Cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung

Thùy Linh

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.

Phóng viên: Sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã đặt ra những thách thức trong quản lý thu thuế và ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc: BEPS là sáng kiến nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế...

Trong đó, Trụ cột II của BEPS đã đưa ra quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu. Quy tắc này nhằm đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải nộp ở mức thuế suất tối thiểu, trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó đang được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ưu đãi thấp hơn hoặc được miễn thuế ở các quốc gia khác.

Tôi cho rằng, Trụ cột II là một cải cách thuế tiến bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, hạn chế tình trạng nhiều công ty đa quốc gia tìm cách giảm nộp thuế thông qua chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức ưu đãi thuế cao, các thiên đường thuế.

Hiện nay, có 141 quốc gia thỏa thuận mức thuế tối thiểu thống nhất là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên.

Việt Nam là thành viên tham gia chương trình hành động BEPS từ năm 2017, vì vậy, việc đẩy sớm triển khai thực hiện quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu cải cách hệ thống thuế để chống xói mòn nguồn thu, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khai thác các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số là vấn đề cấp thiết được Chính phủ quan tâm chỉ đạo.

Phóng viên: Bà vừa đề cập đến những lợi ích của thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu đối với các quốc gia. Vậy nếu xét về những thách thức, khó khăn đối với Việt Nam thì sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Nếu xét riêng hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thì bên cạnh những kết quả tích cực khi áp dụng Trụ cột II thì cũng có những khó khăn, thách thức phải đối mặt khi thực hiện và cần có giải pháp xử lý phù hợp.

Chẳng hạn, trước đây, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất, thuê mặt nước... cao hơn so với doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù hiện nay, không còn chính sách ưu đãi thuế khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng ưu đãi thuế của Việt Nam còn ở mức hấp dẫn đối với đầu tư mới theo địa bàn hoặc lĩnh vực đầu tư, gồm ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế.

Thuế suất thuế TNDN mức phổ thông là 20%, nhưng thuế suất ưu đãi là 10%, ưu đãi miễn 4 năm, giảm 50% đến 9 năm; ngoài ra còn ưu đãi miễn giảm thuế đối với đầu tư mở rộng... Riêng đối với dự án đầu tư đặc biệt còn được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 9% trong thời gian 30 năm; 7% trong thời gian 33 năm; 5% trong thời gian 37 năm. Ngoài ra, dự án đầu tư đặc biệt còn được miễn thuế TNDN từ 5 - 6 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp từ 10 - 13 năm.

Ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi Việt Nam áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở cả tính hồi tố với các tập đoàn lớn thuộc điều chỉnh thuế suất tối thiểu và cả các tập đoàn chuẩn bị chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Phóng viên: Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, một số quốc gia và vùng lãnh thổ dự kiến sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%từ năm 2024. Vậy chúng ta cần phải làm gì để không bị “tụt hậu” so với các nước, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Tính đến nay, có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với gần 35 nghìn dự án, trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan. Ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.

Nếu Việt Nam không ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế TNDN như hiện hành thì các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này, vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt Nam với thuế suất 15% về Hàn Quốc. Do đó, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ kinh doanh tại Việt Nam.

Từ thực tế trên, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của chính sách đến nền kinh tế Việt Nam để sớm có chính sách thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp.

Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, Việt Nam có thể nghiên cứu học tập để đưa ra các giải pháp phù hợp. Trong đó, có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số nước trong khu vực đang áp dụng.

Ngoài các vấn đề liên quan đến thuế, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để bù đắp lại một phần cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công…, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!