Hoàn thiện Danh mục các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Luật Giá 2012 với việc quy định Danh mục các mặt hàng do Nhà nước quản lý, điều hành giá cơ bản là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài danh mục hiện được quy định tại Luật Giá 2012 thì một số luật chuyên ngành đã quy định thêm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Luật Giá (sửa đổi) hướng đến mục tiêu tiếp tục hoàn thiện tiêu chí xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đồng thời quy định thống nhất Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Danh mục các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá và các vấn đề đặt ra

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy, đổi mới cơ chế quản lý, điều tiết giá theo thị trường. Tổ chức, các nhân kinh doanh được quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; Nhưng không vì thế mà buông lỏng những “khuyết tật” của thị trường gây thiệt hại cho nền kinh tế. Tại Luật Giá 2012 đã thể hiện rõ biện pháp định giá nhà nước là một trong các nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về giá cũng như xác định rõ phạm vi định giá của Nhà nước tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Trên cơ sở đó, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được gắn với các tiêu chí để xác định nhằm bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai, thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước; Nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành nhằm khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phạm vi các hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá đã được giới hạn chỉ còn số ít các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội hoặc có tính độc quyền là hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng và hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Việc triển khai nhiệm vụ định giá nhà nước đối với danh mục hàng hóa quy định tại Luật này và các văn bản hướng dẫn là phù hợp với thực tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong thời gian qua.

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian qua cho thấy, việc xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phải hướng đến việc thực hiện mục tiêu kép là vừa phải củng cố và đồng thời vừa có những đổi mới, những yếu tố để thực hiện theo xu hướng kinh tế thị trường. Cơ chế quản lý điều tiết giá đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chung và đang từng bước được hoàn thiện qua từng giai đoạn. Cơ chế điều tiết giá của Nhà nước thông qua biện pháp định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu là một trong những nội dung căn bản được quy định tại Luật Giá 2012. Giá cả là phạm trù kinh tế tổng hợp có tác động ảnh hướng đến mục tiêu kinh tế vĩ mô, vì vậy việc có quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là một tất yếu khách quan. Nhà nước có cơ chế điều tiết một số hàng hóa, dịch vụ này để nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ngoài danh mục hiện được quy định tại Luật Giá 2012 thì một số Luật chuyên ngành đã quy định thêm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Cụ thể như sau:

Thời gian qua, tại một số luật chuyên ngành cũng có quy định về hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Trên cơ sở rà soát đánh giá cho thấy, việc các luật chuyên ngành có quy định về hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực do Nhà nước định giá là xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn nhưng đã dẫn đến trùng lặp, chồng chéo và dẫn đến hạn chế trong việc kiểm soát, theo dõi, tổng hợp tập trung. Theo quy định tại Luật Giá 2012 và trong trường hợp này thì các bộ quản lý ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn hiện nay, tại các luật chuyên ngành đã được Quốc hội ban hành có những mặt hàng do tính chất cần thiết nên đã được Quốc hội bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Các mặt hàng này chủ yếu thuộc diện có yếu tố độc quyền thị trường sản xuất, kinh doanh có tác động ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội hoặc các mặt hàng đặc thù độc quyền địa bàn, có thị trường hạn chế hoặc có vị thế thống lĩnh thị trường (như: Dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo; dịch vụ lai dắt; dịch vụ hoa tiêu và dịch vụ bốc dỡ container; Dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô... và một số dịch vụ khác hiện nay thuộc diện độc quyền thị trường, độc quyền địa bàn, không phải do nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh song vẫn thuộc danh mục định giá). Tuy nhiên, việc có quy định trùng lặp, bổ sung thêm hàng hóa, dịch vụ tại các luật chuyên ngành đã dẫn đến hạn chế cho việc kiểm soát, theo dõi, tổng hợp tập trung.

