Hải quan TP.Hồ chí minh: Tập trung thu hồi nợ đọng thuế

Theo baohaiquan.vn

Thu hồi nợ đọng thuế là một trong những giải pháp trọng tâm Cục Hải quan TP.HCM đang nỗ lực triển khai trong những tháng cuối năm 2016 vừa tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước, vừa đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2016.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Nguồn: PV.
Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Nguồn: PV.

Xử lý trên 1.300 tỷ đồng nợ thuế khó đòi

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tại đơn vị hiện còn trên 1.300 tỷ đồng nợ thuế của các DN thuộc diện không còn khả năng thu hồi trong tổng số nợ gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ chiếm nhiều nhất thuộc diện nợ của người nộp thuế bỏ trốn, mất tích, không còn hoạt động, kinh doanh tại địa chỉ tạm dừng hoạt động kinh doanh, với tổng số nợ trên 752 tỷ đồng.

Số còn lại thuộc điện nợ của người nộp thuế đã có quyết định giải thể của cấp có thầm quyền gần 38,6 tỷ đồng; nợ của người nộp thuế đã có quyết định phá sản của cấp có thẩm quyền trên 26 tỷ đồng; nợ của người nộp thuế đang bị khởi tố điều tra trên 40 tỷ đồng; nợ của người nộp thuế có quyết định truy thu, ấn định thuế của cấp có thẩm quyền trên 34 tỷ đồng; các khoản nợ khác trên 432 tỷ đồng…

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, các khoản nợ thuế từ năm 1999 trở về trước là trên 143 tỷ đồng và các khoản nợ thuế phát sinh trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực gồm trên 526 tỷ đồng. Để thực hiện xử lý số nợ thuế, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề nghị không áp dụng đủ các biện pháp cưỡng chế vì trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực chưa có quy định về 7 biện pháp cưỡng chế thuế.

Các khoản nợ thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, đã đủ điều kiện xóa nợ, nên đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính chấp thuận cho lập hồ sơ báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét xóa nợ.

Đối với các khoản nợ phát sinh từ ngày 1-7-2007 (ngày hiệu lực của Luật Quản lý thuế) đến ngày 1-7-2013 (ngày hiệu lực của Luật sửa đồi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế) nợ thuế phát sinh trên 735 tỷ đồng. Đây cũng là khoản nợ đủ và trên 10 năm, nhưng phải thực hiện đủ 7 biện pháp cưỡng chế nợ thuế mới được xóa nợ.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phần lớn nợ trong giai đoạn này phát sinh từ người nộp thuế đã bỏ trốn, mất tích, không còn kinh doanh tại địa chỉ, tạm ngừng hoạt động kinh doanh… nên ngoài biện pháp cưỡng chế ban hành quyết định dừng làm thủ tục hải quan, 6 biện pháp còn lại không thực hiện được.

Đây là những khoản nợ không thể thu hồi được, nên đơn vị sẽ phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh và Công an địa phương để hỗ trợ. Nếu các đơn vị này có văn bản xác nhận người nộp thuế đã ngừng hoạt động, giải thể, đóng mã số thuế và không còn hoạt động tại địa phương, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính chấp thuận đã thực hiện xong 6 biện pháp cưỡng chế để lập hồ sơ, xóa nợ thuế theo quy định.

Đến từng DN để đốc thu

Đối với các khoản nợ thuế từ ngày 1-7-2013 đến 31-12-2015, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm 1-9-2016 tổng số nợ trong toàn Cục là 188,456 tỷ đồng. Các chi cục chỉ đạo bộ phận đốc thu của đơn vị đến từng DN để vận động DN có kế hoạch nộp dần tiền thuế.

Riêng các DN cố tình chây ỳ hoặc bỏ trốn, mất tích, đi khỏi nơi đăng ký kinh doanh, yêu cầu các chi cục có văn bản gửi cơ quan Thuế địa phương đề nghị phong tỏa hóa đơn GTGT; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị không làm thủ tục giải thể DN, đồng thời lập danh sách báo cáo về Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để phối hợp với cơ quan Công an xác minh, điều tra. Các chi cục phải tổ chức đôn đốc thu hồi nộp NSNN 50% tổng số nợ thuế của từng đơn vị. Đến tháng 12-2016 phấn đấu đối tượng nợ thuế này chỉ còn khoảng 80 tỷ đồng.

Đối với các khoản nợ thuế phát sinh từ 1-7-2013 đến nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất chỉ thông quan hàng hóa khi những DN nợ thuế thuộc diện này đã nộp đủ thuế, bỏ ân hạn thuế 30 ngày. Bởi vì, số nợ thuế này sẽ càng nhiều hơn và có khả năng không thu hồi được do các nguyên nhân, như: Hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu và hàng thuộc đối tượng miễn thuế phải đăng kí danh mục doanh nghiệp không thanh khoản và doanh nghệp không nộp báo cáo quyết toán khi kết thúc năm tài chính.

Hàng hóa đã thông quan, nhưng sau đó cơ quan Hải quan tổ chức tham vấn hoặc ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan, quyết định ấn định thuế nhưng DN lúc đó đã giải thể, hoặc vẫn đang hoạt động nhưng trây ỳ không nộp. Phạt chậm nộp thuế từ ngày tờ khai được thông quan khi kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN, riêng nợ thuế trong lĩnh vực này tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hiện gần 100 tỷ đồng, chưa tính thuế chậm nộp. Hàng hóa cho DN tạm mang về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, nhưng DN tiêu thụ hết hàng hóa và giải thể ngay sau đó.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, từ ngày 1-4-2015 (khi áp dụng Thông tư số 38/2015/TT-BTC) đến nay, nợ thuế thường rơi vào đối tượng DN mới thành lập, nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng khai báo giá tính thuế rất thấp sau đó xin giải thể trước khi cơ quan Hải quan ra quyết định kiểm tra sau thông quan, nên khi ban hành quyết định ấn định thuế thì không thu hồi được. Với thực tế này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề nghị Tổng cục Hải quan quy định khoản đảm bảo tương ứng với mức giá tham chiếu đối với trường hợp DN hoạt động chưa đủ 2 năm hoặc DN có vi phạm hải quan.

Đối với DN hoạt động chưa đủ 2 năm hoặc DN có vi phạm pháp luật hải quan được cơ quan Hải quan tạm thời cho mang hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành (chưa thông quan và chưa giải phóng hàng), trước khi mang hàng ra khỏi khu vực quản lý hải quan, DN phải nộp thuế tương ứng với giá khai báo và khoản bảo đảm nếu có nghi vấn về giá tính thuế.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu hồi nợ đọng do Tổng cục Hải quan giao là 316,661 tỷ đồng theo Quyết định số 1382/QĐ-TCHQ ngày 13-5-2016, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các chi cục hải quan và Chi cục Kiểm tra sau thông quan chỉ đạo Tổ đốc thu của chi cục hoàn thành các mục tiêu do Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề ra.