Bảo tồn đa dạng sinh học phải “đánh thức” giá trị cảnh quan

Huy An

Quy hoạch đa dạng sinh học phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Do đó, bảo tồn phải "đánh thức" giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xác định chính xác vai trò, vị thế của tài nguyên đa dạng sinh học, phương thức khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm môi trường sống bền vững.

Đặc biệt, Quy hoạch phải đánh giá được tác động đến việc phát triển kinh tế-xã hội và ngược lại.

Định hướng triển khai các nhiệm vụ cụ thể về bảo tồn cần "vừa tĩnh, vừa động", Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ để triển khai trên thực tế; đồng thời, nghiên cứu bộ công cụ, tiêu chí mang tính mở, linh hoạt để xác định những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu vực, hệ sinh thái cần bảo tồn, để phục vụ phát triển kinh tế, gắn với sinh kế người dân.

Phân tích tầm quan trọng của bảo tồn gắn với phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch đa dạng sinh học phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Do đó, bảo tồn phải "đánh thức" giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ có vậy, Phó Thủ tướng cũng gợi mở tư duy mới về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học. Đó là, trong đô thị cũng có thể có các khu bảo tồn như rừng, hồ, đất ngập nước, trong các khu bảo tồn cũng có thể hình thành đô thị, thậm chí trong một toà nhà cũng có thể bảo tồn một hệ sinh thái đầy đủ…

Trong Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, dự báo xu thế biến đổi và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai.

Nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, Quy hoạch kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học.

Đồng thời, Quy hoạch nêu rõ bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ...

Quy hoạch cũng tăng thêm 3 đối tượng bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng và đất ngập nước quan trọng.

Cùng với các nội dung trên, Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát như: Gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Về mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định, đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn trên cạn đạt gần 3 triệu ha (tương đương 9% diện tích đất liền), tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Số khu bảo tồn tăng từ 178 lên 256 đơn vị, trong đó thúc đẩy các khu bảo tồn đất ngập nước và biển. Đồng thời, thành lập các cơ sở nuôi trồng loài nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ, tăng cường năng lực cứu hộ động vật hoang dã; lưu giữ bảo quản giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hoá - lịch sử…