Kho bạc Nhà nước huy động được 194.222 tỷ đồng

Long Vân

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho thấy, tính đến hết ngày 10/12/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động được 194.222 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Bộ giao.

Tính đến hết ngày 10/12/2022, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 194.222 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Bộ giao.
Tính đến hết ngày 10/12/2022, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 194.222 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Bộ giao.

Theo KBNN, tính đến hết ngày 10/12/2022, KBNN đã huy động được 194.222 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Bộ giao (400.000 tỷ đồng).

Trong năm 2022, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) bình quân là 12,72 năm (năm 2021: 13,92 năm); lãi suất phát hành TPCP bình quân là 3,35%/năm (năm 2021: 2,3%/năm); kỳ hạn còn lại danh mục là 9,07 năm (năm 2021: 9,27 năm). Tổng khối lượng thanh toán gốc, lãi TPCP là 156.730 tỷ đồng, trong đó: gốc là 82.344 tỷ đồng, lãi là 74.386 tỷ đồng. 

Đến nay, công tác huy động vốn thông qua phát hành TPCP đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước (NSNN) với chi phí hợp lý; góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại diện KBNN cho biết, hoạt động huy động vốn của KBNN diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, thu NSNN tốt, tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao.

Trong bối cảnh đó, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp để triển khai công tác huy động vốn như: Tổ chức phát hành TPCP phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, nhu cầu trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, tình hình ngân quỹ nhà nước và phù hợp với điều kiện thị trường; Thực hiện đa dạng kỳ hạn TPCP, tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn từ 10 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành.

Bên cạnh đó, KBNN cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ để thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thu, chi NSNN và khả năng huy động vốn từ nguồn TPCP và nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để xác định nhu cầu vay vốn của NSNN và trình Bộ điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP phù hợp.