Dự thảo Nghị định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết:

Áp dụng nhiều biện pháp mạnh chống né thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việc ban hành nghị định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết của các giao dịch liên kết sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết, phù hợp với những thay đổi về tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế.

Để quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin về các bên liên kết và các giao dịch liên kết.
Để quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin về các bên liên kết và các giao dịch liên kết.

Đồng thời, nghị định sẽ đưa những quy định pháp luật về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết của Việt Nam gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là chia sẻ của ông Joseph Vũ, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế - Giá giao dịch giữa các bên liên kết, Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC Việt Nam) với phóng viên.

* PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hành lang, khung khổ pháp lý đang áp dụng hiện nay trong việc ngăn ngừa lợi dụng chuyển giá để trốn thuế?

- Ông Joseph Vũ: Trước khi có dự thảo nghị định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều quy định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết, đặc biệt là Thông tư 117/2005/TT-BTC và Thông tư 66/2010/TT-BTC. Khuôn khổ pháp lý hiện tại đã được áp dụng trong suốt hơn 10 năm qua và phù hợp với giai đoạn đã qua. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư 66/2010/TT-BTC cho thấy so với thực tiễn quản lý thuế đã có một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung và nâng cấp văn bản pháp luật về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết.

Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường thuế toàn cầu ngày một thay đổi về tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế và gia tăng về số lượng cũng như độ phức tạp của các giao dịch qua biên giới, việc sửa đổi những quy định pháp luật hiện hành là rất cần thiết để phù hợp với những thay đổi này.



 Áp dụng nhiều biện pháp mạnh chống né thuế - Ảnh 1

Ông Joseph Vũ


* PV: Bộ Tài chính vừa mới công bố dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết của các giao dịch liên kết. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo này?

- Ông Joseph Vũ: Bản dự thảo nghị định đánh dấu một mốc phát triển quan trọng nhất của các quy định liên quan đến giá giao dịch giữa các bên liên kết tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Bản dự thảo đưa ra một số khái niệm và nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Liên Hiệp quốc, chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận và những nguồn khác. Chứng tỏ Bộ Tài chính đang nỗ lực trong việc đưa ra những quy định rõ ràng hơn cũng như gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức lớn ở đây là làm thế nào để áp dụng những tiêu chuẩn đó vào điều kiện thực tế ở Việt Nam. Ví dụ, hiện tại đang thiếu dữ liệu so sánh trong nước để người nộp thuế có thể sử dụng khi áp dụng những phương pháp xác định giá giao dịch giữa các bên liên kết (như được quy định trong dự thảo nghị định) để xác định và thiết lập giá các giao dịch liên kết của mình. Điều này đặt ra những thách thức cho người nộp thuế khi bắt buộc phải mở rộng phạm vi tìm kiếm dữ liệu so sánh (ví dụ sử dụng dữ liệu của các công ty tại châu Á) trong khi không biết rõ liệu hướng tiếp cận như vậy có được cơ quan thuế chấp nhận hay không.

* PV: Trong dự thảo có quy định yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc với Bộ Tài chính để thực hiện quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết. Ông nhận xét sao về quy định này?

- Ông Joseph Vũ: Để quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin về các bên liên kết và các giao dịch liên kết. Thêm vào đó, nhiều vấn đề về xác định giá trị giao dịch liên kết và bản chất của các giao dịch trong nền kinh tế thị trường yêu cầu đến chuyên môn rất sâu của nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, dự thảo nghị định yêu cầu nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc là một điều tất yếu và cũng phản ánh trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của mình.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai trên thực tế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để có thể cùng nhau xử lý các vấn đề một cách có hiệu quả và đảm bảo sự tham gia của nhiều bên sẽ không dẫn tới những sự chậm trễ trong việc xử lý các vấn đề về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết.

* PV: Hiện có một số quan ngại về việc sử dụng cơ sở dữ liệu để đánh giá các giao dịch liên kết, cụ thể dữ liệu trong nước về các công ty Việt Nam hiện còn hạn chế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Joseph Vũ: Hiện nay, số liệu được công bố rộng rãi về các công ty Việt Nam mà người nộp thuế và cơ quan thuế có thể sử dụng để đánh giá tính độc lập của các giao dịch liên kết còn rất hạn chế. Sự thiếu hụt dữ liệu này đã và đang tạo ra những thách thức lớn cho các công ty trong việc thiết lập giá giao dịch liên kết, cũng như cho cơ quan thuế khi đánh giá tính hợp lý của các giao dịch liên kết của người nộp thuế.

Bản dự thảo đã đưa ra một số nguồn dữ liệu có thể được sử dụng trong phân tích giá giao dịch liên kết, bao gồm việc sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại, thông tin từ các sàn giao dịch chứng khoán, các thông tin được công bố rộng rãi bởi các bộ, ban ngành… Đây là một bước phát triển tích cực trong việc đưa ra những biện pháp thiết thực để giải quyết vấn đề này.

* PV: Xin cảm ơn ông!