Hoàn thiện hành lang pháp lý về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường

Đinh Văn Linh- Khoa Luật, Học viện Ngân hàng

Nghiên cứu này nhằm hai mục tiêu chính, bao gồm: Xác định các vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam; Đề xuất các giải pháp khắc phục những vướng mắc nhằm hoàn thiện pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hành lang pháp lý về ưu đãi thuế cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Từ thực tế này đòi hỏi phải hoàn thiện hành lang pháp lý về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đề ra 04 mục tiêu, bao gồm: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Chiến lược cũng đề ra giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trên, trong đó, trọng tâm là các giải pháp về tài chính: “Xây dựng, hoàn thiện công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.”

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT), từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Cùng với đó, sự tác động của ưu đãi về thuế TNDN làm tăng tích lũy vốn để tái đầu tư cho hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính... Do vậy, nếu ưu đãi về thuế không đủ lớn sẽ không khuyến khích được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vốn tích luỹ để tái đầu tư cho BVMT. Ngược lại, nếu ưu đãi đủ lớn thì các tổ chức, doanh nghiệp sẽ đầu tư mua sắm thiết bị, chuyển đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất theo hướng xanh, từ đó giảm ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu này xác định các vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về ưu đãi thuế, TNDN cho BVMT ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Những vướng mắc trong thực tiễn triển khai

Thứ nhất, quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN chưa quy định rõ là dự án mới hay dự án cải tạo.

Khoản 1 Điều 141 Luật BVMT năm 2020 quy định: “Nhà nước Việt Nam thực hiện ưu đãi…miễn, giảm thuế… đối với hoạt động BVMT”. Ưu đãi này dành cho hai nhóm hoạt động: Nhóm 1: Các hoạt động đầu tư kinh doanh về BVMT (quy định tại Khoản 1 và 2 Phụ lục XXX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT); Nhóm 2: Các hoạt động BVMT không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh (quy định tại Khoản 3 Phụ lục XXX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).

Với quy định trên, nhóm 1 được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN. Theo đó, Khoản 2 Điều 141 Luật BVMT 2020 và Điều 134 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP chỉ quy định: “Ưu đãi về thuế TNDN: thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục hoạt động BVMT được ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Phụ lục XXX ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN”. Các dự án đầu tư thuộc Danh mục hoạt động BVMT quy định tại Phụ lục XXX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, bao gồm:

Một là, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, gồm: (a) Xử lý và tiêu hủy chất thải rắn (rác thải); (b) Thu gom chất thải rắn (rác thải); (c) Thu gom, xử lý nước thải; (d) Tái chế hoặc tái sử dụng chất thải.

Hai là, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về BVMT gồm: (a) Cung cấp công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, công nghệ tiết kiệm năng lượng được đánh giá hoặc thẩm định hoặc có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; (b) Cung cấp dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt, đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dịch vụ quan trắc môi trường xung quanh; (c) Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thiết bị quan trắc môi trường; (d) Sản xuất, cung cấp thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam; (đ) Sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải đáp ứng các quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; (e) Sản xuất phương tiện giao thông công cộng, trừ phương tiện giao thông công cộng sử dụng dầu, sản xuất phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải, dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo.

Vấn đề đặt ra là những quy định trên chỉ liệt kê các hoạt động (dự án) đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế TNDN chứ không quy định cụ thể rằng các dự án đầu tư này là dự án đầu tư mới hay dự án đầu tư cải tạo.

Theo đó, có hai chủ thể sẽ gặp khó khăn khi áp dụng quy định này là: (1) Chủ dự án đầu tư kinh doanh cho BVMT sẽ không thể tự xác định được dự án của họ có thuộc trường hợp được ưu đãi về thuế TNDN hay không, điều này gây ra lãng phí về cơ hội, từ đó không khuyến khích được hoạt động BVMT và hậu quả là chính sách ưu đãi của Nhà nước không thể thực hiện mục tiêu dự kiến; (2) Cơ quan thuế sẽ gặp khó khăn khi không thể xác định được dự án nào là dự án được cho hưởng ưu đãi về thuế.

Thứ hai, quy định về ưu đãi thuế suất chưa thống nhất.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 141 Luật BVMT quy định: “Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động BVMT; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động BVMT theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế có 2 hình thức ưu đãi thuế TNDN nói chung mà Nhà nước áp dụng là ưu đãi trực tiếp và ưu đãi gián tiếp. Trong đó, ưu đãi về thuế suất là ưu đãi trực tiếp, tức là doanh nghiệp, tổ chức sẽ được hưởng thuế suất thuế TNDN thấp hơn thuế suất tiêu chuẩn.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 141 Luật BVMT thì không có quy định ưu đãi về thuế suất cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho BVMT mà chỉ có quy định về “miễn, giảm thuế”. Nhưng tại Điều 134 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định:“Ưu đãi về thuế TNDN: thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục hoạt động BVMT được ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Phụ lục XXX ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật về TNDN”. Điều này cho thấy, Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP chưa có sự thống nhất là có áp dụng thuế suất ưu đãi thuế TNDN cho hoạt động đầu tư kinh doanh BVMT hay không?

Ngoài ra, tại Điều 13 Luật thuế TNDN quy định các ưu đãi về thuế suất được hưởng là 10%, tuy nhiên mức thuế suất này được áp dụng mà không phân biệt các doanh nghiệp có doanh thu là bao nhiêu. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu vì chính sách ưu đãi thuế hiện nay có phân biệt doanh thu và lĩnh vực đầu tư.

Thứ ba, quy định về ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN chưa phù hợp.

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 141 Luật BVMT thì ưu đãi về miễn giảm thuế là ưu đãi gián tiếp, tức là doanh nghiệp, tổ chức sẽ được hưởng các ưu đãi như miễn, giảm thuế TNDN.

Mức miễn giảm thuế TNDN cho BVMT hiện nay được quy định tại Điều 3 Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 về hướng dẫn chính sách thuế TNDN đối với hoạt động BVMT quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT và Điều 14 Luật thuế TNDN. Theo đó, được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Vì có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tham gia và hoạt động BVMT nên thời gian miễn thuế 04 năm là chưa đủ để cho các doanh nghiệp tăng tích luỹ về vốn, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp cần rất nhiều vốn để gia tăng đầu tư xanh sau đại dịch COVID-19 như hiện nay. Cùng với đó, chưa có quy định thêm việc gia hạn nộp thuế TNDN để giúp cho doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư cho hoạt động BVMT.

Một số khuyến nghị

Với thực tế nêu trên, tác giả khuyến nghị một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý về ưu đãi thuế TNDN cho BVMT bao gồm:

Một là, bổ sung quy định trong Luật BVMT về xác định hoạt động (dự án) đầu tư kinh doanh hoạt động BVMT.

Cần bổ sung thêm quy định trong Luật BVMT về xác định hoạt động (dự án) đầu tư kinh doanh hoạt động BVMT. Theo đó, xác định dự án được hưởng ưu đãi thuế TNDN phải là dự án mới hoạt động hoặc dự án lần đầu được cấp phép. Việc quy định như vậy sẽ giải quyết được hai vấn đề: (1) Đảm bảo rằng chính sách ưu đãi của Nhà nước cho hoạt động BVMT được tập trung cho những dự án mới, dự án lần đầu được cấp phép; (2) Đảm bảo nguyên tắc công bằng và bình đẳng, vì cùng một dự án đầu tư kinh doanh hoạt động BVMT thì được hưởng những ưu đãi như nhau và tránh trường hợp một dự án được hưởng cùng một chính sách ưu đãi nhiều lần.

Thứ hai, bổ sung quy định trong Luật BVMT về cho hưởng thuế suất ưu đãi thuế TNDN cho doanh nghiệp hoạt động BVMT và phân loại rõ thuế suất ưu đãi được hưởng.

Về hưởng thuế suất ưu đãi thuế TNDN, quy định rõ các doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi thuế TNDN. Việc quy định như vậy sẽ giải quyết được vấn đề nguyên tắc áp dụng luật khi có vấn đề phát sinh như đã phân tích ở trên. Đồng thời, giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định được chính sách ưu đãi để tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà mình mong muốn.

Về thuế suất ưu đãi được hưởng, bổ sung các quy định về xác định thuế suất ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BVMT, nhất là với các là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định này một mặt giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường tích luỹ vốn, đầu tư, chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, mặt khác giúp hoạt động BVMT được tham gia bởi nhiều doanh nghiệp, với công nghệ hiện đại.

Thứ ba, sửa đổi quy định về thời gian miễn, giảm thuế TNDN.

Cần thiết phải kéo dài thêm thời gian miễn giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp BVMT. Việc sửa đổi quy định này sẽ thực hiện trực tiếp trong Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Còn Luật BVMT chỉ định hướng mang tính nguyên tắc là cho doanh nghiệp BVMT được hưởng các ưu đãi đó. Động thái này sẽ giải quyết được vấn đề là doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian phục hồi, quay vòng vốn, tích luỹ vốn, đủ thời gian để tạo ra thu nhập và cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2008), Luật số 14/2008/QH12 về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  2. Quốc hội (2013), Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số số 14/2008/QH12;
  3. Quốc hội (2014), Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế;
  4. Quốc hội (2020), Luật số 72/2020/QH14 về bảo vệ môi trường;
  5. Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
  6. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 212/2015/TT-BTC về hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường;
  7. Nguyễn Văn Phụng (2013), Ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp: Một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính tháng 4/2023;
  8. Nguyễn Minh Hằng, Nguyễn Hải Yến, Bất cập trong pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và một số đề xuất, https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh-te.aspx?ItemID=258.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023