Bỏ độc quyền vàng, chuyển sang quản lý bằng thuế

Huyền Châm

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, giá vàng trong nước “vênh” 18-20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới là không thể chấp nhận được. Đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng, bỏ quy định quản lý vàng theo hạn ngạch và chuyển sang quản lý bằng thuế.

Tại cuộc họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia hôm 28/3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng chủ trì, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng.

Xoay quanh đề xuất trên, Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI).

Cần hiểu rõ bản chất vàng hóa

Phóng viên: Trước đây, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ra đời nhằm mục tiêu chống vàng hóa trong nền kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, xin ông chia sẻ rõ hơn về câu chuyện "vàng hóa"?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Gọi là vàng hóa, bởi vì cũng giống như đô la hóa, khi gửi vàng hoặc đô la vào trong hệ thống ngân hàng là trở thành tiền gửi và cho vay sẽ thành vàng hóa hoặc đô la hóa.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Tại sao đưa vàng hay đô vào ngân hàng lại thành vàng hóa hay đô la hóa? Có thể hình dung, khi gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng cho người nào đó vay, người này đi mua hàng hóa rồi gửi lại vào ngân hàng, rồi ngân hàng lại cho người khác vay, cứ vậy luân chuyển liên tục, một đồng tiền thành nhiều đồng tiền. Theo đó có khái niệm, tiền vào ngân hàng có số nhân, tiền đẻ ra tiền.

Vàng cũng vậy, vàng nếu gửi vào trong ngân hàng dưới dạng tiền gửi cũng tạo ra số nhân của vàng, sẽ làm cho toàn bộ nền kinh tế, kể cả thanh toán sử dụng vàng, tạo ra vàng hóa. Vàng chỉ thành vàng hóa khi vào ngân hàng với tư cách tiền gửi, còn nếu nằm ngoài hệ thống ngân hàng sẽ không bị vàng hóa.

Trước đây bị vàng hóa vì chúng ta cho phép các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng. Như vậy, vàng trở thành một phương tiện luân chuyển trong ngân hàng, một phương tiện thanh toán. Do đó, nhận tiền gửi và cho vay vàng bị cấm, thanh toán bằng vàng bị cấm, vàng hóa theo đó cũng chấm dứt. Điều này không liên quan gì tới độc quyền vàng, nên xóa bỏ độc quyền là chuyện cần làm bởi bối cảnh tạo ra nó không còn nữa.

Lý do thứ hai, hiện nay trên thế giới không còn nước nào mà ngân hàng trung ương độc quyền kinh doanh vàng miếng, chỉ có ngân hàng trung ương dự trữ vàng như là dự trữ quốc gia bằng đô, để chia sẻ rủi ro khi cần. Hàng năm, Trung Quốc, Nga hay Ấn Độ vẫn mua vàng dự trữ.

Như vậy, nên bỏ độc quyền do không cần thiết nữa, và vĩnh viễn không còn chuyện vàng hóa nữa, vì vàng không được gửi vào hệ thống ngân hàng với tư cách tiền gửi.

Chứ không phải hiểu theo nghĩa dùng vàng đi mua căn nhà, mua chiếc xe ô tô thì gọi là vàng hóa, mà vàng phải vào hệ thống ngân hàng dưới dạng tiền gửi mới bị vàng hóa.

Bỏ quy định quản lý vàng theo hạn ngạch, chuyển sang quản lý bằng thuế

Phóng viên: Vậy nếu không còn độc quyền về vàng, chúng ta nên quản lý theo hướng nào cho hiệu quả, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có ý kiến nêu, bỏ độc quyền thì đúng, nhưng NHNN vẫn cần phải quản lý vàng với tư cách là tiền tệ, bằng cách cấp quota cho các công ty vàng để nhập khẩu vàng miếng. Tôi nghĩ cũng không cần thiết.

