Dư nợ cho vay hợp tác xã 2 tháng đầu năm đạt hơn 6.000 tỷ đồng

Tuấn Thủy

Đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay đối với gần 1.200 hợp tác xã (HTX), Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) đạt 6.043 tỷ đồng, giảm 1,68% so với cuối năm 2023.

Toàn cảnh Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.
Toàn cảnh Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Ngày 23/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham sự hơn 2.400 đại biểu.

Hội thảo do ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và bà Cao Xuân Thu Vân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố, HTX, tổ chức tín dụng.

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, LHHTX đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,68% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX. Trong đó, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) đối với HTX, LHHTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có TSBĐ trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với ngày 31/12/2023. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân đã nêu rõ những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, do đó cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo.

Về phía Ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia tiếp tục đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; Phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.