Tổng cục Hải quan giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Theo baohaiquan.vn

Để tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng DN Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh sản xuất tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan chủ động giải đáp các vướng mắc mà DN gửi sau hội nghị đối thoại được Bộ Tài chính tổ chức vào cuối tháng 9/2017.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH EIDAI (KCN Đồng Văn- Hà Nam). Nguồn: PV.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH EIDAI (KCN Đồng Văn- Hà Nam). Nguồn: PV.

DN thắc mắc, nếu như nguyên vật liệu ủy thác gia công không được miễn thuế thì dù cho có được áp dụng miễn thuế cũng phải nộp thuế hay là có thể sử dụng khai mã loại hình khác? Nếu như dùng mã nguyên phụ liệu sản xuất kinh doanh (A12) thì theo như luật hiện hành sau khi nộp thuế sẽ không được hoàn thuế. Vậy nếu như DN XNK hàng thành phẩm là một và bao gồm cả quá trình ủy thác gia công thì cũng sẽ không được hoàn thuế đúng không?

Về vấn đề DN thắc mắc, do câu hỏi của DN nêu chưa rõ và không có hồ sơ vụ việc cụ thể nên Tổng cục Hải quan không có cơ sở trả lời cụ thể vướng mắc của DN. Tuy nhiên, đối với câu hỏi này có thể xảy ra 2 tình huống như sau:

Tình huống 1: DN NK hàng hóa để sản xuất hàng hóa XK thì được miễn thuế NK theo quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.

Tình huống 2: Hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã XK sản phẩm thì được hoàn thuế NK đã nộp theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Tuy nhiên, đối với cả hai tình huống trên thì DN đều không được miễn thuế/hoàn thuế do phải đáp ứng điều kiện: “Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa XK trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK”.

DN có thể đề nghị hoàn số thuế nộp thừa từ nhiều năm trước hay không? Nếu được xin hướng dẫn thủ tục và các chứng từ cần thiết cần cung cấp cho cơ quan Hải quan.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, Điểm a Khoản 1 Điều 49 Thông tư 38/2015/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 38) quy định về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa có trường hợp: “Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp … đối với từng loại thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau…”.

Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế nộp thừa thì cơ quan Hải quan thực hiện hoàn trả số tiền thuế nộp thừa theo quy định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo Khoản 1 Điều 49 Thông tư 38.

Năm 2016, DN nhập 4 xe tải từ Hàn Quốc, sau thông quan đăng kiểm được 2 xe, còn 2 xe không được đăng kiểm (vì không đủ điều kiện). 2 xe không đủ điều kiện đăng kiểm, DN đã được xuất trả lại Hàn Quốc. Trong khi đó, thuế GTGT 10% đã được đóng đầy đủ cho 4 xe. DN muốn biết cách hoàn thuế GTGT của 2 xe đã xuất trả lại nước sản xuất? DN cũng thắc mắc cơ quan Thuế hay cơ quan Hải quan sẽ có thẩm quyền hoàn thuế GTGT NK để sản xuất XK quá thời hạn 275 ngày?

Theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN đã nộp thuế GTGT đối với hàng NK nhưng sau đó tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài trước ngày 1/7/2016 thì cơ quan Hải quan thực hiện hoàn trả số tiền thuế GTGT đã nộp tại khâu NK được xác định là tiền thuế nộp nhầm, nộp thừa theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 49 Thông tư số 38.

Trường hợp DN đã nộp thuế GTGT đối với hàng NK nhưng sau đó tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài từ ngày 1/7/2016 thì thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC  của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Theo quy định DN có thể đăng ký trực tiếp tại Tổng cục Hải quan hoặc đăng ký xác định trước mã số hàng hóa qua đường bưu điện và việc này là để thống nhất việc phân loại danh mục hàng hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa, DN kiến nghị, nên có bộ phận đăng ký phân loại danh mục hàng hóa tại Hải quan Hải Phòng và Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Vấn đề DN nêu liên quan đến việc xác định trước mã số theo đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân. Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Khoản 1 Điều 7 Thông tư 38, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị xác định trước mã số cần có đơn đề nghị, mẫu hàng hóa dự kiến XNK; trường hợp không có mẫu hàng thì tổ chức, các nhân phải cung cấp tài liệu kỹ thuật của hàng hóa và gửi về Tổng cục Hải quan để được xem xét xác định trước mã số theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam trong thời gian tối đa 60 ngày (tùy trường hợp).

Trên thực tế, có trường hợp DN không cung cấp đủ thông tin liên quan đến hàng hóa, mẫu hàng hóa dự kiến XNK nên Tổng cục Hải quan từ chối đơn xác định trước hoặc đề nghị DN bổ sung. Vì vậy việc tiếp nhận thông tin, mẫu bổ sung từ DN bị chậm. Tổng cục Hải quan chỉ tiếp nhận đơn để nghiên cứu, ban hành Thông báo xác định trước khi đơn xác định trước, tài liệu, mẫu hàng hóa đầy đủ, đúng quy định tại các văn bản nêu trên.

Trước khi Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38 được ban hành có quy định việc hải quan địa phương là đầu mối tiếp nhận đơn xác định trước của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, do tính chất hàng hóa phức tạp, nhiều, trường hợp khó phân loại dẫn đến xác định trước không chính xác, không đúng bản chất hàng hóa và thiếu thống nhất. Do vậy, quy định mới tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38 đã thống nhất đầu mối tiếp nhận xử lý đơn xác định trước là Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho DN khi có nhu cầu xác định trước mã số thì hiện nay Tổng cục Hải quan đã có Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến để DN có thể gửi đơn xác nhận trước mã số đến Tổng cục Hải quan bằng phương thức này cho thuận tiện.

DN có ký hợp đồng NK nguyên liệu để sản xuất với trị giá hóa đơn thương mại là 1.000 USD. Khi NK, DN làm thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế GTGT hàng NK tương ứng với 1.000 USD. Theo hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên sẽ kiểm định lại khối lượng bởi DN giám định tại Việt Nam. Sau khi giám định, khối lượng tăng lên và DN phải trả cho nhà cung cấp 1.020 USD. Vậy xin hỏi DN ghi nhận chi phí và trả cho nhà cung cấp 1.020 USD nhưng tờ khai thông quan 1.000 USD thì DN có sai phạm gì về nghĩa vụ thuế với hải quan không?

Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014 thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế (Khoản 2 Điều 7) thì người nộp thuế có nghĩa vụ “Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế”.

Theo quy định của Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP) thì hành vi không khai hoặc khai sai về khối lượng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì bị xử phạt từ 10% - 20% hoặc bị xử phạt từ 1 - 3 lần số thuế trốn, gian lận (tùy trường hợp cụ thể).

Như vậy, theo các quy định trên thì trường hợp DN khai sai (thiếu) về số lượng hàng hóa NK dẫn đến làm giảm trị giá tính thuế của lô hàng thì DN đã có hành vi vi phạm quy định về khai hải quan dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và theo quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP) phải bị xử phạt vi phạm hành chính.