Quota là một cách thức quản lý xuất nhập khẩu đã lỗi thời, 20 năm nay không nước nào dùng, không chỉ với vàng mà các hàng hóa khác cũng vậy (ngoại trừ OPEC vẫn dùng quota cho dầu mỏ không không phải của Nhà nước mà các nước trong liên hiệp này).

Bởi quota là cách khống chế khối lượng, khi khống chế sẽ dẫn tới giá cả tăng lên, phần tăng lên ngân sách không thu được, lợi nhuận rơi vào các doanh nghiệp chạy được quota, và cơ quan nào cấp quota sẽ trở thành ổ tham nhũng ở đó.

Vì vậy, người ta bỏ cách quản lý theo cấp quota và chuyển sang quản lý xuất nhập khẩu bằng thuế. Nhà nước muốn khuyến khích nhập khẩu thì giảm thuế và ngược lại thì tăng thuế lên, Nhà nước thu được thuế và hoàn toàn chủ động, không rơi vào tay ai, không có chuyện xin quota như ngày xưa xin quota nhập khẩu xe máy.

Nên tôi kiến nghị bỏ toàn bộ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, không chỉ bỏ độc quyền vàng mà bỏ luôn quy định quản lý vàng theo hạn ngạch, chuyển sang quản lý bằng thuế. Ngân hàng Trung ương có thể vẫn duy trì dự trữ bằng vàng, có thể can thiệp khi cần.

Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ thu hẹp lại đáng kể khi bỏ độc quyền

Phóng viên: Ông có nhận định gì về xu hướng giá vàng trong nước nếu chúng ta bỏ độc quyền vàng?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ngoài đề xuất bỏ độc quyền, tôi cho rằng cần trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Khi làm điều này, giá vàng SJC trên thị trường sẽ giảm xuống như vàng 9999 bình thường, có thể giá vàng SJC đắt hơn một chút do có thương hiệu. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ thu hẹp lại đáng kể.

Có ý kiến cho rằng vàng 9999 của Việt Nam và thế giới chỉ chênh nhau 1-2 triệu đồng, và cho rằng như vậy đã là ngang bằng. Tôi cho là không đúng. Chênh 1-2 triệu đồng cũng là lớn, chỉ chênh vài trăm nghìn đồng có thể chấp nhận. Chênh 1-2 triệu đồng, tức nguồn cung vẫn bị hạn chế, nói cách khác vì không cho nhập khẩu, chỉ còn lại nguồn cung nhập lậu nên vẫn có chênh lệch lớn. Chênh lệch có lúc lên tới 18- 20 triệu đồng/lượng là quá đáng!

Khi giá vàng giảm, nhập lậu vàng sẽ không còn nữa. Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), mỗi năm chúng ta nhập lậu vàng khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỷ USD. Đây là điều không thể chấp nhận được. Xóa bỏ độc quyền, trả lại thương hiệu SJC, để xuất nhập khẩu bình thường và quản lý bằng thuế là cách quản lý hiện đại của thế giới.

Phóng viên: Khi cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng, liệu có ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Khi doanh nghiệp nhập khẩu vàng, tức tham gia thị trường ngoại hối chính thức, phải mua đô ở hệ thống ngân hàng, mở LC để nhập khẩu vàng chính ngạch. Như vậy, không vấn đề gì cả, không phải doanh nghiệp mua đô ở thị trường tự do để buôn lậu.

Con số 3 tỷ USD nếu nhập khẩu vàng miếng về và gia công thành vàng trang sức đem xuất khẩu có thể còn đạt hơn 3 tỷ USD rất nhiều. Lâu nay, chúng ta vẫn khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức.

Phóng viên: Với nhận định như trên, ông có lưu ý những rủi ro gì tới người dân?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Người dân cần lưu ý, khi xóa bỏ độc quyền chắc chắn giá vàng miếng SJC sẽ xuống, còn chuyện quyết định thế nào là việc của người dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!