Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế

Thùy Linh

Tại dự thảo tờ trình Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc sửa Luật nhằm đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc sửa Luật nhằm đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục tiêu của nhóm chính sách liên quan đến người nộp thuế nhằm mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển trong nước và quốc tế; đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh quy định liên quan người nộp thuế TNDN thông qua việc sửa đổi khái niệm cơ sở thường trú của Luật thuế TNDN hiện hành cho phù hợp.

Cụ thể, bổ sung quy định DN nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số có thu nhập thì thuộc đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh. Qua đó, đảm bảo căn cứ pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện quyền thu thuế của Việt Nam trong bối cảnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng mở rộng.

Lý giải về việc lựa chon chính sách này, Bộ Tài chính cho biết, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, quyền đánh thuế được chia sẻ giữa quốc gia nơi DN cư trú và quốc gia nơi DN phát sinh thu nhập; giữa quốc gia nơi DN cư trú và quốc gia nơi DN có cơ sở thường trú.

Liên quan đến nội dung này, Điều 2 Luật Thuế TNDN hiện hành đã có quy định về khái niệm người nộp thuế, quy định về nguyên tắc nộp thuế của người nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và ngoài Việt Nam và khái niệm về cơ sở thường trú. Trong đó, việc xác định cơ sở thường trú được thực hiện theo các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước; đối với các quốc gia chưa có hiệp định thuế với Việt Nam thì áp dụng quy định về cơ sở thường trú theo quy định của Luật thuế TNDN.

Về cơ bản, quy định này phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam. Quá trình thực hiện thời gian qua cũng không phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, thực tiễn gần đây cho thấy, với sự phát triển của khoa học và công nghệ cùng với các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số xuyên biên giới, nhiều DN nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không cần thông qua bất kỳ địa điểm hay cơ sở đại diện nào tại Việt Nam.

Trong nhiều trường hợp, việc chỉ dựa vào sự hiện diện vật lý của cơ sở thường trú như quy định hiện hành để làm căn cứ cho việc thu thuế có thể tiềm ẩn nguy cơ gây xói mòn cơ sở thuế. Gần đây, tại Luật Quản lý thuế số 39/2019/QH14 cũng đã bổ sung một nguyên tắc rất căn bản trong quản lý thuế đó là “bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế”.

Theo OECD, khái niệm cơ sở "thường trú truyền thống” với yêu cầu về “hiện diện vật lý” không còn phù hợp với các mô hình kinh doanh ngày nay. Nếu trước đây cơ sở thường trú cần có sự hiện diện vật chất (như văn phòng đại diện, chi nhánh, nhà xưởng...) thì với sự phát triển của kinh tế số, khái niệm này cần được mở rộng, bổ sung.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, trong các hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam đã ký kết với hơn 80 quốc gia đều có thỏa thuận: Đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam có quyền đánh thuế với DN nước ngoài nếu họ có hoạt động kinh doanh không qua cơ sở thường trú. Do đó, nếu cơ sở thường trú theo quy định tại pháp luật thuế không bao hàm hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới thì trong quá trình thực hiện dễ có sự tranh chấp. Việc mở rộng khái niệm “cơ sở thường trú” sẽ tạo điều kiện điều chỉnh các hiệp định thuế đã ký kết, thực hiện quyền thu được thuế đối với các hoạt động dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số quốc gia đã điều chỉnh các quy định của pháp luật về thuế TNDN để phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ. Ví dụ: Ấn Độ đã sửa đổi các quy định liên quan tới khái niệm “cơ sở thường trú” theo hướng nới rộng các yêu cầu về hiện diện vật lý tại một quốc gia, đồng thời, bổ sung các hình thức hiện diện phi truyền thống; Israel đưa ra các quy tắc chung về việc đánh thuế lên DN không có cơ sở thường trú nhưng có tham gia vào các hoạt động trực tuyến tại nước này...