Đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế

Minh Hà

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT. Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất nhiều điểm mới về xác định chi phí quản lý; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi quản lý BHXH, BHTN và BHYT.

Chi phí chi trả do ngân sách nhà nước cấp để BHXH Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Chi phí chi trả do ngân sách nhà nước cấp để BHXH Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Xác định chi phí quản lý 

Theo dự thảo Nghị định, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ quy định được xác định như sau:

- Đối với cơ quan BHXH: Các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy được xác định theo số lao động hợp đồng, số lượng người làm việc trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Các khoản chi đặc thù của ngành mang tính phát sinh thường xuyên hàng năm về tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, BHTN và các khoản chi thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên được xác định trên cơ sở nhiệm vụ được giao và mức chi theo chế độ quy định.

- Đối với BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân: Chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy do ngân sách Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm.

Chi thường xuyên cho lao động hợp đồng do Thủ trưởng đơn vị thực hiện giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; chi thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, BHTN trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định tại Quyết định này được bảo đảm từ nguồn chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN hàng năm và được xác định trên cơ sở nhiệm vụ được giao và mức chi theo chế độ quy định.

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi quản lý BHXH, BHYT, BHTN

Nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT như sau:

- Chi phí quản lý BHXH được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH.

- Chi phí quản lý BHYT được trích từ khoản 10% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý Quỹ BHYT; Chi phí quản lý BHTN được trích từ Quỹ BHTN.

Mức trích chi phí quản lý cụ thể hằng năm từ các nguồn trên thực hiện theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chi phí chi trả do ngân sách nhà nước cấp để BHXH Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng do ngân sách nhà nước đảm bảo. Mức chi phí chi trả bằng 0,54% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH (trừ khoản chi trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động, chi đóng BHYT).

Trong đó, mức chi phí chi cho tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền chi trả và quản lý người hưởng nhận tiền qua tài khoản cá nhân bình quân tối đa 0,19% tổng số tiền chi trả qua tài khoản cá nhân. Mức chi phí chi trả bằng tiền mặt bình quân tối đa 0,73% tổng số tiền chi trả bằng tiền mặt.

Chi phí quản lý BHTN của các trung tâm dịch vụ việc làm được giao thực hiện các nhiệm vụ về BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN, được hạch toán vào nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và sử dụng theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài các quy định trên, dự thảo Nghị định đề xuất chi thường xuyên giao tự chủ đối với bộ máy của cơ quan BHXH các cấp; Chi tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; Chi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về BHXH, BHTN, BHYT cho công chức, viên chức, người lao động; Chi tổ chức thu, chi và quản lý người tham gia, người thụ hưởng BHXH, BHTN, BHYT; Chi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; Chi hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH.

Đối với chi thường xuyên không giao tự chủ, dự thảo Nghị định đề xuất các chế độ chi gồm: Chi hoạt động bộ máy; Chi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHTN, BHYT; Chi đầu tư phát triển.

Việc quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ nguồn chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Kinh phí thu được từ việc bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản hình thành từ nguồn chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản; khoản tiền thu được từ bồi thường tài sản hình thành từ nguồn chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH và số tiền hỗ trợ di dời trong trường hợp cơ quan BHXH bị thu hồi nhà, đất, bổ sung quỹ phát triển hoạt động của cơ quan BHXH.