Đảm bảo an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân

Nghi Thu

(Tài chính) Từ sau sự kiện khủng bố hôm 11/9/2001 tại Hoa Kỳ, công tác bảo đảm an ninh hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân, công tác chống buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ đã thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Nhận thức được nguy cơ này, Việt Nam cũng đã có nhiều động thái tích cực góp phần vào nỗ lực chung của toàn thế giới về tăng cường quản lý an ninh hạt nhân trước các mối đe dọa tiềm ẩn.

Đảm bảo an toàn, an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Đảm bảo an toàn, an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân

An ninh hạt nhân là vấn đề tương đối mới. Có thể nói, chỉ từ sau sự kiện 11/9/2001 khi Mỹ bị khủng bố đánh bom một cách quy mô vào Tòa tháp đôi thì vấn đề an ninh hạt nhân, đặc biệt là việc bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân mới thực sự được cộng đồng quốc tế quan tâm. Lúc này, không ít người đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu các tổ chức khủng bố nắm trong tay các vũ khí hạt nhân và sử dụng như một loại vũ khí để tấn công vào một quốc gia nào đó? Hậu quả thì ai cũng có thể hình dung ra khi trong suốt mấy chục năm qua, thảm họa hạt nhân đã trở thành nỗi ám ảnh và gieo rắc kinh hoàng không chỉ cho riêng người dân Nhật Bản mà cả thế giới.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, dù an ninh trong lĩnh vực hạt nhân luôn được các quốc gia quan tâm và đặt vào tình trạng nghiêm ngặt nhất, song không loại trừ được kịch bản xấu có thể xảy ra. Chẳng hạn như sự cố các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần năm 2011 đến mức sau đó Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản phải nâng mức khủng hoảng sự cố nhà máy điện Fukushima I lên mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế.

Hay như mới đây, cuối năm 2014, Hàn Quốc phải lên tiếng cảnh báo tăng cường an ninh mạng tại các nhà máy điện hạt nhân của nước này trước nguy cơ rò rỉ những thông tin tin nghiêm trọng. Theo đó, ngày 22/12, Công ty Thủy điện và Điện Hạt nhân Hàn Quốc, đơn vị vận hành 23 lò phản ứng hạt nhân của nước này, thông báo hệ thống vi tính của họ đã bị xâm nhập, mặc dù “chỉ mất những thông tin không quan trọng và hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân không hề bị nguy hiểm”.Tuy nhiên, ngay lập tức, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã yêu cầu điều tra về an ninh toàn bộ các cơ sở hạ tầng của nước này, bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân để chống lại “khủng bố mạng”. “An ninh tại nhà máy điện hạt nhân phải được thiết lập ở mức cao nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Đây là một tình huống rất nghiêm trọng và không thể để tiếp tục diễn ra mà không bị ngăn chặn vì đây là vấn đề an ninh quốc gia”, bà Park khẳng định.Chỉ vài giờ sau khi bà Park đưa ra tuyên bố nói trên, một người đã đăng tải thông tin trên trang Twitter cá nhân khẳng định mình là kẻ đã xâm nhập vào hệ thống an ninh mạng của các nhà máy điện hạt nhân và đăng tải một số dữ liệu liên quan đến vụ tấn công này…Có thể nói, sự kiện này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác an ninh hạt nhân nói chung và an ninh thông tin tại các nhà máy hạt nhân nói riêng nếu không có một sự quan tâm hay nhận thức đúng mức về những rủi ro tiềm ẩn.

Hiện nay, nhiều quốc gia lo ngại về khả năng xảy ra những vụ tấn công chủ định vào các cơ sở hạt nhân, hoặc khi vật liệu hạt nhân rơi vào tay những phần tử khủng bố. Thực tế cũng cho thấy, đây cũng chính là vấn đề thu hút được sự quan tâm của các quốc gia tại các diễn đàn quốc tế về hạt nhân. Chẳng hạn, tại Hội nghị về hạt nhân mới đây đã tập trung bàn đến các biện pháp tăng cường bảo vệ an ninh cho cơ sở, thiết bị, nhiên liệu và chất thải hạt nhân, các chế tài được hình sự hóa nhằm ngăn chặn mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vật liệu hạt nhân; Cố gắng đưa phần sửa đổi năm 2005 của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân vào hiệu lực tại các quốc gia từ 2014; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các nỗ lực đảm bảo an ninh hạt nhân, ủng hộ việc hình thành các trung tâm đào tạo về an ninh hạt nhân cùng các hoạt động hỗ trợ mang tính mạng lưới giữa các trung tâm với nhau… Bên cạnh đó, các quốc gia có hạt nhân cũng đã tích cực các hoạt động hợp tác nhằm ngăn chặn khả năng sử dụng trái phép cũng như nguy cơ rơi vào tay các tổ chức khủng bố đối với các nguyên liệu uranium giàu. Một số quốc gia cũng đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu, ví dụ như sáng kiến của Hàn Quốc về định vị nguồn phóng xạ qua vệ tinh...

