Định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam

Phạm Thị Phương Thảo - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Khái niệm “kinh tế ban đêm” xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XX, tạo ra bước chuyển lớn cho các ngành du lịch, dịch vụ, giải trí, văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới phát triển. Không những vậy, kinh tế ban đêm có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung của nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Bài viết tổng hợp khái quát các vấn đề xoay quanh kinh tế ban đêm và cơ hội phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam.

Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Nguồn: Internet
Việt Nam đã hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Nguồn: Internet

Khái quát về kinh tế ban đêm

Khái niệm “kinh tế ban đêm”

Theo PGS. TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, kinh tế đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế. "Kinh tế ban đêm" được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra trong giai đoạn từ 18h hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm các dịch vụ về văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc...) vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Hiện nay, quan niệm kinh tế ban đêm tại nhiều quốc gia trên thế giới được hiểu theo các phạm vi khác nhau. Ví dụ, Chính quyền thành phố New York – Mỹ, đã xác định kinh tế ban đêm gồm 5 lĩnh vực chính, đó là: nghệ thuật; quán bar; dịch vụ ẩm thực; thể thao và giải trí. Có nghĩa là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế văn hóa diễn ra ban đêm, chủ yếu là các hoạt động và trải nghiệm mang tính giải trí. Một số quốc gia khác nhận diện kinh tế ban đêm theo nghĩa rộng hơn, đó là tất cả các hoạt động xã hội, văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian ban đêm. Đây là cách thức được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh tiếp cận. Tuy nhiên, chính quyền thành phố London chia kinh tế ban đêm thành 4 nhóm ngành cụ thể hơn, bao gồm: các hoạt động vui chơi giải trí và văn hóa ban đêm, các hoạt động hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí và văn hóa ban đêm, dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe 24 giờ, các hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh tế và xã hội mở rộng. Tại Australia, kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người vào ban đêm.

Vai trò của kinh tế ban đêm

- Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế các địa phương và quốc gia nói chung.

Vào trước giai đoạn Covid-19, nền kinh tế ban đêm mang lại 35,1 tỷ USD mỗi năm cho thành phố New York. Tại Vương quốc Anh, trung bình doanh thu hàng năm từ kinh tế ban đêm đạt 66 tỷ bảng và tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm. Tại Australia, quy mô doanh thu từ kinh tế ban đêm ở các khu đô thị lớn đạt tới 136 tỷ đô la Australia trong năm 2018, tương đương 5% quy mô kinh tế nước này. Deloitte Access Economics dự báo, nền kinh tế ban đêm của Sydney có thể tăng trưởng 60% lên 43 tỷ đô la Australia (26 tỷ euro) nếu thành phố “cải tạo và hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các hoạt động ban đêm hiệu quả hơn”. Như vậy, khai thác tốt tiềm năng kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách, đồng thời là đòn bẩy cho kinh tế địa phương.

- Giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội.

Tại New York, nền kinh tế ban đêm tạo ra khoảng 300.000 việc làm. Riêng tại London, nền kinh tế ban đêm chiếm 723.000 việc làm, với dự báo trước Covid sẽ có thêm 66.000 vị trí vào năm 2026. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương Quốc Anh, kinh tế ban đêm giải quyết nhu cầu việc làm cho số lượng lớn lao động phổ thông với trình độ thấp (bảo vệ, tạp vụ,…) (ngành này chiếm 45% số lượng lao động phổ thông cả nước Anh). Mặt khác, kinh tế ban đêm tạo cơ hội việc làm cho lao động nhập cư tại nhiều quốc gia. Trong giai đoạn 2021 – 2022, số lượng lao động nhập cư hoặc là người gốc nước ngoài trong các nhóm ngành kinh tế ban đêm tại Anh tăng 32,6% (khoảng 2 triệu người), trong nhóm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe 24 giờ có tỷ lệ tăng là 69,1% (tương đương 0,5 triệu người).

- Là công cụ quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

Các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí thuộc kinh tế ban đêm là công cụ thu hút khách du lịch hiệu quả tại nhiều quốc gia. Mô hình này không những thúc đẩy phát triển du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương mà xét trên góc độ văn hóa, kinh tế ban đêm có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa bản địa của địa phương, vùng miền. Mặt khác, các hoạt động vui chơi, giải trí thuộc kinh tế ban đêm tạo ra không gian cơ bản để tăng cường giao tiếp xã hội và phát triển ý thức bản thân, đặc biệt cho giới trẻ.

Thực trạng kinh tế ban đêm tại Việt Nam

Trên thực tế, tại Việt Nam, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn và có dụ lịch phát triển như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt… thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, quán bar, phòng trà, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng)… Từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch mở phố đi bộ và chợ đêm vào năm 2016, đến nay, Hà Nội đã tổ chức hơn 300 sự kiện văn hoá với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 8 tỉnh, thành trong cả nước và 17 quốc gia trên thế giới.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, hệ thống cửa hàng Circle K đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2008 và từ năm 2013 hoạt động theo mô hình 24/7.

Tuy có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm như hệ thống chính trị ổn định, an toàn, chỉ số an ninh con người ngày càng được cải thiện, kinh tế ban đêm tại Việt Nam phát triển còn chậm và đơn điệu, chưa phát triển được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy thiếu hấp dẫn vì đến Việt Nam không có nhiều lựa chọn để vui chơi, thư giãn về đêm. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực, chưa tạo được dấu ấn.

Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam

Việt Nam hiện nay có đủ các điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm theo hướng phát triển du lịch địa phương do sở hữu nền văn hóa đa dạng các vùng miền với nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Nhận thức được những thuận lợi này, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Mục tiêu tổng quát là “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.”

Quan điểm trong phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam được thể hiện qua các mặt cơ bản sau:

(i) Phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên cơ sở tôn trọng và hài hòa cả cung và cầu trên thị trường, không áp đặt tư duy chủ quan của cơ quan quản lý. Đẩy nhanh thí điểm hướng đến nền kinh tế 24h đối với những thành phố/đô thị có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương, doanh nghiệp và người dân về kinh tế ban đêm, trên cơ sở đó thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

(ii) Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức quản lý xã hội trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế để mạnh dạn ưu tiên cho các hoạt động kinh tế ban đêm phát triển thuận lợi và dựa trên nguyên tắc thị trường, đồng thời xử lý hiệu quả các rủi ro, hệ lụy tiêu cực từ hoạt động kinh tế ban đêm.

(iii) Chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm phải đảm bảo cân đối hài hòa và liền mạch với các hoạt động kinh tế diễn ra vào ban ngày tại từng địa phương.

(iv) Không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sau 10 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Phải đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển cẩn thận, đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp.

Từ Đề án năm 2020, Việt Nam đã thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, Đề án đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, bao gồm:

- Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm: nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước, nhận thức và vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai, phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội theo hướng lành mạnh, tích cực với các hoạt động kinh tế ban đêm thông qua tăng cường truyền thông đa phương tiện.

- Nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, bao gồm các quy định về giấy phép hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm, tiêu chuẩn và thời gian hoạt động… Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế thu thập thông tin người dân và du khách nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát rủi ro, trên cơ sở nhất quán với các quy định hiện hành về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, đồng thời thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch đảm bảo yếu tố an toàn trong không gian kinh tế ban đêm…

Bên cạnh đó là nhóm các giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm: Nhóm các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm; tăng cường năng lực thông tin, thống kê thường kỳ và tổng hợp số liệu, dữ liệu về các hoạt động kinh tế ban đêm; xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua hỗ trợ các nguồn lực phù hợp và linh hoạt…

Đề xuất hướng triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam

Phát triển kinh tế ban đêm có thể được triển khai theo hướng sau:

Một là, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế ban đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.

Hai là, cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm.

Ba là, xây dựng khung pháp lý cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế đêm.

Bốn là, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại các địa phương, mở rộng cơ hội trải nghiệm vào các hoạt động cho du khách.

Năm là, xây dựng chính sách kéo dài ngày lưu trú cho khách du lịch nước ngoài, phát triển các hoạt động, dịch vụ giá trị cao nhằm thúc đẩy nhu cầu chi tiêu của du khách.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;
  2. Lê Anh, Hội thảo khoa học: Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, 2022;
  3. Tuệ Mỹ, Phát triển kinh tế ban đêm để phục hồi du lịch, https://vneconomy.vn/phat-trien-kinh-te-ban-dem-de-phuc-hoi-du-lich.htm;
  4. Tô Hà (2021). "Thắp sáng" kinh tế ban đêm, truy cập từ https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605;
  5. The night-time economy, UK: 2022, Office for National Statistics.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2023