Đo hiệu quả địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung

Theo baohaiquan.vn

Việc thành lập các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu đã mang lại một số hiệu quả nhất định, nhưng cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức đoàn khảo sát liên ngành với một số đơn vị thuộc các bộ nhằm đánh giá hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung.

Địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Nguồn: PV.
Địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Nguồn: PV.

Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan sẽ cùng với các đơn vị thuộc các Bộ (Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khảo sát, đánh giá hoạt động tại 7 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại các địa bàn: Đà Nẵng; TP.HCM; Hà Nội; Hải Phòng; Quảng Ninh, từ ngày 19-9 đến 30-9.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động thời gian qua tại các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, đoàn khảo sát sẽ có kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung.

Từ tháng 12-2015 đến tháng 6-2016, Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giao thông vận tải và một số đơn vị kinh doanh kho cảng, đã tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 8 địa bàn hải quan nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều gồm: Hải Phòng, TP.HCM, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai và Quảng Ngãi.

Theo đánh giá của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, về cơ bản việc tổ chức, sắp xếp bố trí địa điểm, bố trí nhân lực, phương tiện làm việc cho đơn vị kiểm tra chuyên ngành làm việc tập trung ngay tại cửa khẩu đã mang lại những hiệu quả nhất định như: Tạo môi trường thông thoáng trong làm thủ tục hải quan, góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa, hồ sơ từ cửa khẩu đến cơ quan, đơn vị kiểm tra chuyên ngành.

Chẳng hạn, việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm quà biếu cá nhân chuyển qua đường hàng không và dịch vụ chuyển phát nhanh tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung ở cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất đã có hiệu quả rõ rệt. 100% trường hợp đăng ký tại các địa điểm này đều được kiểm tra và ra kết quả ngay tại chỗ, trừ những trường hợp trị giá lớn hơn 2 triệu đồng phải chuyển về Viện Y tế công cộng để làm tiếp thủ tục kiểm tra theo quy trình. Nhờ đó đã giải tỏa được vướng mắc lớn tại các khu vực này đối với hàng quà biếu cá nhân nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, bên cạnh những mặt thuận lợi, sau một thời gian đưa vào vận hành thí điểm, các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung cũng đã bộc lộ tồn tại, vướng mắc.

Hiện nay, diện tích mặt bằng các địa điểm kiểm tra có giới hạn nên vẫn chưa bố trí được các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để thực hiện kiểm tra, phân tích hàng hóa ngay tại cửa khẩu. Hiện các địa điểm này vẫn chủ yếu đóng vai trò là nơi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả kiểm tra chuyên ngành và lấy mẫu hàng hóa.

Một số doanh nghiệp chưa hiểu và nắm rõ được lợi ích của việc kiểm tra chuyên ngành tại các địa điểm tập trung nên chưa nhiệt tình tham gia, hoặc một số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành được phép đưa hàng về bảo quản tại kho của doanh nghiệp ở địa điểm khác nên việc đăng ký, lấy mẫu, nhập kết quả tại các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung không thuận lợi cho doanh nghiệp…