Cần linh hoạt tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP


Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có các dự án BOT, cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án và thực tế từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước cho phù hợp.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sáng 07/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ, nhiều nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức PPP mà tùy theo tính chất từng dự án để quyết định phần vốn Nhà nước tham gia dự án.

Đồng tình với xu hướng chính sách này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đối với các dự án PPP, trong đó có loại hình dự án BOT cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án và thực tế từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia là bao nhiêu cho phù hợp, đặc biệt là với các dự án thuộc vùng khó khăn, vùng xa xôi mà chúng ta cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Nhiều dự án BOT đang gặp khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới phương án tài chính như: chưa được tăng phí theo lộ trình, thậm chí có dự án chưa được thu phí. Các tồn tại, vướng mắc nói trên vì nhiều lý do chậm được xử lý, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng 

Hiện nay, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các dự án PPP giao thông là rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu có thể tăng được vốn Nhà nước tham gia dự án PPP lên 85%, thậm chí 90% và chỉ cần vốn đầu tư của tư nhân 10 - 15% nữa thì chúng ta vẫn có khả năng hoàn thành dự án một cách tốt nhất chứ không nhất thiết phải có vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đại biểu Lộc, Chính phủ cần kiến nghị sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn và quy định về áp dụng PPP không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà còn mở rộng cả trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục…

“Nếu chúng ta thay đổi như vậy sẽ tạo điều kiện phát triển phương thức PPP trong bối cảnh hiện nay” - đại biểu Lộc cho biết. 

Thay đổi tư duy, nhìn nhận về dự án đầu tư PPP cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GTVT đặt ra, khi trao đổi ý kiến với đại biểu Quốc hội.  "Trong thời gian tới, bên cạnh việc áp dụng các hình thức đầu tư PPP mới như nhượng quyền, đấu giá quyền thu phí, Bộ GTVT sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư nhằm đưa dự án tới nhà đầu tư thay vì thụ động chờ đợi”, ông Thắng cho biết.

Theo Báo Kiểm toán