Giải mã dòng tiền đầu tư đổ vào các đô thị trung tâm mới

Theo HC/vnbusiness.vn

Cơ sở hạ tầng đầy đủ, dự án đã được hoàn thiện có cư dân dọn về ở là những yếu tố thúc đẩy những đợt tăng giá mạnh và kỳ vọng sinh lời tại những đô thị nằm ở vùng trung tâm mới.

  TP.Thủ Đức “đô thị mới” đang đổi thay từng ngày. Nguồn: Báo dân sinh
TP.Thủ Đức “đô thị mới” đang đổi thay từng ngày. Nguồn: Báo dân sinh

Những “cực đô thị” lột xác vùng đất

Hơn 20 năm trước, những người lạc quan nhất cũng không nghĩ Phú Mỹ Hưng có thể trở thành một “cực đô thị” hoàn chỉnh, khang trang như hiện nay. Sở dĩ nói vậy bởi trước năm 1996, khu vực này vốn là vùng đầm lầy rộng kéo từ huyện Nhà Bè sang một phần quận 8 và huyện Bình Chánh. Sự xuất hiện của khu đô thị Phú Mỹ Hưng bắt đầu bằng việc xây dựng Đại lộ Nguyễn Văn Linh chạy “xuyên tâm” toàn bộ khu đầm lầy dài 18km, với 10 làn xe, tuyến đường này chính là “xương sống” để những toà chung cư, nhà cửa, phố xá mọc lên.

Trải qua nhiều năm, Phú Mỹ Hưng đã có diện mạo khác với nền hạ tầng đô thị đầy đủ, nguồn cư dân đông đúc được tiếp sức bởi hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức tín dụng, dịch vụ…

Tương tự, một kiểu “đô thị mẫu” không thể không nhắc tới Thảo Điền (quận 2), vốn nổi tiếng là vùng trũng, quanh năm cây hoang cỏ dại mọc. Giai đoạn 2011, Thảo Điền được đầu tư mạnh mẽ hạ tầng giao thông, sự đổ bộ của của các doanh nghiệp ngoại, kéo theo chuỗi trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại cao cấp để phục vụ nhu cầu tất yếu. Đến nay, Thảo Điền trở thành vùng đất sầm uất và thiết lập mặt bằng giá trị khác biệt.

Còn ở cửa ngõ phía Đông TP. Hồ Chí Minh, TP. Thủ Đức với hạ tầng phát triển, mạng lưới giao thông kết nối các tuyến Long Phước, đường Vành đai 3, VinBus, cao tốc Long Thành – Dầu Giây góp phần kích thích tăng trưởng đô thị tại đây. Sự xuất hiện của các dự án khu đô thị lớn, quy hoạch đồng bộ, đa dạng các tiện ích nâng tầm cuộc sống cho cư dân đã đẩy lùi những ao hồ mênh mông, đường xá lộn xộn tại khu Q.9 cũ, thay vào đó là một mô hình đô thị được quy hoạch chuẩn chỉnh.

Hình thành đô thị bền vững

Theo các chuyên gia, các đô thị vệ tinh hay “cực đô thị” muốn đảm bảo tính bền vững thì khả năng “tạo thị” đóng vai trò tiên quyết, tức là kéo được người dân tới sinh sống, an cư sầm uất, nhà đầu tư tới làm ăn lâu dài.

Để làm được điều này, tính “kết nối” là yếu tố tiên quyết, thông qua hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện, giúp người dân di chuyển dễ dàng, suôn sẻ. Đơn cử như TP. Thủ Đức có thể tới trung tâm quận 1, quận 3 qua metro, đại lộ Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội hay liên tỉnh bằng Vành đai 3, cao tốc, quốc lộ 1A… Kết nối giao thông đặc biệt quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng.

Bên cạnh đó, giữa các đô thị này cần có “vùng đệm” là các vành đai xanh để cân bằng, điều hoà môi trường sống. Để thu hút cư dân tới các đô thị này, hàng loạt chính sách về hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại,... cũng được xây dựng đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo động lực phát triển.

Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực để quản lý cơ sở hạ tầng đô thị và giáo dục nâng cao văn hóa đô thị của người dân, bảo đảm sự phát triển tổng thể một cách hài hòa cũng là vấn đề then chốt để nâng cấp mặt bằng văn minh đô thị, kéo các khối cư dân chất lượng cao, chuyên gia nước ngoài tới.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quy hoạch vùng và quản lý đô thị là vấn đề cần thiết để có thể mang đến cho cả khu vực không gian phát triển tốt và bền vững, đáp ứng nhu cầu về việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế... của các tầng lớp dân cư khác nhau. Từ đó, nhiều nhà đầu tư sẽ đổ về đây, là nền tảng để lấp đầy các cao ốc văn phòng, nhà ở một cách lâu dài.