Để hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?


Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, trung thực và minh bạch trong hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ; phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC (Hoa Kỳ) tại TP. Đà Nẵng năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC (Hoa Kỳ) tại TP. Đà Nẵng năm 2022.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ coi trọng sự chủ động, trung thực

Công ty cổ phần (CTCP) Kỹ thuật Xây dựng DINCO là đơn vị được UAC – Tập đoàn sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Hoa Kỳ lựa chọn là đơn vị thi công nhà xưởng khi UAC quyết định đầu tư vào TP. Đà Nẵng (Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine với tổng mức đầu tư 100 triệu USD). Từ kinh nghiệm thực tế, ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty DINCO cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng các doanh nghiệp có tính chủ động.

“Tôi học được một điều khi hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ đó là ‘Biết đi thì sẽ gặp, biết gõ thì sẽ mở’, vì vậy, các doanh nghiệp hãy mạnh dạn, chủ động kết nối. Chính DINCO cũng đã có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhờ sự mạnh dạn và được sự hỗ trợ tích cực từ AmCham Việt Nam”, ông Kỹ cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Kỹ, doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến an toàn lao động, môi trường làm việc; cùng với công ty phải có báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán rõ ràng, minh bạch. “Văn hóa của doanh nghiệp Hoa Kỳ là đi vào trọng tâm vấn đề. Khi làm việc với doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn có tính nhân văn. Bù lại, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực, chuẩn bị hồ sơ giới thiệu công ty rõ ràng, có trọng điểm. Nhất là người đứng đầu công ty phải chủ động, tích cực”, ông Kỹ nói.

Đặc biệt, ông Kỹ nhấn mạnh lưu ý: “Muốn hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ cần phải nói đúng sự thật. Hãy trả lời tình huống dựa trên thực tế, đi thẳng vào vấn đề, và thể hiện được khát vọng. Với người Mỹ, nói láo là dấu hiệu của tội phạm. Nên phải xác định có sự chân thật ngay từ đầu. Chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn nếu chúng ta vi phạm quy tắc đó. Phải trung thực và tôn trọng thực hiện những cam kết đôi bên”.

Ngoài ra, đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp Việt cũng cần có trình độ tiếng Anh tốt để trao đổi với đối tác.

Đồng quan điểm, ông Michael Lương, Giám đốc dự án Công ty Phát triển Giải pháp Năng lượng sạch Asia Clean Capital Vietnam (ACCV) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần có đội ngũ chất lượng cao đi cùng với đó là khả năng nói tiếng Anh tốt để tăng hiệu quả hợp tác với đối tác Hoa Kỳ.

Chú trọng tiêu chí xanh, phát triển bền vững và đảm bảo sở hữu trí tuệ

Theo ông Michael Lương, đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ, ưu tiên an toàn và tính thân thiện với môi trường rất quan trọng, đi cùng là tính bền vững. “Đơn cử như khi làm việc với UAC các đối tác phải tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn liên quan đến những vấn đề này”, ông Michael Lương nói

Tương tự, theo ông Mai Minh Vương - Chủ tịch HĐQT CTCP Nhất Phong Vận, khi Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng “mở toang” cánh cửa về chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng dịch chuyển cũng kéo theo dịch vụ logistics tăng trưởng rất nhanh. Cơ hội rất nhiều nhưng cũng đi kèm thách thức. Trong đó, điều quan trọng đối với doanh nghiệp logistics là tập trung vào các tiêu chuẩn, tiêu chí của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

“Gần đây nhất là tiêu chuẩn xanh, rất quan trọng. Đơn cử như doanh nghiệp chúng tôi vừa qua có tài xế không trang bị túi rác và giỏ rác trên xe, ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ đối tác Hoa Kỳ là không đảm bảo quy chuẩn xanh, sạch. Rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí và doanh nghiệp phải tìm hiểu. Khi đáp ứng được chúng ta sẽ “tóm” được cơ hội”, ông Vương nói.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng nhận định, các lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm khi quyết định rót vốn đầu tư đều có hàm lượng công nghệ cao, phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong nước của tỉnh Quảng Nam là doanh nghiệp tư nhân, quy mô vừa và nhỏ, chưa có chiến lược kinh doanh bài bản và dài hơi. Các doanh nghiệp trong nước có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI; năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp trong nước là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D). Do vậy, các doanh nghiệp trong nước thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và chính sách đặt hàng của các doanh nghiệp FDI.

“Doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới quy trình công nghệ, sản xuất mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để có thể tham gia, kết nối vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng, đó là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương quyền, bản quyền, không có hàng nhái, hàng lậu. “Đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam nói riêng phải hết sức chú trọng trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ”, ông Bửu lưu ý.

Theo Báo Công Thương