Đánh giá về nguy cơ gây mất an toàn hạt nhân, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng có một số nguy cơ khách quan do thiên tai và nguy cơ chủ quan do con người. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất gây mất an ninh hạt nhân là từ con người. Đối với Việt Nam, con người cũng có thể là yếu tố tiềm tàng gây ra nguy cơ mất an toàn hạt nhân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần phải ngăn chặn, phòng ngừa sự bất cẩn, chủ quan, thiếu kỷ luật của những người phụ trách trong quá trình giám sát, xây dựng, vận hành các cơ sở hạt nhân, và vận chuyển, xử lý các vật liệu hạt nhân...

Những kết quả bước đầu

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành các bước quan trọng nhằm cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để có thể đảm bảo an toàn hạt nhân trong thời gian tới, trước hết Việt Nam cần phải cẩn trọng trong các khâu lựa chọn địa điểm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Đối với con người,bên cạnh việc nghiêm túc xây dựng và thực thi những chế tài chặt chẽ phù hợp, không có cách nào khác, chúng ta phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, vận hành có trình độ cao, có tinh thần kỷ luật cao nhất, và ý thức được trách nhiệm của mình đối với quốc gia và nhân loại.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều động thái nhằm tăng cường công tác an ninh hạt nhân. Theo đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, các cổng phát hiện phóng xạ loại hiện đại được lắp đặt, góp phần vào việc phòng, chống buôn bán trái phép vật liệu phóng xạ, bảo đảm an ninh hạt nhân. Cụ thể, trong khuôn khổ Dự án an ninh hạt nhân hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan này đã hỗ trợ Việt Nam thiết lập Mạng An ninh hạt nhân tích hợp với việc lắp đặt 08 cổng phát hiện bức xạ tại Sân bay quốc tế Nội Bài, lắp đặt Trung tâm Phân tích dữ liệu quốc gia tại Tổng cục Hải quan và Trạm Hỗ trợ cảnh báo đặt tại Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật về an toàn bức xạ và ứng phó sự cố thuộc Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ). Dự kiến, IAEA sẽ hỗ trợ thêm các cổng phát hiện phóng xạ tại Nhà ga 2, Sân bay quốc tế Nội Bài và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành các văn bản nhằm bảo đảm các thiết bị được vận hành theo đúng quy trình chuẩn, có sự phối hợp nhịp nhàng trong các trường hợp có cảnh báo phóng xạ, bảo đảm tính bền vững của toàn bộ hệ thống. Cụ thể, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân đã phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ hải quan và dự thảo Thông tư liên tịch về cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân khi có cảnh báo phóng xạ. Điều này một lần nữa thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam đối với vấn đề an ninh hạt nhân.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cũng đã tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức nhiều cuộc hội thảo liên quan đến an ninh hạt nhân. Cụ thể, Cục đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và IAEA tổ chức các Hội thảo về yêu cầu đối với hệ thống bảo vệ thực thể và phương pháp luận đánh giá các mối nguy cơ để làm cơ sở thiết kế hệ thống bảo vệ thực thể, bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng, qua đó từng bước thực hiện theo yêu cầu của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân mà Việt Nam đã tham gia năm 2012 và các khuyến cáo của IAEA. Ngoài ra, Cục cũng đã chủ trì tổ chức đợt làm việc với chuyên gia của IAEA với sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan khác để xây “Kế hoạch hoạt động hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp quy về an ninh hạt nhân cho Chương trình điện hạt nhân” cho giai đoạn 2014-2017 nhằm xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy về bảo vệ thực thể phục vụ các giai đoạn cấp phép nhà máy điện hạt nhân; Chủ trì, phối hợp với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo về Cơ sở nền tảng cho Bảo vệ thực thể nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản cho cán bộ của các Bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo vệ nhà máy điện hạt nhân...