Chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2022

Việt Dũng

Hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 11/2022.

Hình minh họa
Hình minh họa

Phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Có hiệu lực từ ngày 1/11/2022, Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định rõ về phân phối kết quả tài chính trong năm.

Thông tư số 56/2022/TT-BTC nêu rõ, kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định.

Đối với phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2921 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31/01 năm sau, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ và trích lập các Quỹ theo quy định. Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục trích lập các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế thấp hơn số đơn vị tự xác định, số kinh phí đơn vị đã trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và thanh toán thu nhập tăng thêm lớn hơn số kinh phí được trích lập và sử dụng (theo chế độ quy định), thì số kinh phí đã chi vượt được trừ vào nguồn Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của đơn vị; nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào số chênh lệch thu chi dành để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau. Trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào Quỹ tiền lương của đơn vị.

Ngoài ra, Thông tư số 56/2022/TT-BTC nêu rõ, các khoản thu chi theo quy định trên được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm kế hoạch xây dựng phương án tự chủ tài chính, có xét đến yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, khả năng chi trả của các đối tượng thụ hưởng, tác động khách quan do thiên tai, dịch bệnh và các biến động kinh tế - xã hội bất thường khác.

Xem chi tiết Thông tư số 56/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 56/2022/TT-BTC

Hướng dẫn mức chi thực hiện Chương trình nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực

Có hiệu lực từ ngày 10/11/2022, Thông tư số 58/2022/TT-BTC ngày 22/9/2022 của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư".

Cụ thể, chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình; Khảo sát, đánh giá năng lực, điều kiện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại trong Chương trình theo quy định của pháp luật thì nội dung và mức chi thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC.

Bên cạnh đó, chi xây dựng chuẩn đầu ra ngành, nghề đào tạo mới và chỉnh sửa, bổ sung chuẩn đầu ra một số ngành, nghề cần bổ sung kiến thức, kỹ năng mới như sau: đối với trình độ cao đẳng, trung cấp, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC. Đối với trình độ sơ cấp, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

Ngoài ra, chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo thì nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

Xem chi tiết Thông tư số 58/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 58/2022/TT-BTC

Hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất 

Thông tư số 61/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực từ ngày 20/11/2022.

Theo Thông tư số 61/2022/TT-BTC, nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm:

- Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất.

- Chi điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013 gồm: Phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại...

- Chi lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu, xác định mức bồi thường, hỗ trợ đến khâu phê duyệt phương án, thông báo công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Chi tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Xem chi tiết Thông tư số 61/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 61/2022/TT-BTC

Quy định sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện cai nghiện ma túy

Ngày 05/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 62/2022/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.

Thông tư số 62/2022/TT-BTC quy định về mức chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Trong đó, một số mức chi thực hiện chế độ với người cai nghiện bắt buộc có sự thay đổi, đơn cử như: Chi tiền điện, nước sinh hoạt: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng. (So với hiện hành tại Thông tư 117/2017/TT-BTC thì mức chi tăng thêm 20.000 đồng/học viên/tháng).

Mức chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/năm. Trường hợp hỗ trợ mức cao hơn mức quy định tại khoản này, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể. (So với hiện hành, mức chi tăng thêm 30.000 đồng/học viên/tháng)

Thông tư cũng quy định chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP...

Xem chi tiết Thông tư số 62/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 62/2022/TT-BTC