Kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019

Kế toán quản trị chi phí là công cụ cung cấp thông tin phục vụ công tác quản trị chi phí của các doanh nghiệp.

Đối với các bệnh viện ở Việt Nam, kế toán quản trị chi phí là vấn đề khá mới nhưng được đánh giá là công cụ quản lý quan trọng. Nguồn: Internet.
Đối với các bệnh viện ở Việt Nam, kế toán quản trị chi phí là vấn đề khá mới nhưng được đánh giá là công cụ quản lý quan trọng. Nguồn: Internet.

Đối với các bệnh viện ở Việt Nam, kế toán quản trị chi phí là vấn đề khá mới nhưng được đánh giá là công cụ quản lý quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp chính xác, kịp thời và đầy đủ các thông tin về hoạt động tài chính của bệnh viện, giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định đúng đắn và kịp thời. Đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí trong một số bệnh viện, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện ở Việt Nam.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế như hiện nay, các bệnh viện đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong việc cân đối giữa nguồn lực với chất lượng dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các bệnh viện phải không ngừng ứng dụng các kỹ thuật y tế hiện đại, sử dụng các loại dược phẩm mới. Tuy nhiên, tình hình này khiến chi phí tiêu thụ gia tăng, tạo áp lực buộc các bệnh viện phải thực hiện công tác kế toán quản trị chi phí - kỹ thuật thường được các doanh nghiệp áp dụng vì mục tiêu lợi nhuận.

Nghiên cứu thực tiễn triển khai hệ thống kế toán quản trị chi phí hiện nay cho thấy, các phương pháp như: Tính giá thành toàn bộ, tính giá thành trực tiếp đã bộc lộ một số hạn chế, tác động nhiều đến việc ra các quyết định của nhà quản trị trong bệnh viện.

Trong khi đó, phần hành kế toán quản trị chi phí lại chủ yếu tập trung phục vụ cho các doanh nghiệp, chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá về việc áp dụng kế toán quản trị chi phí vào trong các bệnh viện. Vì thế, để các bệnh viện đạt được mục tiêu điều hành và đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, thời gian tới cần chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng hệ thống thông tin kế toán quản trị, qua đưa ra được các quyết định đảm bảo xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp.

Bài viết này xem xét đặc điểm kế toán quản trị trong các bệnh viện; đồng thời, đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí tại bệnh viện, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các bệnh viện hoàn thiện công tác này trong thời gian tới.

Đặc điểm kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện

Việc nghiên cứu kế toán quản trị được xem xét từ quan điểm của hệ thống thông tin kế toán trong các đơn vị. Nó cho phép làm rõ chức năng, vai trò và bản chất của kế toán quản trị trong các đơn vị. Hiệp hội Kế toán Mỹ định nghĩa: Kế toán quản trị là quá trình định dạng, đo lường, tổng hợp, phân tích, lập biểu, giải trình và thông đạt các số liệu tài chính và phi tài chính cho ban quản trị để lập kế hoạch, theo dõi việc thực hiện kế hoạch trong phạm vi nội bộ một đơn vị, đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả các tài sản và quản lý chặt chẽ các tài sản này.

Bệnh viện là một cơ sở phức hợp với nhiều nhóm dịch vụ: Khám, chữa bệnh, dịch vụ… Do vậy, công tác quản lý, công tác kế toán quản trị chi phí tương đối phức tạp và ngày càng được quan tâm nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động và tăng hiệu quả hoạt động cho bệnh viện, nhất là trong bối cảnh tự chủ tài chính.

Các nhà quản trị tại các bệnh viện cần có những thông tin chính xác để có thể ban hành những quyết định chuẩn xác và hiệu quả, do vậy, kế toán quản trị phải thiết kế được các thông tin kế toán giúp nhà quản trị thực hiện chức năng quản trị. Kế toán quản trị có mục đích bổ sung cho kế toán tài chính, đây là hai hệ thống con của một hệ thống kế toán, cả hai nhằm mục đích mô hình hóa thông tin kinh tế của đơn vị. 

Kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện không chỉ cung cấp thông tin quá khứ mà còn đòi hỏi những thông tin có tính dự báo, thông qua việc lập kế hoạch và dự toán chi phí trên cơ sở các định mức chi phí, làm căn cứ để ra các quyết định thích hợp về giá dịch vụ khám chữa bệnh, ký kết hợp đồng, tự làm hay mua ngoài.

Tóm lại, bản chất của kế toán quản trị chi phí trong bệnh viện được biểu hiện qua các nội dung cụ thể như: Phân loại chi phí, xây dựng định mức và dự toán chi phí, phương pháp xác định chi phí và tính giá thành dịch vụ, đánh giá hiệu quả của các trung tâm chi phí và phân tích thông tin chi phí để đưa ra quyết định.

Kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện ở Việt Nam  - Ảnh 1

Thực trạng kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện ở Việt Nam

Một số kết quả

Nghiên cứu thực trạng kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện ở Việt Nam cho thấy, nội dung kế toán quản trị chi phí đã được các bệnh viện sử dụng vào việc xây dựng định mức và dự toán, cụ thể:

- Đối với xây dựng định mức chi hoạt động: Hiện nay, các bệnh viện đã xây dựng cụ thể và chi tiết cho từng hoạt động như chi quản lý, chi cho các hoạt động chuyên môn (khám, chữa bệnh, giường bệnh…). Các định mức này được xây dựng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị cũng như căn cứ trên kinh nghiệm triển khai thực tế và tiêu chí kỹ thuật. Các định mức thường xuyên được các bệnh viện rà soát, điều chỉnh, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

- Về dự toán: Phần lớn các bệnh viện đều đã chú trọng xây dựng dự toán và xác định đây là cơ sở quan trọng để kiểm soát chi trong đơn vị. Các dự toán đã được các đơn vị xây dựng theo từng cấp, từ cấp cơ sở đến cấp trung gian và cấp cao.

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện ở Việt Nam còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế sau:

- Về phân loại chi phí: Phần lớn các bệnh viện chỉ mới thực hiện phân loại chi phí theo mục lục ngân sách, chi phí chưa được phân loại theo nội dung kinh tế, chức năng, hay mức độ hoạt động cho phù hợp với yêu cầu kiểm soát của bệnh viện

- Về nhận diện và xác định chi phí: Chi phí phát sinh cho từng hoạt động, từng bệnh nhân hiện nay cũng rất khó xác định và tách biệt, do có nhiều khoản chi phí liên quan đồng thời cả hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội (hoạt động sự nghiệp) và hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu (hoạt động dịch vụ)…

- Về định mức và dự toán: Định mức đối với hoạt động sự nghiệp được xây dựng theo quy định chặt chẽ, tuy nhiên đối với các khoản chi cho hoạt động dịch vụ thì việc xây dựng định mức thường do đơn vị tự quyết định, chưa có căn cứ và chưa được phê duyệt của Bộ Y tế.

- Về trung tâm chi phí: Phần lớn các bệnh viện chưa thiết lập được trung tâm chi phí; hệ thống chỉ tiêu của trung tâm cũng chưa được xây dựng.

- Về phân tích thông tin chi phí: Các bệnh viện hiện nay mới sử dụng kỹ thuật so sánh đơn giản nhằm đánh giá chênh lệch/khác biệt giữa kỳ gốc và kỳ báo cáo, chưa ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến để tìm ra nguyên nhân của sự khác biệt…

Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện Việt Nam

Trên cơ sở đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về phân loại chi phí: Ngoài phân loại phục vụ quản lý nguồn ngân sách nhà nước, đề xuất các bệnh viện nên cân nhắc phân loại chi phí theo mức độ hoạt động. Theo đó, chi phí được phân loại thành biến phí, định phí, cách phân loại này giúp bệnh viện có thể vận dụng mô hình kế toán chi phí phù hợp.

Để có thể tổ chức tốt kế toán quản trị chi phí và coi nó như một công cụ cung cấp thông tin hữu hiệu giúp nhà quản trị bệnh viện ban hành các quyết định đúng đắn và phù hợp với từng hoạt động cụ thể, thời gian tới, các bệnh viện cần sớm xây dựng cho mình một hệ thống kế toán quản trị chi phí phù hợp.

