Sửa Luật thuế Bảo vệ môi trường: Định hướng hành vi tiêu dùng lành mạnh

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Khung thuế bảo vệ môi trường sẽ áp dụng cho lộ trình dài, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.

Việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quóc tế về cắt giảm thuế nhập khẩu, mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác.
Việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quóc tế về cắt giảm thuế nhập khẩu, mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác.

Tùy vào điều kiện từng thời kỳ, khi đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cụ thể đối với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ cân nhắc trên cơ sở đánh giá tác động đến kinh tế trong nước, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân. Đây là một trong các giải trình của cơ quan soạn thảo đối với các ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT.

Sẽ cân nhắc khi đề xuất mức tăng cụ thể

Tại dự thảo Luật, nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm là về biểu khung thuế. Trong đó, việc dự thảo đề nghị điều chỉnh khung thuế đối với xăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít có nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định lộ trình áp dụng ngay tại dự thảo Luật để đảm bảo tính ổn định của chính sách. Có ý kiến đề nghị tăng mức thuế tối đa trong khung thuế từ 4.000 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít/. Cũng có ý kiến đề nghị tăng mức thuế tối đa đối với xăng lên 5.000 đồng/lít....

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác như: Xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường cần có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu; và để chủ động ứng phó với tình hình thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn...

Khung thuế này sẽ áp dụng cho lộ trình dài, mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít. Tùy vào điều kiện từng thời kỳ, khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống người dân, đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam.

Đối với xăng dầu sinh học, các ý kiến thống nhất phương án mức thuế BVMT với xăng E5 và dầu diesel B5 bằng 80%, xăng E10 và dầu diesel B10 bằng 70% mức thuế của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng. Đối với dung dịch HCFC, các ý kiến tham gia cũng đều thống nhất việc điều chỉnh khung thuế BVMT từ 1.000 - 5.000 đồng/kg lên từ 4.000 - 20.000 đồng/kg.

Hạn chế sử dụng mặt hàng gây ô nhiễm nghiêm trọng

Một mặt hàng nữa cũng được đề nghị điều chỉnh khung thuế là với túi ni lông thuộc diện chịu thuế từ 30.000 - 50.000 đồng/kg lên từ 40.000 - 200.000 đồng/kg. Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị giữ như biểu khung thuế đang áp dụng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, vì thực tế ở địa phương đa số các cơ sở sản xuất túi ni lông có quy mô nhỏ, sản xuất chủ yếu từ tái chế các túi ni lông cũ để phục vụ chính cho hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản và một phần nhỏ đựng thực phẩm tại các chợ, túi đựng rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư.

Giá bán túi ni lông cho các hoạt động trên hiện trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/kg nên nếu tăng khung mức thuế khó thực hiện được. Cũng có ý kiến đề nghị điều chỉnh khung thuế từ 40.000 - 100.000 đồng/kg, hoặc từ 80.000 - 200.000 đồng/kg để đảm bảo mục tiêu giảm dần sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng.

Giải trình vấn đề này, cơ quan soạn thảo cho biết túi ni lông là mặt hàng gây ô nhiễm nghiêm trọng, phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy. Do đó, cùng với các biện pháp quản lý khác, việc điều chỉnh khung thuế là góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần sử dụng túi ni lông khó phân hủy, phù hợp với thông lệ quốc tế hiện áp dụng mức thuế môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Hơn nữa, việc điều chỉnh mức thuế tối thiểu bằng mức thuế đang áp dụng (40.000 đồng/kg) là để khi dự thảo Luật được ban hành và có hiệu lực thì mức thuế cụ thể đang áp dụng đảm bảo trong khung mức thuế được điều chỉnh và vẫn tiếp tục được áp dụng; đồng thời, để có thời gian tuyên truyền Luật nhằm tiếp tục định hướng sản xuất, tiêu dùng mặt hàng này.

Bên cạnh đó, đối với một số mặt hàng như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho..., cũng có ý kiến đề nghị tăng mức thuế bằng mức tối đa trong khung thuế và xem xét tăng khung thuế BVMT vì mức thuế hiện nay rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu hạn chế sử dụng cũng như BVMT. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế BVMT cụ thể của các hàng hóa khác thuộc đối tượng chịu thuế BVMT, gồm: Than đá; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với các hàng hóa này là chưa cần thiết.