Nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng, Lâm Đồng khi có kiến nghị cho rằng, việc xử lý những hạn chế, bất cập của nền kinh tế còn chậm, nhất là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế dẫn đến khó khăn kinh tế kéo dài, trong đó có việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước và xử lý các sai phạm ở các Tập đoàn Vinashin, Vinalines chưa cụ thể, hiệu quả.

Nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế
Năm 2013, trong bối cảnh khó khăn nhưng các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được phân công. Nguồn: internet.

Do vậy, cử tri 3 tỉnh kiến nghị nhà nước có các biện pháp giải quyết quyết liệt hơn nhằm củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, khôi phục tăng trưởng ổn định.

Tái cơ cấu để tăng trưởng bền vững

Bộ Tài chính cho biết, trước bối cảnh không thuận lợi của kinh tế thế giới, áp lực của lạm phát 2010- 2011 và khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ trong nước, trong giai đoạn từ 2011-2013, song song với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành những giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, gắn với thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát.

Nhờ đó, trong năm 2013, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; so với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm; tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng; thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện; tỷ giá ổn định; tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2013 tương đối ổn định so với năm 2012.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam duy trì thặng dư thương mại sau một giai đoạn dài liên tục thâm hụt; dự trữ ngoại hối tăng; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt mục tiêu đề ra, chi NSNN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, giá cả thị trường ổn định, các chỉ số thể hiện sức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp như chỉ số sản xuất công nghiệp, hàng tồn kho,… được cải thiện đáng kể so với năm 2012.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.

Đồng thời, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng cao nhất các nhiệm vụ được phân công; phù hợp với mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp tái cơ cấu kinh tế trong Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số tồn tại như kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức… Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và các năm tiếp theo đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, và hiện nay các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính đang tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

3 nhóm giải pháp lớn

Đối với Bộ Tài chính, Bộ cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đó là:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách; tổ chức thực hiện tốt các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập cá nhân; tăng cường công tác quản lý thu, điều hành thu, chống thất thu, chống buôn lậu.

Về chi NSNN, sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại các khoản chi NSNN; rà soát lại các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách chi ngân sách để đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện tốt Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015”. Đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.

Đồng thời, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, bảo đảm hoạt động đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm chứng khoán, trong đó tiếp tục từng bước nghiên cứu và hình thành chứng khoán phái sinh; Phối hợp thực hiện cổ phần hóa, đấu giá cổ phần các doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường; Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán; Phát triển nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích nhà đầu tư cá nhân...

Trong nhóm các giải pháp nhằm tiếp tục tái cấu trúc thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết sẽ mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm; Hướng dẫn tiêu chí đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo việc tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, thường xuyên và kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo mức độ an toàn vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp với quy mô hoạt động, cơ cấu đầu tư và khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật...