Điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay

Tuấn Thủy

Điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa lợi nhuận của nền kinh tế và an toàn cho hệ thống ngân hàng, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú.

Điều hành lãi suất là một trong những khó khăn lớn nhất

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra hôm 19/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhìn lại một năm qua, điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, bởi lẽ những tác động từ nhiều chiều, kể cả tác động của các nước xung quanh, các nước lớn, nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước đã chi phối đến đồng đô la, tỷ giá… đã ảnh hưởng trực diện rất nhiều đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, bên cạnh đó, những khó khăn từ nội lực của nền kinh tế nước ta, nhất là sau đại dịch cũng như tình hình khó khăn hiện nay của thế giới đã tác động đến khu vực sản xuất và kinh doanh. Chính vì thế, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng và chắc chắn theo hướng thực hiện các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Thông tin thêm về những định hướng cho điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2023 và giai đoạn đầu của năm 2024, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, thời gian qua, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Đồng thời, tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế và đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng thông qua các nghiệp vụ, các công cụ hạn mức tín dụng - một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát.

Năm 2023, NHNN đã nới rộng hạn mức tín dụng, tạo một thông điệp cho nền kinh tế rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. Vấn đề là điều kiện để tiếp cận nguồn vốn cần phải được xem xét, phân tích từ 2 phía cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Phó Thống đốc NHNN lưu ý rằng, vay tín dụng là vay có hoàn trả, không phải khoản cấp phát nên phải có những điều kiện tối thiểu để đảm bảo được an toàn cho khoản vay, an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Theo Phó Thống đốc, điều hành lãi suất là một trong những khó khăn lớn nhất trong điều hành lĩnh vực ngân hàng - tiền tệ. Từ tháng 2/2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 11 lần điều chỉnh lãi suất tăng, thậm chí hiện đang duy trì mức lãi suất là 5,5%, cao nhất trong lịch sử 40 năm qua của Mỹ. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cách đây một tuần tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023, lãi suất cho vay ở mức 4,5% - là mức cao nhất từ khi thành lập ngân hàng đến nay.

“Trong khi lãi suất cả thế giới tăng nhưng riêng ở Việt Nam, căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất”, Phó Thống đốc chia sẻ.

Tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

NHNN cũng tạo ra dư địa và thanh khoản cho thị trường và nền kinh tế, đặc biệt là thanh khoản cho các TCTD thông qua các nghiệp vụ và công cụ của mình để làm sao tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để cho vay lãi suất thấp hơn.

Phó Thống đốc cũng chia sẻ thêm, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung trong việc tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Năm 2023, NHNN cũng nới rộng, tạo thông điệp cho nền kinh tế: Tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, đại diện NHNN cho biết, NHNN tiếp tục duy trì chính sách với quan điểm điều hành như trên và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền tệ, tìm được điểm cân bằng của lãi suất và tỷ giá. Đến thời điểm hiện nay, tỷ giá chỉ mất giá so với đầu năm khoảng 1,8 - 2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9 - 10%, thậm chí như Nhật Bản đến 12%.

“Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, phải điều hành hết sức chặt chẽ, hợp lý và hài hòa trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất bình quân lợi nhuận của nền kinh tế, đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung cũng như từng ngân hàng thương mại nói riêng và rộng hơn nữa là đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Liên quan đến tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại, có chính sách giãn, hoãn những khoản nợ, khoản lãi đến hạn chưa trả được.

Bên cạnh đó, cắt bỏ những chi phí, những rào cản và những thủ tục về mặt phí cũng như các điều kiện tiếp cận vốn của các ngân hàng thương mại. NHNN cũng đã ban hành nhiều những văn bản để quy định tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho các ngân hàng thương mại trong cho vay, ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua và hiện nay.

NHNN tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, gói cho xây dựng nhà ở xã hội, tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu của lâm sản và thủy sản. Đồng thời, đã và đang tổ chức diễn đàn, hội nghị để kết nối doanh nghiệp và làm việc với các hiệp hội, đề nghị và phối hợp với chính quyền địa phương để cùng xử lý tháo gỡ, chia sẻ những khó khăn cho từng đối tượng doanh nghiệp và dự án.