Dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm

Anh Minh

Bộ Tài chính dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 dự báo tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, CPI bình quân dự báo tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 dự báo tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản này, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Các yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng trong tháng 1 và tháng 2, do trùng với thời điểm tháng cuối năm và tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 24/4.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 24/4.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho CPI 2 tháng đầu năm tăng. Tháng 3, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân giảm sau Tết.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm theo quy luật sau Tết. Tháng 4, giá các mặt hàng cơ bản ổn định so với tháng trước do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của người dân không cao.

Một số mặt hàng thiết yếu có biến động về giá như: Giá thóc gạo tại miền Nam có xu hướng tăng; giá thịt lợn hơi tăng nhẹ do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; giá LPG giảm, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên, công tác điều hành giá quý I/2024 được điều hành chủ động, linh hoạt, nhịp nhàng, CPI nằm trong kịch bản điều hành.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI một số tháng đầu năm 2024 so với tháng trước: Tháng 1 tăng 0,31%, tháng 2 tăng 1,04%; tháng 3 giảm 0,23%. Bình quân quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Về lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của lạm phát tổng thể bình quân (tăng 3,77%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024, Bộ Tài chính cho biết: Giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm trong khoảng 80 - 90 USD/thùng.

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi. Giá lúa gạo có thể sớm ổn định và tăng trở lại khi các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Tài chính, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ giá giữa VND/USD tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024, Bộ Tài chính dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp.

Theo đó, ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Bộ Tài chính giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5%.

Theo Bộ Tài chính, trong quý II/2024, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá, như: Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng cùng với việc có kỳ nghỉ lễ dài ngày nên theo quy luật hàng năm giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ cá nhân... có thể tăng.

Giá một số nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng tăng do vào mùa xây dựng hoặc do chi phí đầu vào tăng. Nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao hơn làm tăng hóa đơn chi trả theo bảng giá lũy tiến…

Kiến nghị biện pháp quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Không để bị động trong quản lý, điều hành giá

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, công tác quản lý, điều hành giá trong quý I/2024 tuy gặp nhiều áp lực, tiếp tục chịu nhiều thách thức do những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều đan xen từ bối cảnh thế giới và khu vực nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Định hướng công tác quản lý, điều hành giá trong quý II và những tháng còn lại của năm 2024 áp lực rất lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế, qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Trên cơ sở kịch bản điều hành giá, các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có quyền số cao trong CPI.

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Ngoài các nội dung trên, các bộ ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến pháp luật về giá, để triển khai, hướng dẫn Luật Giá đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá...

 

Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Đồng thời, phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.