Động lực chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản

Hà Anh

Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn diện để chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn; đồng thời có động lực chuyển sang loại hình kinh tế này...

Nhật Bản hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.
Nhật Bản hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.

Thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn diện

Theo TS. Đinh Khánh Lê - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để chuyển đổi sang một xã hội phát triển dựa trên tái chế, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn diện.

Quốc gia này đã ban hành Luật Cơ bản thiết lập xã hội dựa trên tái chế đầu tiên có hiệu lực vào năm 2002. Theo đó, Luật này xác định các mục tiêu định lượng trên phạm vi toàn quốc về tái chế và phi vật liệu hóa trong dài hạn.

Áp dụng chính sách trên, tỷ lệ tái chế kim loại tại Nhật Bản đạt mức 98% vào năm 2010. Trong khi đó, năm 2007, chỉ 5% chất thải tại nước này được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển khác (con số này tại Anh là 48% vào năm 2008).

Bên cạnh chính sách trên, Chính phủ Nhật Bản còn ban hành Luật Tái chế quy định tỷ lệ tái chế đối với các thiết bị điện gia dụng, do đó phần lớn các sản phẩm điện tử được tái chế, cao hơn so với mức 30 - 40% ở châu Âu. Trong số các thiết bị này, khoảng 74%-89% vật liệu được thu hồi, nhiều vật liệu được trả lại cho nhà sản xuất cùng loại sản phẩm.

Nhìn chung, các chính sách trên là cơ sở pháp lý quan trọng để Nhật Bản thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển kinh tế xanh theo hướng an toàn, bền vững.

Động lực chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn

Cùng với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Nhật Bản còn có các động lực để chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn. Từ năm 1991, nước này bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn do các yếu tố tạo động lực sau:

- Mật độ dân số cao và diện tích đất hạn chế, điều này buộc Chính phủ Nhật Bản phải tìm giải pháp thay thế cho các bãi chôn lấp có từ những năm 1950. Cùng với đó, việc đốt rác cũng bị hạn chế từ những năm 1990, do lo ngại về dioxin có thể ảnh hưởng tới hooc môn, làm hỏng hệ thống miễn dịch, gây ra các vấn đề về sức khỏe sinh sản và gia tăng tỷ lệ ung thư.

- Khan hiếm tài nguyên khoáng sản và kim loại - đây là động lực tạo cơ hội phát triển các ngành công nghiệp tái sản xuất và tái chế.

- Văn hóa kinh doanh Nhật Bản nhấn mạnh sự hợp tác đưa lại cách tiếp cận toàn diện đối với kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở nước này được đo lường thông qua các tiêu chí: Sử dụng chỉ số năng suất tài nguyên đo lường tỷ trọng sử dụng nguyên vật liệu trong GDP; Chỉ tiêu cho tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu theo chu kỳ trong nền kinh tế, được đo bằng tỷ trọng nguyên vật liệu được tái sử dụng trong tổng số nguyên vật liệu sử dụng của nền kinh tế; Chỉ số đầu ra, đo lường lượng chất thải được chôn lấp trong các bãi chôn lấp. Các chỉ số trên phù hợp với các mục tiêu cụ thể.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, cộng đồng dân cư nước này đóng vai trò quan trọng, quyết định đến tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động hàng ngày của họ như phân loại rác có thể tái chế hoặc trả phí tái chế. Các nhà sản xuất hoàn thành nghĩa vụ của mình bằng cách sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn và sản xuất các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn, dễ sửa chữa và tái chế hơn.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với thực tế

Để “vận hành” nền kinh tế tuần hoàn theo chu kỳ khép kín, Nhật Bản đã hình thành hệ thống thu gom các thiết bị cũ để tái chế; cơ sở hạ tầng phục vụ tái chế.

Đối với hệ thống thu gom các thiết bị cũ để tái chế, ở nước này, các thiết bị cũ được nhà bán lẻ thu gom tạ cửa hàng hoặc khi giao một thiết bị mới. Còn các thiết bị công nghệ thông tin cũ, chính quyền địa phương có thể yêu cầu thu gom ngay tại nhà hoặc có thể đưa đến bất kỳ bưu điện nào để trả lại cho nhà sản xuất. Qua thực tế triển khai giải pháp này đã thay đổi nhận thức của người dân về kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, việc triển khai nền kinh tế ở nước này dễ được áp dụng trên thực tiễn.

Bên cạnh đó, nước này cũng có quy định người tiêu dùng phải trả phí trước cho đồ điện tử tại thời điểm mua, gồm cả chi phí vận chuyển và thu hồi.

Đối với cơ sở hạ tầng phục vụ tái chế là đồng sở hữu do luật yêu cầu các nhà máy sản xuất phải điều hành đồng thời các nhà máy tháo lắp để đảm bảo lợi ích của họ từ việc thu hồi vật liệu và các bộ phận. Do đó, các công ty đã có chiến lược đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng tái chế. Bởi vì, các công ty sở hữu cả cơ sở sản xuất và phục hồi, họ có thể gửi các thiết kế sản phẩm đến các nhà máy tháo lắp để trải nghiệm mức độ hiệu quả khi tháo rời một sản phẩm được thiết kế kém, hoặc kiểm tra khả năng tái chế, phục hồi của sản phẩm khi tháo rời.

Như vậy, từ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản cho thấy, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế tuần hoàn và có lộ trình cụ thể cho phát triển mô hình kinh tế này đối với từng vùng, miền, các ngành, lĩnh vực hướng tới một nền kinh tế không chất thải. Đồng thời, huy động sự tham gia của toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường, “nói không” với rác thải ngoài cộng đồng.

Cùng với các giải pháp này, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý rõ ràng về phát triển kinh tế tuần hoàn để nhanh chóng đưa chính sách áp dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống.