Bộ Tài chính nỗ lực cân đối nguồn thu, chi ngân sách trong bối cảnh khó khăn

Trần Huyền

Mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách. Cùng với đó là điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, cân đối nguồn chi cũng như triển khai các giải pháp tài khóa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ngành Tài chính đã đề xuất ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: internet
Ngành Tài chính đã đề xuất ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: internet

Nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện dự toán thu ngân sách được giao năm 2023, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu.

Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị rà soát các nguồn thu trên địa bàn, quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh, các hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, quản lý thu từ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế...

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 29,6 nghìn cuộc tại doanh nghiệp, kiến nghị xử lý 37,5 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 9,4 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ, khấu trừ 29 nghìn tỷ đồng; thu hồi 21,4 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế. Cơ quan hải quan đã thực hiện 956 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước gần 335 tỷ đồng.

Bên cạnh những nỗ lực đảm bảo nguồn thu, công tác thu ngân sách nhà nước còn gặp một số khó khăn, thách thức làm giảm số thu so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ một số khoản thu, sắc thuế như tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách địa phương. 

Thêm vào đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tiếp tục phát sinh nhiều yếu tố không thuận lợi. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất chưa được tính trong dự toán, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2023. 

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước tháng 6/2023 ước đạt 93,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,8% dự toán; lũy kế thu 6 tháng đầu năm ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 53,9% dự toán, giảm 4,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 72,9% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,9% dự toán, giảm 20,6% so cùng kỳ. 

Nỗ lực cân đối, đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách

Cùng với nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, công tác quản lý chi ngân sách nhà nước cũng được Bộ Tài chính điều hành chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành. Đồng thời, thực hiện cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ; thúc đẩy việc giao vốn và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. 

Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư. 

Ngành Tài chính cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương chính, ngân sách. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước - những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi ngân sách nhà nước tháng 6/2023 ước đạt 155,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 6 tháng đầu năm ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 29,7% dự toán Quốc hội quyết định (tỷ lệ giải ngân ước đạt 28,63% kế hoạch, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,5% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 45,8% dự toán.

Đặc biệt, dự phòng ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm đã chi 700 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ cho các địa phương kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 27/6/2023, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm. 

Có thể thấy, trong bối cảnh nguồn thu gặp khó nhưng Bộ Tài chính vẫn đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cân đối ngân sách đảm bảo các nhiệm vụ chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Điều này đã thể hiện sự chủ động, quyết liệt vào cuộc nhằm chia sẻ với những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp gặp phải, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính vẫn sẽ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào ngân sách nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước. 

Song song với đó, tiếp tục điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn vay ngoài nước, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, các nhiệm vụ chị chậm triển khai. Trong đó, thực hiện cắt giảm dự toán chi thường xuyên năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ.