Động lực tăng trưởng tín dụng quý IV/2023 vẫn yếu

Tuấn Thủy

Sau tín hiệu khởi sắc trong quý III/2023, tăng trưởng tín dụng có xu hướng chững lại, quay đầu giảm từ tháng 10/2023 do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, trong khi nợ xấu tăng cao.

Theo VDSC, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2023 là khá xa vời
Theo VDSC, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2023 là khá xa vời

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ nền kinh tế.

Trước đó, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm ngày 29/9 là 6,92%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2023 (tính tới ngày 24/10) đã quay đầu giảm 0,11%.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), động lực tăng trưởng tín dụng đầu quý IV/2023 vẫn tương đối yếu. Diễn biến trên cho thấy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2023 là không khả thi và theo đó, VDSC dự phóng về tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 12%.

Trong kỳ họp mới đây, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là trên 15%, VDSC cho rằng, đây là một mục tiêu khá tham vọng và thiếu cân đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức 6-6,5% trong năm sau.

Một diễn biến đáng chú ý khác là tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 7/2023 là 3,56% (tương đương 443,8 nghìn tỷ đồng), tăng so với mức 2% đầu năm. Nếu loại trừ 5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt (SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank) thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng còn lại là 1,92%. Như vậy, nợ xấu của nhóm 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt chiếm gần một nửa tổng quy mô nợ xấu của toàn hệ thống (khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng).

Theo số liệu của NHNN, nợ xấu của lĩnh vực bất động sản là 2,58% tại thời điểm tháng 7/2023 (khoảng 65,7 nghìn tỷ đồng), cao hơn mức 1,8% ghi nhận vào tháng 7/2022. Đồng thời, tổng giá trị gốc và lãi được cơ cấu về thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tính đến cuối tháng 9/2023 là 140,7 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 8/2023.

Nợ xấu nội bảng tính thêm các khoản nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống (gồm khoản vay được giữ nguyên nhóm nợ, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, khoản thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái…) tương đương 6,16% dư nợ tín dụng, tương ứng 767,9 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức mức 4,21% vào cuối năm ngoái và 5,46% tại thời điểm cuối tháng 5/2023. Như vậy, quy mô nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã tăng thêm khoảng 265,9 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2023.

Số liệu không chính thức tại kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã tăng lên mức 8% tổng quy mô tín dụng của toàn nền kinh tế tại thời điểm cuối tháng 8/2023 (~1 triệu tỷ đồng), đây cũng là mức cao nhất của tỷ lệ này kể từ năm 2016 đến nay.

Tính đến cuối tháng 8/2023, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đã thực hiện được khoảng 781 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,95% tổng quy mô chính sách. Dự kiến, đến hết năm 2023, gói hỗ trợ này chỉ đạt khoảng 1.408 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng quy mô chính sách. Theo đó, đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện (ngày 31/12/2023), tương đương 38,6 nghìn tỷ đồng sẽ trình Quốc hội huỷ dự toán.

Một thực tế khác là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội chỉ mới giải ngân được 83,1 tỷ đồng trên tổng nhu cầu vay vốn là 1.095 tỷ đồng cho 3 công ty có dự án ở khu vực phía Bắc.