Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 6-11/11/2017

Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, theo đó : GDP tăng 6,5 - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%, ; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%... (Theo báo Nhân dân ngày 11/11)

Doanh nghiệp

Nhà cung cấp giải pháp thanh toán Malaysia GHL Systems Berhad đã ký thỏa thuận đầu tư hơn 3,3 triệu USD vào Công ty cổ phần công nghệ MPOS Global tại Việt Nam để đổi lấy 31,16% cổ phần. GHL sẽ sở hữu 29,8% cổ phần của MPOS Technology JSC, đơn vị tại Việt Nam của MPOS Global.

Sau giao dịch, tập đoàn thương mại điện tử NextTech sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ trực tiếp trong MPOS Global xuống 39,4%, trong khi nhà đầu tư ban đầu Life.SREDA sẽ nắm giữ 4,2% cổ phần. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 09/11)

Báo cáo về hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng sản lượng khai thác quy dầu 10 tháng đạt 21,26 triệu tấn, vượt 0,2% so với kế hoạch và bằng 82,4% kế hoạch năm.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 10 tháng đạt 404,2 nghìn tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 92% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi nộp ngân sách nhà nước đạt 76,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo PVN ngày 07/11)

Tổng cầu


Đầu tư

Theo khảo sát hơn 1.400 CEO của 21 nền kinh tế APEC vừa được PwC toàn cầu công bố ngày 08/11, Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư APEC khi có gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới, nhờ các yếu tố hỗ trợ như: Kinh tế Việt Nam đang mở rộng, kỳ vọng tăng trưởng mới từ các hiệp định thương mại tự do và các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ hơn, cùng với triển vọng tích cực về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng.

Các CEO Việt Nam đã xác định 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế trong tương lai gồm: Tăng biên lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh trong nước; kỳ vọng mở rộng quy mô kinh doanh toàn cầu của doanh nghiệp trong 3 năm tới; điều kiện cho đổi mới sáng tạo đang được cải thiện.

(Theo vov.vn ngày 08/11)

Để tạo nền tảng xây dựng thành công đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, năm 2018, dự kiến các nhà đầu tư sẽ khởi công chuỗi tổ hợp du lịch dịch vụ quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng vốn đầu tư lên tới 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD).

Các dự án quan trọng bao gồm: Tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas trên 1.120 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn 5.000 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng khoảng 46.000 tỷ đồng; Dự án đầu tư Khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu khoảng 3.500 tỷ đồng. (Theo Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh ngày 06/11)

Ngân sách
nhà nước

Trong 10 tháng năm 2017:

- Thu ngân sách nhà nước đạt 972,6 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán năm và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 776,8 nghìn tỷ đồng; thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt khoảng 605,7 nghìn tỷ đồng; từ dầu thô đạt 37,86 nghìn tỷ đồng; từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 237 nghìn tỷ đồng.

- Tổng chi đạt 1.013,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Bội chi ngân sách trung ương khoảng 69,6% dự toán năm; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.

(Theo Bộ Tài chính ngày 10/11)

Xuất - nhập khẩu

Trong 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu nhân điều đạt 294.000 tấn và 2,98 tỷ USD, tăng 0,4% về số lượng và tăng 25,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 35%, 25% và 15% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD).

Năm 2017 cũng là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều. Theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, toàn ngành phấn đấu xuất khẩu trong cả năm 2017 đạt 330.000 tấn điều nhân các loại với tổng giá trị đạt trên 3,3 tỷ USD và năm 2018 tăng lên khoảng 3,5 - 3,7 tỷ USD. (Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương ngày 05/11)

Sau 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt khoảng 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%; khối doanh nghiệp trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sau 10 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% đề ra từ đầu năm và cao hơn mức tăng trưởng 8,3% của cùng kỳ năm 2016; hoàn thành 92,4% mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017. Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 có thể tăng trưởng 18,9% - mức cao nhất kể từ năm 2011, đạt 210 tỷ USD. (Theo Bộ Công Thương ngày 06/11)

Cân đối vĩ mô


Thương mại điện tử

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 ngày 08/11 đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC, tập trung vào 5 trụ cột làm việc bao gồm hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý thương mại điện tử của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới; thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực, giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong thương mại điện tử xuyên biên giới. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 09/11)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng, 3 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 11/11, so với ngày 10/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý IISài Gòn: 36,41 - 36,63 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,48 - 36,54 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,48 - 36,56 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 11/11, tỷ giá trung tâm là 22.465 NVD/USD không thay đổi so với ngày 10/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại cũng không thay đổi:

- Vietcombank và BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD.

