Chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại

ThS. Cao Huy Tài - Trưởng phòng, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, trước yêu cầu cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan vẫn còn tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa, trong đó tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu Hải quan số.

Tổng cục Hải quan cần tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu Hải quan số.
Tổng cục Hải quan cần tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu Hải quan số.

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa hải quan

Nhằm không ngừng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong quá trình làm thủ tục hải quan, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chủ động nghiên cứu và triển khai các nội dung chuyển đổi số.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan. Những kết quả đó là động lực để Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung với những kết quả nổi bật như:

- Thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration): Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong 5 năm vừa qua, mỗi năm cán bộ, công chức Hải quan đã giảm từ 1,5-1,7%. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, thủ tục hải quan của DN được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN tham gia. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 01 - 03 giây. Có thể nói, CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để Tổng cục Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra.

- Triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment): Từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với các hệ thống CNTT của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và DN, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, DN có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời, thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan.

- Thực hiện giám sát hải quan tự động: Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần giải quyết hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và DN; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của DN xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của DN. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN: Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Tính đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho 162/224 thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện (chiếm 72%) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần cho 62/224 thủ tục hành chính. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục rà soát cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính mới được ban hành hoặc mới được sửa đổi, bổ sung để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

- Triển khai cung cấp thông tin tờ khai hải quan: Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình làm thủ tục hải quan cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, thực hiện Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, từ ngày 15/3/2017, Cổng thông tin tờ khai hải quan chính thức được vận hành, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các bộ, ngành có liên quan để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác nghiệp vụ

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung triển khai các hoạt động để từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Ngành như:

- Trong giám sát quản lý về hải quan: Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai trong toàn Ngành các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như: quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chế độ riêng… Các hệ thống này đã tạo ra một môi trường điện tử cho phép DN khai báo các thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện thủ tục hải quan của DN, quản lý các số liệu một cách đầy đủ, kịp thời. Cho phép thực hiện các yêu cầu thanh khoản của DN. Nhờ áp dụng các hệ thống này, thời gian xử lý các công tác nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan tại cơ sở đã giảm đáng kể.

- Quản lý thu thuế xuất, nhập khẩu: Hàng năm tổng số tiền thuế thu qua hoạt động xuất, nhập khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng số thu ngân sách. Với việc triển khai hệ thống Kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã đem đến những hiệu quả rõ rệt cụ thể là tăng mức độ chính xác trong công tác quản lý theo dõi nợ thuế; giảm khối lượng công việc (liên quan đến công tác kế toán); giảm chi phí hành chính cho cơ quan hải quan; tăng tính chính xác, kịp thời trong việc cưỡng chế, giải tỏa cưỡng chế đối với các lô hàng nộp thuế quá thời hạn quy định.

- Về quản lý giá tính thuế: Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai Hệ thống Quản lý thông tin giá tính thuế trên phạm vi toàn quốc, đây là công cụ đắc lực giúp ngành Hải quan quản lý, theo dõi các thông tin về giá của hàng hóa xuất, nhập khẩu, qua đó, đề ra các biện pháp đấu tranh, chống gian lận thương mại qua giá.

- Về quản lý rủi ro: Việc triển khai hệ thống Quản lý rủi ro đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT, đó là giai đoạn thực hiện các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan Thế giới trong thông quan hàng hóa. Đến nay, hệ thống quản lý rủi ro hàng ngày, hàng giờ đang cung cấp thông tin phục vụ quá trình thông quan tự động cũng như giúp ngành Hải quan tập trung nguồn lực để xử lý hồ sơ có nghi vấn. Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý rủi ro đã góp phần tạo thuận lợi thương mại, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan.

- Kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm: Tổng cục Hải quan đã triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Các hệ thống trên đều được triển khai thống nhất trong toàn Ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong điều phối và phối hợp với các bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã có bước đột phá, mang tính cách mạng. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Trong năm 2018, việc trao đổi chính thức thông tin E-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu USD, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu USD đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu USD đối với hàng xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan thời gian vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa ứng dụng đầy đủ công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như kết nối Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI); mức độ ứng dụng CNTT và tự động hóa ở một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan vẫn còn chưa cao; nhận thức của cán bộ, công chức về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ; năng lực, kỹ năng làm việc chưa tương xứng với yêu cầu chuyển đổi số.

Một số nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới

Nhằm hướng tới xây dựng cơ quan Hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong bối cảnh mới, thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện môi trường pháp lý, quy trình thủ tục liên quan đến lĩnh vực hải quan. Cụ thể là, cơ quan Hải quan cần nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, triển khai ứng dụng CNTT về hải quan, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Rà soát, hoàn thiện quy trình thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngành Hải quan. Ban hành kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT, quy trình, quy chế đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng các hệ thống CNTT khoa học, chuyên nghiệp.

