Tỉnh Trà Vinh:

Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, góp phần tạo việc làm mới cho khoảng 92.000 lao động

Theo Trường Nguyên/Báo Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh đang hoàn thiện Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (Đề án). Kỳ vọng khi kết thúc Đề án, sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho một bộ phận người dân.

 Lao động phổ thông (làm hồ), chưa có thu nhập ổn định, chưa đảm bảo cuộc sống.
Lao động phổ thông (làm hồ), chưa có thu nhập ổn định, chưa đảm bảo cuộc sống.

Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh còn 5.204 hộ nghèo, chiếm 1,8% so với hộ nghèo chung của toàn tỉnh. Trong đó, 2.863 hộ nghèo Khmer, chiếm 3,21% so với tổng số hộ Khmer, chiếm 0,99% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh; 16.650 hộ cận nghèo, chiếm 5,76% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, 8.916 hộ cận nghèo dân tộc Khmer, chiếm 9,99% so với tổng số hộ Khmer… 

Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016 - 2020, bằng nhiều nguồn vốn, NHCSXH tỉnh đã cho vay trên 222 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, doanh số cho vay trên 3.952 tỷ đồng.

Đến ngày 31/7/2021, NHCSXH tỉnh thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ gần 3.007 tỷ đồng, với 156.168 hộ còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương thực hiện 06 chương trình, dư nợ 199,692 tỷ đồng, với 7.993 khách hàng còn dư nợ, bao gồm: cho vay giải quyết việc làm 92,957 tỷ đồng, với 3.092 khách hàng còn dư nợ; cho vay xuất khẩu lao động 48,632 tỷ đồng, với 769 khách hàng còn dư nợ; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg 22,539 tỷ đồng, với 1.340 khách hàng còn dư nợ; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 14,252 tỷ đồng, với 745 hộ; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 19,302 tỷ đồng, với 1.954 khách hàng; cho vay hộ nghèo 2,01 tỷ đồng với 93 khách hàng.

Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống NHCSXH đã giải ngân vốn và giúp 11.203 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 13.587 lao động có thu nhập ổn định. Trong đó, có 1.261 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài; hỗ trợ 23.992 hộ tại các xã vùng khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp 4.598 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; đầu tư xây dựng trên 59.202 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường và 7.537 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Thực tế, hiệu quả đồng vốn chính đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, XDNTM; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 1,4%. Chất lượng tín dụng được cải thiện và nâng lên; tỷ lệ thu hồi vốn bình quân trên 99%/năm, tỷ lệ thu lãi trên 99%/năm.

Tuy nhiên, vấn đề lao động, việc làm của tỉnh Trà Vinh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn; một bộ phận lao động có việc làm, nhưng thu nhập thấp; chưa qua đào tạo nghề còn nhiều, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; vốn cho vay giải quyết việc làm hàng năm còn ít, đáp ứng khoảng 30 - 35% so với nhu cầu vay vốn của người lao động.

Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều lao động của tỉnh đang ở các tỉnh, thành phố sẽ trở về sinh sống, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm... Chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm sẽ phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Do đó, việc ban hành Đề án là rất cần thiết.

Đề án nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tăng tỷ lệ sử dụng quỹ thời gian lao động, nhất là thời gian lao động nhàn rỗi, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nguồn vốn vay theo ủy thác qua các Hội đoàn thể và nhóm gia đình xã, phường, thị trấn; lĩnh vực cho vay chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… góp phần định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp.

Qua 04 năm triển khai, thực hiện Đề án, góp phần tạo việc làm mới cho khoảng 92.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm mới khoảng 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và khoảng 12.000 lao động được giải quyết việc làm theo Đề án. Góp phần duy trì và giảm thất nghiệp 02%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. Đề án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, đối tượng được thụ hưởng là người lao động có nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; người lao động mất việc làm do bị ảnh bởi đại dịch COVID-19 có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm. NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay để xác định mức vay; thời hạn cho vay tối đa 120 tháng; lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 600 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương, bình quân mỗi năm có 3.000 lao động được vay vốn). 

Dự án triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã nông thôn mới, đặc biệt là các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thúc đẩy nhanh tiến trình XDNTM, xây dựng đô thị văn minh. Song song đó, về mặt xã hội, nguồn vốn được hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế, các lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, khắc phục tình trạng thiếu việc làm; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, ổn định trật tự, an toàn xã hội, củng cố khối đoàn kết toàn dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.