Luật Giá (sửa đổi) và việc hoàn thiện Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Luật Giá (sửa đổi) hướng đến mục tiêu tiếp tục hoàn thiện về tiêu chí xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; đồng thời quy định thống nhất Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Từ thực trạng trên cho thấy, cần thiết phải bổ sung thêm nguyên tắc để xác định các hàng hóa, danh mục thuộc diện định giá nhà nước tại Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp phát sinh khác. Xuất phát từ phương diện lý luận và thực tiễn triển khai thực hiện Luật hiện hành cho thấy Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là một trong những nội dung quan trọng cần phải củng cố, hoàn thiện trên các phương diện. Cụ thể là:

Thứ nhất, rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí xác định danh mục. Trên có sở đó, ngoài các tiêu chí kế thừa tại Luật Giá 2012 là: (i) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thương mại và các Luật khác; (ii) Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên; (iii) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã bổ sung tiêu chí: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”. Việc bổ sung tiêu chí là yêu cầu khách quan từ thực tiễn, qua đó để đảm bảo phù hợp với các hàng hóa, dịch vụ đã được bổ sung vào danh mục tại các Luật chuyên ngành cũng như phù hợp với bản chất biện pháp định giá là gắn với tính độc quyền trong mua, bán và cần sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng hoặc lợi ích chung của xã hội.

Thứ hai, về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trong quá trình xây dựng Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến đặt ra vấn đề nên giao Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục nhằm tạo sự linh hoạt, chỉ đạo trong điều hành. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế cho thấy, việc quy định giao Chính phủ sẽ khó đảm bảo tính pháp lý trong thực tiễn và nguyên tắc áp dụng pháp luật (ưu tiên văn bản Luật có giá trị pháp lý cao hơn). Do vậy, việc tiếp tục kế thừa Luật Giá 2012 để quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá (sửa đổi) và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh danh mục sẽ phù hợp hơn.

Đến nay, qua các lần trao đổi, thảo luận, cho ý kiến thì các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc tiếp tục quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật. Tại dự thảo Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm 42 nhóm hàng hóa, dịch vụ và gắn với thẩm quyền, hình thức định giá để đảm bảo thuận lợi cho công tác tổ chức triển khai, thực hiện, thống nhất trong các quy định tại Luật Giá (sửa đổi) và các Luật chuyên ngành. Trong đó, đã bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong công tác quản lý như:

- Sách giáo khoa: Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

- Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh: Mặt hàng này do Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào Danh mục vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại Luật.

Đồng thời, Dự thảo Luật tiếp tục đề xuất đưa ra khỏi Danh mục đối với một số hàng hóa, dịch vụ để thực hiện theo cơ chế thị trường như: (1) Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; (2) Một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP; (3) Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); (4) Thuốc lá điếu sản xuất trong nước; (5) Dịch vụ quy hoạch; (6) Cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng...

Thứ ba, về thẩm quyền điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật hiện nay được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để củng cố các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá phù hợp với các nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định rõ hơn về quy trình triển khai trong các trường hợp cần bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để đảm bảo sự thống nhất. Theo đó, trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, tại Điều 3 dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng bổ sung nguyên tắc áp dụng Luật Giá với luật hiện hành, theo đó, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành có quy định bổ sung thêm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì phải đánh giá tác động chính sách; hàng hóa, dịch vụ đó phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại Luật Giá; đồng thời quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm định giá, hình thức định giá của hàng hóa, dịch vụ đó, xác định cụ thể nội dung về căn cứ, phương pháp định giá, việc ban hành văn bản định giá thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định tại Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của Luật khác đó. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng các Luật khác trực tiếp quy định thêm hàng hóa, dịch vụ mà không đảm bảo các “nguyên tắc gốc” đã được đề cập tại Luật Giá (sửa đổi).

Thứ tư, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã bỏ cấp định giá Chính phủ và quy định rõ về nguyên tắc xác định thẩm quyền định giá của Thủ tướng Chính phủ, cấp Bộ và cấp Ủy ban nhân dân tỉnh.

Như vậy, Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện; việc quy định như trên cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định giá đối với một số mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng mà khi điều chỉnh giá cần xem xét toàn diện đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, đời sống người dân. Trên cơ sở đó, thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp Ủy ban nhân dân tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý; việc phân công, phân cấp như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Tựu chung, danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã có những điều chỉnh nhất định để đảm bảo mục tiêu thực thi đúng, hiệu quả nguyên tắc xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật là tính thống nhất, đồng bộ; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ những phát sinh hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật chuyên ngành khi chưa thật sự cần thiết. Đảm bảo tính linh hoạt trong công tác quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ, đáp ứng được yêu cầu quản lý nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Giá số 11/2012/QH13;
  2. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tháng 4/2023;
  3. Báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá;
  4. Báo cáo đánh giá tác động chính sách tại Luật Giá (sửa đổi);
  5. Báo cáo tổng hợp ý kiến các Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2023