Thứ hai, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số. Theo đó, ngành Hải quan cần hoàn thiện mô hình kiến trúc phần cứng CNTT ngành Hải quan theo mô hình điện toán đám mây, kế thừa mô hình phần cứng hiện tại đã triển khai, đảm bảo phù hợp với Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số và Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số.

Nâng cấp mở rộng, thay thế sửa chữa Hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu đã hoạt động từ 2012 theo tiêu chuẩn Tier 3 (gồm có các hệ thống Điện-UPS, điều hòa, hệ thống giám sát, an ninh, phòng cháy chữa cháy…) để đảm bảo Trung tâm dữ liệu luôn sẵn sàng, vận hành ổn định 24/7.

Đầu tư mới, thay thế, nâng cấp hạ tầng mạng hải quan theo lộ trình và phù hợp với kiến trúc hạ tầng truyền thông ngành Tài chính. Thực hiện nâng cấp, mở rộng băng thông và tăng tốc độ chuyển mạch cốt lõi; đồng thời, đảm bảo kênh dự phòng để sẵn sàng triển khai, vận hành thông suốt các phần mềm ứng dụng ngành Hải quan, đáp ứng yêu cầu xử lý, khai thác dữ liệu trên nền tảng công nghệ Big Data và IoT.

Thứ ba, phát triển nền tảng. Cụ thể là triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ số ngành Hải quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin nội ngành theo mô hình kết nối chia sẻ tập trung; Xây dựng các dịch vụ nền tảng để triển khai chính phủ điện tử cơ quan hải quan; Hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu lớn phục vụ tổng hợp, đồng bộ dữ liệu của cơ sở dữ liệu tổng hợp với các cơ sở dữ liệu thành phần thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan và các nguồn dữ liệu khác.

Thứ tư, phát triển cơ sở dữ liệu. Cơ quan Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan, trong đó thiết kế kiến trúc dữ liệu tổng thể, các định dạng gói tin, danh mục chỉ mục dữ liệu và dịch vụ dữ liệu chia sẻ, bảo đảm nguyên tắc mỗi loại dữ liệu chỉ giao một đầu mối cung cấp.

Xây dựng tổng kho dữ liệu của cơ quan Hải quan; Cơ sở dữ liệu thực hiện lưu trữ về đối tượng người dùng (đối tượng, nhóm đối tượng, hành vi, thói quen, nhu cầu) để sẵn sàng cho phân tích và đáp ứng thông minh khi người dùng truy cập hệ thống trên các loại ứng dụng khác nhau như: DesktopApp, Web App, Mobile App.

Thứ năm, phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ. Cụ thế là ngành Hải quan kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Phát triển phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý hành chính nội ngành; đồng thời, triển khai áp dụng chữ ký số trong ngành Hải quan để thay thế văn bản giấy, phù hợp với yêu cầu sử dụng, giao dịch văn bản điện tử, hạn chế giấy tờ.

Thứ sáu, phát triển ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và DN. Theo đó, ngành Hải quan tiếp tục triển khai hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số; Phát triển hệ thống CNTT theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc tế. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, DN được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Xây dựng nền tảng ứng dụng di động (Mobile Platform), mở rộng WebPlatform trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử Hải quan phục vụ người dân và DN trong quá trình làm thủ tục hải quan; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào trải nghiệm người dùng và cung cấp các tiện ích thông qua tự nhận biết đối tượng sử dụng, tự động phân luồng nội dung, tương tác bằng giọng nói, thu thập và lưu trữ hành vi, thói quen của người dùng để phân phối nội dung một cách thông minh, định danh, xác thực đa dạng.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các Giao diện lập trình ứng dụng (API) phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN và kết nối các bên liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện thủ tục hải quan của người dân, DN.

Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực. Ngành Hải quan cần tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức hải quan sử dụng, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nghiệp theo vị trí công việc được phân công và chương trình nghiệp vụ được sử dụng. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; kỹ năng làm việc, sử dụng hệ thống CNTT và các công nghệ số trong môi trường số, chuyển đổi số ngành Hải quan.

Tổ chức các lớp đào tạo bổ sung kiến thức quản lý, quản trị, triển khai các hỗ trợ vận hành các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị hệ thống CNTT, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; đồng thời, hợp tác đào tạo về CNTT với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu lớn về CNTT để đào tạo chuyên gia các lĩnh vực theo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ của toàn Ngành, sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp và ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành, người dân, DN, công tác chuyển đổi số và ứng dụng CNTT của ngành Hải quan trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ Hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia;
  3. Bộ Tài chính (2018), Quyết định 201/QĐ-BTC ngày 12/02/2018 ban hành Quy chế An toàn thông tin mạng Bộ Tài chính;
  4. Bộ Tài chính (2018), Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ;
  5. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 2366/QĐ-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số;
  6. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Cẩm nang chuyển đổi số;
  7. Canada Border Services Agency (2020), Canada Border Services Agency’s 2020 – 2023 Developmemt Strategy;
  8. China Customs (2020), China Customs’ 3S initiative;
  9. Japan Customs (2020), Smart Customs Initiative 2020.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023