Bộ Tài chính họp báo thường kỳ quý III/2015

PV. (TỔNG HỢP)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện, nhưng thấp hơn kỳ vọng và chứa đựng nhiêu rủi ro. Ở trong nước, kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP khả quan; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tín dụng tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao; doanh nghiệp phát triển; tổng cầu và sức mua được cải thiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm...

Toàn cảnh buổi Họp báo.
Toàn cảnh buổi Họp báo.

Đó là nhận đinh của Bộ Tài chính tại buổi Họp báo về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước tháng 9 và quý III năm 2015 được tổ chức chiều ngày 1/10, do Thứ trưởng Vũ Thị Mai chủ trì. Tham dự buổi Họp báo còn có các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi Họp báo, Bộ Tài chính đã cho biết tình hình thực hiện dự toán ngân sách 9 tháng năm 2015 đạt nhiều kết quả khả quan: Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Thu nội địa: thực hiện tháng 9 ước đạt 42,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 504,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó nhiều khoản thu tiến độ đạt khá, có khoản đã hoàn thành dự toán năm; Thu từ dầu thô: thực hiện tháng 9 ước đạt 4,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 51,78 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% dự toán, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2014; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 9 ước đạt 14 nghìn tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng số thu ước đạt 187,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 64 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 123,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán.

Đồng thời, công tác chi NSNN tháng 9 diễn biến ổn định, với tổng chi ước đạt 88,85 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014, Cụ thể là: Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 9 ước 14,57 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 127,28 nghìn tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán, tăng 7,4% cùng kỳ năm 2014; Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, đến hết tháng 9 vốn giải ngân cho các dự án ước đạt 123,5 nghìn tỷ đồng, bằng 64,8% dự toán (cùng kỳ năm 2014 đạt 63,6%); Chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 9 ước 10,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 114,79 nghìn tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2014, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: thực hiện tháng 9 ước 63,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 574,89 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2014. Các nhiệm vụ chi NSNN được đáp ứng kịp thời theo dự toán giao và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo kinh phí cho công tác quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Bộ Tài chính họp báo thường kỳ quý III/2015 - Ảnh 1

Thứ trưởng Vũ Thị Mai chủ trì buổi Họp báo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 17 văn bản điều hành giá xăng dầu. Đến ngày 18/9/2015 so với thời điểm cuối năm 2014, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng 70đồng/lit, dầu điêzen giảm 3.110đồng/lit, dầu hỏa giảm 4.610đồng/lit; mazut giảm 3.490 đồng/lit.

Từ đầu năm 2015 đến nay, trước diễn biến giá xăng, dầu giảm liên tục và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá có thể có những tác động nhất định đến thị trường, Bộ Tài chính đã có các công văn số 11198/BTC-QLG ngày 14/8/2015 và công văn số 11707/BTC-QLG ngày 25/8/2015 gửi Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn trong đó có giá cước vận tải. Hiện hầu hết các địa phương đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp với biến động của chi phí đầu vào; một số các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại nhiều tỉnh/thành phố đã kê khai giảm cước.

Còn đối với giá sữa, tính đến hết tháng 28/9/2015, đã có 768 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thiết lập mặt bằng giá tối đa, về cơ bản giá được kiểm soát. Giá bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi hiện đã giảm khoảng từ 0,1-34% so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ thúc đẩy công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước hiệu quả. Đặc biệt là tăng cường, đẩy mạnh công tác thu nội địa, đây chính là nền tảng để nền kinh tế phát triển bền vững, phản ánh đúng thực chất nội tại hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước, cụ thể bằng các giải pháp như sau:

Một là: Tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và giảm nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.

Hai là: Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản phải nộp NSNN. Quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 do Quốc hội đã quyết định.

Ba là: Tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh; hạn chế tối đa trình cấp có thẩm quyền ứng trước dự toán ngân sách và ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm sau.

Bốn là: Tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình (giá điện, giá than, giá dịch vụ công...). Tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá.