Đón xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe

Theo N.Dương/dangcongsan.vn

Ngày 25/10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo "Đón đầu xu hướng bất động sản (BĐS) chăm sóc sức khỏe” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức nhằm nhận diện các thách thức, rào cản, đề xuất các giải pháp phát triển dòng sản phẩm này, qua đó nâng cao giá trị ngành du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.
 TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến lối sống, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, kéo theo sự thay đổi xu hướng BĐS và du lịch. Trong đó dòng sản phẩm BĐS chăm sóc sức khỏe đang được chú ý nhiều hơn, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy mạnh về các dự án du lịch chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng.

Theo số liệu của tổ chức Global Wellness Institute (GWI), lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng lên 816,5 tỷ USD năm 2022 và lên đến 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20,9%/năm.

Tại Việt Nam, thị trường BĐS - du lịch chăm sóc sức khỏe có nhiều lợi thế; bờ biển dài, nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, cùng với nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng... thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch.

Theo các chuyên gia, BĐS du lịch chăm sóc sức khỏe là khái niệm mới tại Việt Nam, chưa được định hướng rõ ràng, các tiêu chí - tiêu chuẩn chưa cụ thể, chưa có định hướng chính sách phát triển tổng thể từ quy hoạch đất đai, cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư, hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn xác nhận..., cho đến cơ chế liên kết - phối hợp giữa ngành du lịch và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ - y tế - thể thao...; nút thắt về nguồn vốn cho đầu tư phát triển BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe; chất lượng đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe còn hạn chế về nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ phục vụ...

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Nguồn vốn này ở Việt Nam đến chủ yếu từ tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp; ngoài ra còn có các kênh cổ phiếu, FDI, quỹ đầu tư, M&A, vốn tự có của doanh nghiệp... thị trường BĐS (BĐS) nước ta đang hình thành xu hướng đầu tư vào BĐS chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, vốn cho BĐS nói chung và BĐS chăm sóc sức khỏe nói riêng, không nên dựa vào vốn ngân hàng nhiều. Mỗi năm lĩnh vực BĐS cần 700.000-1.000.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân hàng chiếm 24%, với 2/3 chủ yếu là cho vay để sửa nhà, còn 1/3 là cho vay đầu tư kinh doanh BĐS.

Để phát triển lĩnh vực này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Các cấp, ngành hữu quan cần sớm hoàn thiện quy hoạch đất đai BĐS nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe...; sớm xem xét, chỉ đạo xây dựng hướng dẫn, khung pháp lý quản lý và phát triển các mô hình quỹ đầu tư BĐS, đầu tư trên nền tảng số, gọi vốn cộng đồng.

Doanh nghiệp BĐS cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng vốn; tăng cường tái cơ cấu, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, chú trọng quản lý rủi ro tài chính, dòng tiền, lãi suất và tỷ giá; cần tập trung xây dựng các dự án BĐS chăm sóc sức khỏe với sản phẩm độc đáo, phù hợp, với phương án huy động vốn, sử dụng vốn khả thi, hiệu quả với chất lượng dịch vụ tốt, được quản lý bởi thương hiệu có danh tiếng.

 Quang cảnh Hội thảo.
 Quang cảnh Hội thảo.

Liên quan đến vấn đề vốn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Đối với BĐS, đặc biệt BĐS chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng có tiềm năng lớn.

Theo ông Tuấn, trong 9 tháng đầu năm 2022, xu hướng đầu tư BĐS của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục thể hiện qua quy mô bình quân dự án đạt 64 triệu USD, cao hơn năm 2018 (là 54 triệu USD). Cục Đầu tư nước ngoài đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thời gian qua, thu hút thị trường BĐS đứng thứ 2 và chiếm tỷ lệ 18,5% trong tổng số vốn đầu tư. Có 43 quốc gia đầu tư lĩnh vực BĐS, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, BĐS chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Để thu hút dòng vốn này, Việt Nam cần tạo thuận lợi, niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền bảo vệ các dự án đầu tư, cải cách thủ tục hành chính...

Về định hướng, quản lý BĐS trong thời gian tới, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá: “Đối với lĩnh vực BĐS sức khỏe hội thảo đề cập, chúng ta cần tập trung và có giải pháp cho nguồn vốn thu hút đầu tư”.

Theo Ban tổ chức, Tổng cục Du lịch đang xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “Du lịch và các dịch vụ có liên quan - Spa chăm sóc sức khỏe - Yêu cầu đối với dịch vụ” (chấp nhận tương đương ISO 17679:2016), dự kiến công bố năm 2023, sẽ là tài liệu hướng dẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ spa chăm sóc sức khỏe cho du khách.

Tiềm năng phát triển BĐS nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở nước ta thuận lợi với  bờ biển dài, nhiều bãi tắm biển đẹp và thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng; có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, trong đó đã nghiên cứu và phân tích 287 nguồn nước có tác dụng chữa bệnh và khai thác nước uống đóng chai; khoảng 3.850 loài cây thực vật dược liệu và 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Ngoài ra, có nhiều di tích lịch sử, chùa, tịnh xá, hệ thống thiền viện có thể khai thác, phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng.