Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thùy Linh

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Luật Thuế TNDN hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của việc sửa đổi chính sách này nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển cũng như thông lệ quốc tế; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự ổn định và minh bạch của chính sách thuế TNDN.

Tại dự thảo tờ trình Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất, giải pháp đầu tiên sẽ là sửa đổi, bổ sung quy định xác định thu nhập tính thuế đối với trường hợp chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản) cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về lý do lựa chọn giải pháp, Bộ Tài chính cho biết, Điều 7, Luật thuế TNDN quy định về xác định thu nhập tính thuế, trong đó khoản 1 quy định về thu nhập tính thuế, khoản 2 quy định về thu nhập chịu thuế và khoản 3 quy định riêng về thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc.

Tuy nhiên, quy định về bù trừ lãi, lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản với hoạt động kinh doanh khác tại Khoản 3 có ý kiến đề nghị cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Cụ thể, trước năm 2004, tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện kê khai, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất. Từ ngày 1/1/2004, tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất (bất động sản) thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất nhưng phải kê khai, nộp thuế riêng (trong vòng 10 ngày, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế), không được bù trừ với thu nhập từ sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 1/1/2014 đến nay, theo quy định tại Luật thuế TNDN (sửa đổi) số 32/2013/QH13, doanh nghiệp được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chưa quy định trường hợp ngược lại (bù trừ một chiều). Theo đó, trường hợp doanh nghiệp có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn phải kê khai, nộp thuế riêng, không được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính cho biết, với sự phát triển kinh tế hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, bên cạnh đó hành lang pháp lý đã chặt chẽ, cùng với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Qua tham khảo kinh nghiệm của các nước cho thấy, bên cạnh một số ít quốc gia (như Myanmar, Ba Lan, Nam Phi, Australia…) quy định không cho bù trừ lỗ, lãi giữa hoạt động kinh doanh chính với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì nhiều quốc gia (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan...) quy định cho bù trừ lỗ, lãi giữa các hoạt động này.

Theo đó, để phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thông lệ quốc tế, cần nghiên cứu sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng dự án đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản và chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, cũng cần cân nhắc áp dụng việc bù trừ này đối với cả trường hợp thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm thu nhập đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN) bị lỗ thì cần cho phép được bù trừ với lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư.

Một giải pháp khác được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo tờ trình Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi đó là bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế trong trường hợp áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), đảm bảo đồng bộ với quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Bộ Tài chính cho biết, theo khoản 1, Điều 7, Luật thuế TNDN thì thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước; đồng thời khoản 2 Điều này quy định, thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã cho phép áp dụng Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA); đồng thời, giao thẩm quyền cho Chính phủ hướng dẫn quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo quy định của Chính phủ, đối với người nộp thuế có APA đã được ký kết với Cơ quan thuế bao gồm cả APA song phương, đơn phương và đa phương hoặc các trường hợp ấn định giá giao dịch liên kết thông qua thanh tra, kiểm tra hoặc người nộp thuế thực hiện điều chỉnh mức tỷ suất lợi nhuận theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì thu nhập tính thuế đối với các giao dịch thuộc phạm vi áp dụng APA, giao dịch liên kết ấn định được xác định theo các phương pháp quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế trong trường hợp áp dụng APA tại Luật thuế TNDN để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.