- Vietinbank: 22.670 - 22.750 VND/USD.

Tín dụng

Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn..., đóng góp quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%, gian đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%. Tính đến 30/9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. (Theo Ngân hàng Chính sách xã hội ngày 08/11)

Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2016 tại 12 tỉnh cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo phân theo chuẩn nghèo của Molisa tại 12 tỉnh của Việt Nam chiếm đến 16,2%. Việc tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính thức, công cụ quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, vẫn đang gặp khó khăn.

Trong khi 28% hộ gia đình có ít nhất 1 khoản vay thì có hơn 71% không có khoản vay nào. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tập tủng thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phúc lợi và việc tiếp cận các nguồn lực giữa các hộ gia đình nông thôn, đảm bảo nhóm hộ nghèo và dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau. (Theo Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc - UNU-WIDER ngày 07/11)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trong tháng 10/2017, Kho bạc Nhà nước huy động được 6.910 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tăng 41% so với tháng 9; tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 61% (tháng 8, tỷ lệ này là 24,4%, tháng 9 là 47,5%).Nhu cầu đối với TPCP kỳ hạn ngắn (5 năm, 7 năm) có xu hướng tăng và đối với các kỳ hạn dài trên 10 năm giảm mạnh. Lũy kế tháng 10 đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 85% kế hoạch phát hành năm 2017 (183.300 tỷ đồng), do đó không chịu áp lực tăng lãi suất huy động vốn TPCP. (Theo Báo Đầu tư ngày 08/11)

Cổ phiếu

Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố nhận định, VN-Index vượt mốc 800 điểm, tăng hơn 20% so với đầu năm, xếp thứ 9 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017; giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 10/2017 đạt xấp xỉ 61% GDP, chủ yếu do các cải cách của Chính phủ được thực hiện quyết liệt đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết cổ phiếu và mặt bằng giá cổ phiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư. (Theo Báo Đầu tư ngày 08/11)

Trong tuần từ 06/11 - 11/11/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng và 1 ngày giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 7,81 điểm (0,91%) lên 868,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 277,68 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 9.358,68 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,51 điểm (0,48) lên 106,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 34,63 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 427,88 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,06 điểm (0,11%) lên 52,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 8,66triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 157,5 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 168,74 triệu đơn vị, trị giá 7.879,61 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là VNM với khối lượng 9,08 triệu đơn vị, trị giá 1.518 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là MSN với khối lượng 4,03 triệu đơn vị, trị giá 240,53 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại mua ròng 5 ngày liên tiếp tổng cộng 160 triệu đơn vị, trị giá 7.712,81 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4,2 lần về lượng và 5,6 lần về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại mua ròng 5 ngày tổng cộng 3,65 triệu đơn vị, trị giá 65,15 tỷ đồng, tăng 89,22% về lượng và 18,84% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 ngày tổng cộng 5,09 triệu đơn vị, trị giá 101,65 tỷ đồng, tăng 168,73% về lượng và 75,41% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Trong tháng 10/2017, thị trường bất động sản Hà Nội có khoảng 1.400 giao dịch thành công, tăng 16,7% so với tháng 9; tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.550 giao dịch thành công, tăng 19,2%.

Dự báo thị trường bất động sản thời gian tới tiếp tục duy trì sự ổn định, không có nhiều biến động. Những tháng cuối năm, số lượng giao dịch sẽ tăng trưởng khá so với quý IItrước và giá bất động sản không có nhiều biến động. (Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng ngày 07/11)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Hàn Quốc

Ngày 08/11, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ hai nước cho các khoản tín dụng từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) giai đoạn 2016 - 2020, gồm 10 điều quy định về việc Chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản tín dụng ODA trị giá 1,5 tỷ USD . Khoản tín dụng này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án do Chính phủ hai nước lựa chọn.

