TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng:

Kinh tế nhà nước cần được đổi mới, cơ cấu lại cho đúng chức năng, nhiệm vụ "đầu tàu"


TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế.

TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng
TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

Theo TS. Đinh Thế Hiển, trước thực trạng vẫn còn tồn tại những hạn chế của thành phần kinh tế nhà nước, để bảo đảm vai trò chủ đạo đó, cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín, trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Để kinh tế nhà nước phát huy được vai trò "đầu tàu", dẫn dắt, chuyên gia Đinh Thế Hiển đề xuất với Chính phủ một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng quy hoạch trong mối quan hệ tổng thể của chiến lược quốc gia. Các quy hoạch đã được duyệt phải bảo đảm tuân thủ tính xuyên suốt, không vì lợi ích ngắn hạn của địa phương hay các tập đoàn mà điều chỉnh quy hoạch.

Thứ hai, các lĩnh vực thiết yếu trong đầu tư phát triển như hạ tầng giao thông, hệ thống cảng; hệ thống năng lượng quốc gia phải do các doanh nghiệp nhà nước có chức năng giữ vai trò trọng yếu theo hướng mô hình chuỗi cung ứng giá trị. Điều này có nghĩa là không phải doanh nghiệp nhà nước làm hết mọi việc, mà giử vai trò then chốt trong tổ chức, điều phối.

Chẳng hạn, lĩnh vực năng lượng quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên tập trung đầu tư và quản lý thật tốt hệ thống truyền tải, quy hoạch phát triển hệ thống điện hiệu quả và quản lý một số nhà máy quy mô lớn. Còn việc phát triển các nhà máy điện theo quy hoạch thì để cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia đầu tư với các chính sách hợp lý, rõ ràng và cạnh tranh.

Thứ ba, cần phát triển hệ thống an sinh xã hội như các nước phát triển để từng bước đưa các dịch vụ và sản phẩm công như giá điện, giá nước, và một số dịch vụ công khác theo giá thị trường, bảo đảm sản xuất cạnh tranh và phát triển; đồng thời người lao động cũng không bị ảnh hưởng do đã có hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ.

Thứ tư, Nhà nước nên xem xét có Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động như một quỹ tài chính của các nước phát triển, có vai trò huy động vốn trên thị trường tài chính trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án quốc gia do các công ty nhà nước hoặc các công ty cổ phần trúng thầu thực hiện. Việc huy động vốn chủ yếu là trái phiếu Quỹ và trái phiếu công trình, với việc rót vốn và thu hồi vốn được quản lý theo tiêu chuẩn chặt chẽ của một quỹ đầu tư tài chính; đây là mô hình mà Singapore thực hiện hiệu quả.

"Thực tiễn cho thấy dù có tuyển được người có tài, nhưng các quy định, quy trình lỏng lẻo, dựa vào tập thể mà thiếu trách nhiệm cá nhân thì cũng hoạt động không hiệu quả; hoặc là người tài không thể phát huy, hoặc là bị biến chất. Do vậy, Nhà nước và Chính phủ cần phải hoàn thiện các quy chế, quy trình về thực hiện, giám sát và kiểm tra theo hướng trách nhiệm cá nhân rõ ràng để kinh tế nhà nước hoạt động hiệu quả mà không vì một vài cá nhân thiếu trách nhiệm, hoặc tư lợi làm ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước", chuyên gia này nhấn mạnh.

Lược trích ý kiến của TS. Đinh Thế Hiển trong bài "Phát huy vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ" - Giang Oanh/baochinhphu.vn