Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Agribank

PV.

Ngày 30/5/2016, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề "Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" đã có buổi làm việc với Agribank.

Ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank báo cáo tại buổi làm việc
Ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank báo cáo tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát cùng các thành viên trong Đoàn giám sát. Về phía Agribank có ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Tiết Văn Thành - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc cùng các đồng chí Thành viên Hội đồng thành viên, Ban điều hành, lãnh đạo các đơn vị tại Trụ sở chính.

Buổi làm việc tập trung vào một số nội dung chính là: kết quả thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và chính sách tín dụng theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015; đánh giá việc thực hiện các quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các Nghị định 210/2013/NĐ-CP, Nghị định 41/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định 55/2015/NĐ-CP), Nghị định 35/2015/NĐ-CP, Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, Quyết định 68/2013QĐ-TTg…; các đề xuất, giải pháp, kiến nghị.

Về kết quả cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, đến 31/12/2015, dư nợ cho vay của Agribank đạt 444.660 tỷ đồng chiếm 52,7% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng và chiếm 71% tổng dư nợ của Agribank; riêng 4 tháng đầu năm, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 3.022 tỷ đồng đạt 447.682 tỷ đồng.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ, Quyết định số 1555/QĐ-NHNN ngày 7/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước, với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong toàn quốc và có vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, từ việc thí điểm cho vay 11 xã xây dựng nông thôn mới cuối năm 2011, đến nay, Agribank đã nhanh chóng triển khai rộng khắp cả nước. Đến 31/12/2015, tổng dư nợ cho vay đạt 258.188 tỷ đồng với 2.574.819 khách hàng tại 8.970 xã.

Ghi nhận kết quả này, Agribank đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong Chương trình cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Dòng vốn của Agribank đã góp phần thay đổi về cơ cấu kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa; hình thành các vùng chuyên canh, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống dịch vụ nông thôn được hình thành và phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp do tính thời vụ và tình trạng “nông nhàn”., thay đổi đáng kể cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng nông thôn., hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn…

Tại buổi làm việc, Agribank cũng đã đề xuất một vài khuyến nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để giảm bớt những khó khăn và có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn như: tháo gỡ về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cấp đủ số vốn điều lệ cho Agribank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cấp bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước năm 2015;

thực hiện cơ chế cấp bù lãi suất đối với các khoản cho vay các đối tượng chính sách, quyết toán tài chính kịp thời đối với các khoản cấp bù lãi suất theo Quyết định 68, Quyết định 67, Nghị quyết 30a của Chính phủ; có chính sách và cơ chế thu hút các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đầu tư nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

sớm phê duyệt cho phép Agribank triển khai dự án Ngân hàng lưu động để tăng năng lực tiếp cận phục vụ khách hàng trên địa bàn nông thôn, tiết giảm chi phí hoạt động; phê duyệt chủ trương chuyển đổi Agribank hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối nhằm tăng cường năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động...

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao những đóng góp tích cực của Agribank trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ bản thống nhất và ghi nhận các kiến nghị của Agribank nhằm tạo điều kiện để Agribank tiếp tục là trụ cột tài chính đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.