Sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư  vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp

Gia Hân

Ngày 29/3, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Quang cảnh Hội thảo ngày 29/3.
Quang cảnh Hội thảo ngày 29/3.

Loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phạm Thuý Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp là Luật số 69/2014/QH13 được ban hành năm 2014. Trong quá trình triển khai Luật, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng về khu vực doanh nghiệp nhà nước.

 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thuý Chinh thông tin, hiện cả nước đã có trên 800 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, với tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thực sự tách bạch, chưa phân định được một cách rõ ràng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; Việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa có được một sự chủ động, chưa có được một hành lang để cho các doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt, kịp thời theo các tín hiệu của thị trường…

Với những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật số 69/2014/QH13, bà Phạm Thuý Chinh nhấn mạnh: “Cần thiết phải sửa đổi căn bản và toàn diện Luật này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Vì đây là một luật rất khó, phải giải quyết cùng một lúc rất nhiều mục tiêu, Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh mong muốn các đại biểu tại Hội thảo sẽ nêu ý kiến cụ thể, thiết thực để  hồ sơ dự án luật được hoàn thiện tốt nhất.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tập trung quyết liệt và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo đúng quy trình, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng. Đến nay, cơ bản hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật theo quy định.

Nhấn mạnh về quan điểm xây dựng Luật, Thứ trưởng cho biết, xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Đảm bảo các nguyên tắc về đầu tư vốn, quản lý thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”…

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, dự thảo Luật kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định phù hợp của pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Đề xuất 6 nhóm chính sách 

Trình bày tóm tắt nội dung cơ bản hồ sơ xây dựng Luật số 69/2014/QH13 tại Hội thảo, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất tên gọi của luật là “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

Lý giải về việc không đưa quy định về “sử dụng vốn” và “vào sản xuất, kinh doanh”, theo Cục trưởng, việc sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã thể hiện trong các chính sách về đầu tư vốn. Trong khi đó, các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp chủ động nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân công rõ, phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác) do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ đầu tư vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trên 50% vốn điều lệ; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Cục trưởng Bùi Tuấn Minh, dự thảo Luật tập trung vào 6 nhóm chính sách đề xuất, bao gồm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về quản trị doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước lớn đã thảo luận nêu ý kiến đóng góp cụ thể vào các quy định tại dự thảo Luật, đa số đều cho rằng việc sửa đổi toàn diện Luật là rất cần thiết.  

 

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) của Quốc hội; dự kiến sẽ triển khai xây dựng Luật cụ thể để Chính phủ trình Quốc hội trong 2 kỳ họp.