Việt Nam và Australia

Ngày 08/11, Việt Nam và Australia đã công bố Chương trình quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam. Theo đó, Australia sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 10 triệu AUD nhằm thúc đẩy tiềm năng đổi mới sáng tạo và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trọng tâm vào việc hình thành và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đồng thời hỗ trợ thí điểm ở những lĩnh vực, ngành quan trọng mà Australia có kinh nghiệm và ưu thế như: Nông nghiệp, sản xuất chế tạo, thúc đẩy cả lợi ích kinh tế cũng như hiện đại hóa các ngành, đảm bảo việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (Theo Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 08/11)

Việt Nam và Trung Quốc

Theo Báo Đầu tư ngày 08/11, tại Hội nghị Giao thương Việt Nam - Trung Quốc và Lễ ký kết các hợp đồng diễn ra ngày 08/11, đã có 13 hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm, may mặc, nhựa… nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi và hợp tác kinh doanh trực tiếp, đồng thời góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương, tăng cường khả năng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng như thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.

Năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9 % so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 28,4%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,9 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,96 tỷ USD, giảm 13,67% so với năm 2015.

Trong 9 tháng năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 22,2 tỷ USD, tăng 62,2%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 41,7 tỷ USD, tăng 15,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 63,93 tỷ USD tăng 25,1%.

Chính sách

Quyết định số 1670/QĐ-TTg

Ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình sẽ xây dựng 1 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia. Xây dựng, nâng cấp 200 km đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống của trên 03 triệu người dân ở những khu vực ven sông, ven biển.

Trồng và phục hồi 10.000 héc-ta rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn; đồng thời, xây dựng 1 hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, 1 hệ thống giám sát, dự báo xâm nhập mặn thuộc uy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Vốn thực hiện Chương trình gồm: Vốn ngân sách trung ương 15.866 tỷ đồng, vốn ODA 15.000 tỷ đồng dành cho Hợp phần biến đổi khí hậu và Hợp phần tăng trưởng xanh.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10/2017.

Thông tư số 107/2017/TT-BTC

Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, trong đó hướng dẫn cụ thể về danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc; danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán; danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán; danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị tại Điều 2 của Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 24/11/2017 và áp dụng từ ngày 01/01/2018, thay thế Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC, Thông tư số 185/2010/TT-BTC.

Thông tư số 105/2017/TT-BTC

Ngày 05/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 105/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Đối với hỗ trợ đất sản xuất, trên cơ sở phương án giải quyết về đất sản xuất cho các hộ chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất, mức thanh toán tương ứng với số diện tích thực tế đã khai hoang hoặc chuyển nhượng và tối đa không vượt quá mức quy định hỗ trợ cho từng hộ dân.

Đối với hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số: Tạm ứng, thanh toán vốn cho các dự án, công trình (bồi thường, giải phóng mặt bằng, khai hoang đất sản xuất; xây dựng đường giao thông, điện, hệ thống nước sinh hoạt, lớp học…); đồng thời hỗ trợ trực tiếp hộ du canh, du cư thực hiện định canh, định cư làm nhà ở và công trình nước sinh hoạt. Trường hợp các hộ tự làm nhưng có nhu cầu tạm ứng kinh phí, được tạm ứng tối đa 60% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/11/2017.

Nhận định

chuyên gia

Ông Robert Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PricewaterhouseCoopers - PwC (09/11):

Để có thể trở thành “thiên đường” cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần thiết lập được một lộ trình thu hút đầu tư hấp dẫn và mạnh mẽ. Trong vài năm qua, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể và các nhà đầu tư nước ngoài đều kỳ vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn.

Ngoài ra, Việt Nam cần tạo dựng được sự ổn định lâu dài về các quy định đầu tư, kinh doanh cũng như tiến hành cải cách thuế sâu rộng. Điều này sẽ tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm là đảm bảo có một nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt trong những ngành công nghệ cao.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, GS.TS. Vladimir Mazyrin (08/11):

Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, ổn định chính trị, sức mạnh quân sự, các hoạt động ngoại giao và uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế đã đưa Việt Nam vào vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). GDP của Việt Nam đã tăng gấp 20 lần từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đặc biệt đã tăng gấp 2 lần chỉ riêng trong 6 năm qua.