Thứ hai, về xây đựng định mức và lập dự toán: Xây dựng định mức tiêu chuẩn cụ thể và rõ ràng trong quy chế chi tiêu nội bộ đối với cả hoạt động sự nghiệp và hoạt động dịch vụ. Cân đối nguồn với nhu cầu chi để quyết định mức chi phù hợp cho từng hoạt động; trong trường hợp nguồn lực có hạn, cần thực hiện xác lập thứ tự ưu tiên đối với từng khoản chi. Đối với dự toán, các bệnh viện cần lập dự toán chi tiết như dự toán số lượng bệnh nhân, dự toán chi cho con người, dự toán chi quản lý hoạt động chuyên môn, dự toán chi nghiệp vụ chuyên môn…

Thứ ba, về nhận diện chi phí: Hoạt động của bệnh viện tương đối phức tạp và đa dạng, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều hoạt động, do vậy khi nhận diện và xác định chi phí các bệnh viện có thể thực hiện nhận diện chi phí theo các hoạt động chính như hoạt động khám bệnh, điều trị nội trú, điều trị ngoại trú, hoạt động thủ tục nhập viện/ra viện….

Thứ tư, sử dụng thẻ điểm cân bằng để đánh giá hiệu quả trung tâm chi phí trong bệnh viện. Muốn thực hiện được điều này, đầu tiên các bệnh viện cần khẩn trương xây dựng các trung tâm chi phí, quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của từng trung tâm chi phí; xác định các chỉ tiêu đánh giá trung tâm chi phí căn cứ vào nhiệm vụ/trách nhiệm cụ thể của từng trung tâm.

Thứ năm, tổ chức phân tích thông tin chi phí phục vụ ra quyết định. Nhà quản trị cần tổ chức thu nhập, tập hợp và phân tích nhiều dạng thông tin khác nhau đặc biệt là thông tin kế toán quản trị chi phí. Tiếp đó, áp dụng các phương pháp kỹ thuật phân tích phù hợp để cung cấp thông tin hiệu quả nhất, phục vụ việc ra các quyết định của các nhà quản lý.

Như vậy, để đảm bảo thông tin kế toán quản trị chi phí phục vụ đắc lực cho quá trình quản lý điều hành, nhà quản trị bệnh viện phải cần thay đổi cách nhìn nhận về kế toán quản trị chi phí. Các bệnh viện cần chủ động nghiên cứu về kế toán quản trị chi phí, từ đó xây dựng bộ máy kế toán quản trị chi phí phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn lực, hạn chế những rủi ro.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp, bài viết có thể khẳng định rằng: Kế toán quản trị chi phí là công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản trị đưa ra được những quyết định đúng đắn. Với vai trò quan trọng đó, không chỉ riêng Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm tòi và nghiên cứu cách thức tổ chức hoạt động kế toán quản trị chi phí, cũng như xây dựng mô hình phù hợp đối với từng ngành nghề, từng đặc điểm sản xuất kinh doanh của mỗi đơn vị.

Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá hoạt động kế toán quản trị chi phí tại các bệnh viện ở nước ta hiện nay còn ít và sơ sài. Phần lớn các bệnh viện hiện nay chỉ mới quan tâm đến kế toán tài chính, chưa quan tâm nhiều đến kế toán quản trị chi phí. Chính vì vậy, để có thể tổ chức tốt kế toán quản trị chi phí và coi nó như một công cụ cung cấp thông tin hữu hiệu giúp nhà quản trị bệnh viện ban hành các quyết định đúng đắn và phù hợp với từng hoạt động cụ thể, thời gian tới, các bệnh viện cần sớm xây dựng cho mình một hệ thống kế toán quản trị chi phí phù hợp.    

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/QH13 ban hành ngày 20/11/2015;
  2. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp, Hà Nội;
  3. Phạm Văn Dược, Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính;
  4. Nguyễn Ngọc Quang (2013), Kế toán quản trị doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
  5. Robert Kaplan & Anthony A Atkinson (2014), Advanced Management Accountng, 3th Edition;
  6. Romney Marshall B (1997), and Steinbart, paul J., Tạp chí Accounting Information Systems. Global Edition. Twelfth Edition. England: Pearson Education Limited;
  7. Saunders, C.S., and Jones, J.W. (1992), Measuring Performance of the Information Systems Function.Journal of Management Information System. 8 (4): 63-82.