, tăng 0,8% so với tháng 5/2017 và 4,5% so với cùng kỳ năm 2016, vượt qua Venezuela và Mexico để trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất Mỹ La-tinh.

Trong năm 2016, Brazil đạt mức tăng trưởng sản lượng trung bình 3,2%, tương tự các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). (Theo Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil ngày 07/8)

Trong tháng 7/2017, sản lượng dầu mỏ của 14 quốc gia thành viên OPEC đạt 32,87 triệu thùng/ngày, cao hơn so với 32,69 triệu thùng/ngày của tháng 6/2017. Sản lượng tăng chủ yếu ở các nước Libya, Nigeria và Saudi Arabia.

Trong đó Libya và Nigeria không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ, trong khi lượng dầu thô của Saudi Arabia đạt 10,067 triệu thùng/ngày, tăng 32 nghìn thùng/ngày, cao hơn mức trần đã cam kết.

OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2017 đạt 96,49 triệu thùng/ngày, tăng 1,37 triệu thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó và tiếp tục tăng lên 97,77 triệu thùng/ngày. (Theo OPEC ngày 10/8)

Lượng dầu thô dự trữ của Hoa Kỳ trong tuần (31/7 - 04/8) giảm 6,5 triệu thùng xuống 475,4 triệu thùng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức giảm 2,7 triệu thùng (dự báo của thị trường).

Theo các nhà phân tích, thông tin này đã giúp thị trường giảm bớt quan ngại về sự dư thừa nguồn cung trên toàn cầu và hỗ trợ giá dầu trong phiên giao dịch ngày 09/8. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 09/8)

Tuần từ 07/8 - 11/8/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 1,53% và 0,61%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (11/8/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,23 USD (0,47%) lên 48,82 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,2 USD (0,38%) lên 52,1 USD/thùng.

Châu Âu

Đức

Trong tháng 6/2017, sản lượng công nghiệp của Đức bất ngờ giảm 1,1%, lần giảm đầu tiên trong vòng 6 tháng qua, trái ngược với mức tăng 0,2% (dự báo của các chuyên gia kinh tế).

Tuy nhiên, trong quý II/2017, sản lượng công nghiệp của Đức tăng 1,8% so với quý trước, cho thấy sản lượng công nghiệp vẫn có xu hướng tăng. (Theo Văn phòng Thống kê Đức - Destatis ngày 07/8)

Anh

Trong tháng 6/2017, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Anh là 4,56 tỷ GBP, tăng 2 tỷ GBP so với tháng 5/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2016.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,7% so với tháng 5/2017 xuống 49,39 tỷ GBP, cho thấy nước này đang gặp khó khăn trong việc tái cân bằng nền kinh tế. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 10/8)

Nga

Trao đổi thương mại hai chiều giữa Nga và các đối tác lớn tăng mạnh:

- Kim ngạch thương mại giữa Nga và EU trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 117,8 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nga sang EU đạt 79,4 tỷ USD, tăng 31,2%, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nga đạt khoảng 38,4 tỷ USD, tăng 23,7%.

- Kim ngạch thương mại giữa Nga và Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 10,7 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2016.

- Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 38,3 tỷ USD, tăng 35,4%.

(Theo Cơ quan Hải quan Nga ngày 10/8)

Hoa Kỳ

Trong quý II/2017, năng suất lao động của Hoa Kỳ tăng 0,9% so với quý trước (quý I/2017 tăng 0,1%). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ tăng năng suất như vậy vẫn ở mức thấp, sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 09/8)

Trong tháng 6/2017, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ giảm 5,9% xuống gần 44 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016 và thấp hơn so với mức dự báo của các chuyên gia kinh tế là 45 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,2% lên hơn 194 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014, chủ yếu do việc tăng mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm và phương tiện chạy bằng động cơ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,2% xuống 238 tỷ USD.(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 04/8)

Trong tháng 6/2017, tổng tín dụng tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng 12,4 tỷ USD, thấp hơn so với mức tăng 18,28 tỷ USD của tháng 5/2017 và 15 tỷ USD (dự báo của các chuyên gia kinh tế), cho thấy chi tiêu tiêu dùng (chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ) có xu hướng giảm. (Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 07/8)

Trong tháng 7/2017, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 209 nghìn việc làm, cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích, chủ yếu do số lượng việc làm tăng mạnh trong lĩnh vực nhà hàng và chăm sóc sức khỏe, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,3%.

Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục đà cải thiện.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 04/8)

Trung Quốc

Trong 10 năm tới, các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể tăng 70% lên 1.500 tỷ USD do được hỗ trợ từ các chính sách chủ chốt của Chính phủ nước này.

Hoạt động đầu tư và mua lại các công ty ở nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực phát triển lớn đối với Trung Quốc trong những năm tới trong bối cảnh các chính sách dài hạn như “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và “Vành đai và Con đường”, đều có trọng tâm là những dự án đầu tư ở nước ngoài.(Theo Công ty Luật quốc tế Linklaters LLP, Anh ngày 09/8)

Lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2017 - 2018, với xu hướng thu hẹp tỷ lệ tài sản không sinh lời.

Tài sản của các ngân hàng thương mại Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 10%; lượng cung tiền sẽ dần được mở rộng, nhưng tình trạng gia tăng các chi phí tín dụng có thể đe dọa đến lợi nhuận ròng. (Theo Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc - CBA ngày 05/8)

Thâm hụt thương mại dịch vụ của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 896,96 tỷ NDT (132 tỷ USD).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 695,09 tỷ NDT, kim ngạch nhập khẩu tăng 16,5% lên 1.592,05 tỷ NDT.

Ba lĩnh vực có tình trạng thâm hụt lớn nhất là du lịch, giao thông vận tải và bản quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đó hai lĩnh vực dịch vụ tư vấn và thông tin đạt thặng dư.(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 04/8)

Trong tháng 7/2017, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 46,7 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 42,77 tỷ USD của tháng 6/2017 và là mức thặng dư cao nhất kể từ đầu năm 2017.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016 lên 193,6 tỷ USD, thấp hơn so với mức tăng 11,3% của tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 02/2017; kim ngạch nhập khẩu tăng 11% lên 146,9 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 17,2% của tháng 6 và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 12/2016.

Sự giảm tốc trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc làm tăng quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do Trung Quốc và châu Âu được kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Hoa Kỳ đã làm gián đoạn các chính sách kích thích tăng trưởng của Tổng thống Donald Trump. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 08/8)

Trong tháng 7/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 23,9 tỷ USD lên 3,081 nghìn tỷ USD, cao hơn so với 3,075 nghìn tỷ USD (dự báo của Bloomberg) và là tháng tăng thứ 6 liên tiếp, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh cùng các biện pháp kiểm soát chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài đã giúp khôi phục lại niềm tin đối với đồng NDT và giảm áp lực dòng vốn chảy ra ngoài. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/8)

Trong tháng 7/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 5 và tháng 6/2017.(Theo NBS ngày 09/8)

Theo nhà kinh tế của Capital Economics, ông Julian Evans-Pritchard, PPI của Trung Quốc gần như ổn định nhờ giá thép nội địa tăng trở lại. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm do tác động từ chính sách kinh tế thắt chặt của Chính phủ.

Trong phiên giao dịch ngày 10/8, đồng NDTđã tăng 305 điểm cơ bản lên 6,6770 NDT/USD, sau khi tăng 109 điểm cơ bản trong phiên ngày 09/8. Các nhà phân tích nhận định, sự tăng giá của đồng NDT chủ yếu do sự yếu đi của đồng USD.

Tập đoàn đầu tư China International Capital Corp (CICC) dự báo đồng NDT có thể tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2017. (Theo Hệ thống Trao đổi ngoại hối Trung Quốc ngày 10/8)

 

Nhật Bản

Trong 6 tháng đầu năm 2017:

-Thặng dư tài khoản vãng laicủa Nhật Bản tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 10.510 tỷ JPY (95 tỷ USD), mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do lợi nhuận cao hơn từ các khoản đầu tư nước ngoài. Trong tháng 6/2017, Nhật Bản đạt thặng dư 934,6 tỷ JPY, là tháng tăng liên tiếp thứ 36.

- Thặng dư thương mại của Nhật Bản giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2016 xuống còn 2.050 tỷ JPY. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,1% lên 37.300 tỷ JPY, kim ngạch nhập khẩu tăng 11,8% lên 35.250 tỷ JPY, do Nhật Bản tăng nhập khẩu dầu thô.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 08/8)

Mexico

Trong tháng 7/2017, sản lượng sản xuất ô tô của Mexico đạt 286.417 xe, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi đó, số lượng xuất khẩu đạt 243.056 xe - mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Trong 7 tháng đầu năm 2017, sản lượng ô tô của Mexico đạt 2.170.732 xe và xuất khẩu đạt 1.756.390 xe, với mức tăng lần lượt là 10,8% và 13,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong vòng ba năm qua, ngành công nghiệp ô tô của Mexico đã thu hút trên 26 tỷ USD đầu tư nước ngoài do chi phí xây dựng nhà máy thấp, giá nhân công rẻ và sức mua tăng mạnh. (Theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Mexico - AMIA ngày 07/8)

Singapore

Trong quý II/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore đạt 2,9%, cao hơn so với mức tăng 2,5% của quý I/2017 và 2,6% theo ước tính lần 1.

Trong đó, ngành sản xuất tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (8,1%), tiếp theo là tài chính và bảo hiểm, vận tải và lưu trữ. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 11/8)

Chính sách

Ngân hàng Dự trữ New Zealand - RBNZ (10/8) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,75% và dự báosẽ không tăng lãi suất cho đến quý III/2019, đồng thời hạ dự báo lạm phát xuống còn 0,7% trong quý I/2018, thấp hơn mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong quý I/2018 được dự báo đạt 3,8%, cao hơn mức tăng trưởng 2,5% của quý I/2017, nhờ chi phí vay thấp, dân số tăng trưởng mạnh, thương mại tăng tốc và kích thích tài chính tăng cao.

Nhận định
chuyên gia

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED chi nhánh New York William Dudley (10/8):

Lạm phát tại Hoa Kỳ sẽ tăng cao hơn trong trung hạn do đồng USD đang giảm mạnh sẽ làm tăng giá nhập khẩu và thị trường lao động thắt chặt sẽ tạo sức ép lên tăng trưởng tiền lương, tuy nhiên lạm phát sẽ không đạt được mục tiêu 2% của FED và tiếp tục chịu áp lực trong khoảng 6 - 10 tháng tới.