Công nghệ tài chính đối với phát triển kinh tế và hệ thống tài chính

Lê Phương

Những năm gần đây, công nghệ tài chính đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới bao gồm các nền kinh tế phát triển, nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Công nghệ tài chính đã len lỏi vào trong tất cả lĩnh vực tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán và bất động sản.

Ảnh minh  họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công nghệ và đổi mới sáng tạo đã chuyển đổi ngành dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy và điện toán đám mây. Công nghệ tài chính đã len lỏi vào trong tất cả lĩnh vực tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán và bất động sản.

Nhiều dịch vụ fintech đang được sử dụng bởi khách hàng tại các thị trường riêng biệt như: Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ... Các công ty fintech đã kiến tạo các thị trường mới như, nền tảng cho vay ngang hàng (peer to peer lending), tài trợ đám đông (crowfunding), thanh toán giữa các quốc gia (cross-border payments)...

Các dịch vụ mới này được khách hàng như doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay khách hàng cá nhân ưa chuộng. Nhóm đối tượng này khó tham gia thị trường tài chính truyền thống do không hoặc khó đáp ứng các điều kiện về tín dụng hay thanh toán.

Công nghệ tài chính đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tài chính toàn diện. Theo báo cáo năm 2018 của ngân hàng thế giới, có đến 1,7 tỷ người trưởng thành không có cơ hội sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Đặc biệt, trong các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn phổ biến và quy mô các giao dịch kinh tế không được kiểm soát còn khá lớn.

Các dịch vụ như mở tài khoản, bảo hiểm và quản lý tài sản rất khó tiếp cận với một mức giá cả hợp lý cho khách hàng. Thậm chí ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, các nhóm dân cư  như người dân tộc thiểu số, người nhập cư hay cộng đồng tôn giáo thiểu số cũng ít có cơ hội được tiếp cận tới dịch vụ tài chính cơ bản.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhu cầu về dịch vụ tài chính không được đáp ứng bởi khu vực tài chính truyền thống tạo động lực cho sự phát triển của công nghệ tài chính.

Tại Trung Quốc, công nghệ tài chính giúp giảm bớt các hạn chế trong cung ứng dịch vụ tài chính như khoảng cách địa lý giữa người vay và chi nhánh ngân hàng, cho phép các công ty có điểm tín dụng thấp tiếp cận các nguồn tín dụng.

Ở Hoa Kỳ, các dịch vụ công nghệ tài chính đang hỗ trợ tín dụng ngân hàng với các món vay nhỏ và chiếm lĩnh thị trường cho vay mà trước đây ngân hàng không chú trọng tới. Một nghiên  cứu tại Argentina chỉ ra rằng có tới 35% các khoản cho vay thông qua nền tảng ứng dụng fintech có thể không đạt các điều kiện vay vốn tại ngân hàng do điểm tín dụng thấp. Các dịch vụ công nghệ tài chính dễ bắt gặp hơn tại các quốc gia mà có mật độ chi nhánh ngân hàng trên dân số ở mức thấp.

Thực tiễn chứng minh vai trò quan trọng của fintech trong những khu vực mà hệ thống tài chính truyền thống hiện nay chưa đáp ứng được. Bên cạnh những tác động đáng kể của công nghệ tài chính tới tài chính toàn diện thì tác động đến kinh tế vĩ mô và chi phí tài chính cũng được ghi nhận.

Ứng dụng fintech đa dạng và phong phú tại các quốc gia nơi mà giá dịch vụ tài chính tương đối đắt đỏ và thiếu sự cạnh tranh giữa các nhà cung ứng dịch vụ. Chi phí dịch vụ tài chính ổn định ở mức cao trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh sự xuất hiện của nhiều công nghệ hỗ trợ như máy tính, giao dịch điện tử trên nền tảng internet.

Sự ra đời và cạnh tranh của công nghệ tài chính buộc các định chế tài chính truyền thống phải đổi mới dịch vụ, tăng hiệu quả  và giảm chi phí. Tín dụng được cung ứng bởi công ty fintech chiếm ưu thế trong các nền kinh tế có chi phí vốn cao.

Trong các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao và khu vực ngân hàng có lợi nhuận biên cao thì tín dụng dựa trên fintech càng có cơ hội phát triển.

Chính sách tiền tệ chặt chẽ giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu (global financial crisis) cũng góp phần thúc đẩy các ứng dụng fintech, khi các chính sách này tạo ra nhiều rào cản hơn cho khách hàng khi muốn tiếp cận các nguồn tín dụng truyền thống. Các định chế truyền thống phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro và theo đó cũng tạo ra những yêu cầu khắt khe với khách hàng.

Tóm lại, việc ứng dụng công nghệ tài chính có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh khu vực ngân hàng thiếu tính cạnh tranh và do đó đạt mức lợi nhuận cao hơn với chi phí dịch vụ cao. Các công ty fintech ra đời có thể nâng cao hiệu quả và giảm chi phí dịch vụ tài chính thông qua các nền tảng ứng dụng tài chính mới dựa trên các công nghệ tiên tiến.