Kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng nên khó có chuyện doanh nghiệp 'nghỉ chơi' với ngân hàng


Từ nhiều năm nay, kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng, nên các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp "quay lưng" lại với ngân hàng là rất khó. Trong khi thị trường vốn chưa phát triển mạnh thì doanh nghiệp vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng là chính.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong một, hai tuần vừa qua, không ngân hàng nào dám không giảm lãi suất, bởi nếu không giảm thì không có doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng nữa.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong một, hai tuần vừa qua, không ngân hàng nào dám không giảm lãi suất, bởi nếu không giảm thì không có doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng nữa.

Ngân hàng liên tục giảm mạnh lãi vay

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng tính tới thời điểm hiện tại mới đạt 5,56%, so với mức 9,86% cùng kỳ năm ngoái thì mới đạt gần một nửa, điều đó cho thấy việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh "đang có vấn đề phức tạp".

Do đó, ông Tú cho rằng, muốn tăng tín dụng cao hơn nữa thì ngân hàng phải chủ động. Trước đây Ngân hàng Nhà nước rất gay gắt, quyết liệt trong vấn đề hạ lãi suất nhưng nhiều ngân hàng thương mại còn lừng khừng không giảm, ngân hàng chưa thấy được giảm lãi suất là hỗ trợ quan hệ cộng sinh của mình và doanh nghiệp.

“Nhưng trong một, hai tuần vừa qua, không ngân hàng nào dám không giảm lãi suất, bởi nếu không giảm thì không có doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng nữa”, ông nói.

Ông Tú lý giải việc này là do quy định mới cho phép các doanh nghiệp vay ngân hàng này trả ngân hàng kia. Việc này không chỉ làm cho ngân hàng phải hạ lãi suất mà thủ tục cho vay cũng phải cắt bớt đi những thứ rườm rà.

Trên thực tế, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã được điều chỉnh giảm mạnh từ đầu năm tới nay.

Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giúp khách hàng kéo dài thời hạn trả nợ, không bị nợ xấu... đồng thời, chủ động tiết giảm chi phí để hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Được biết, từ đầu năm đến nay Agribank đã triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường và nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, bất động sản...

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã 4 lần giảm lãi vay từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp, Trụ sở chính BIDV, chia sẻ ngân hàng còn thiết kế sản phẩm "may đo" bám sát từng nhu cầu vay vốn của khách hàng; có chính sách đặc thù riêng theo từng phân khúc khách hàng, ngành hàng, đảm bảo trải nghiệm khách hàng phù hợp nhất.

Gần đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6%/năm. Không chỉ Nam A Bank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đang thực hiện 3 gói vay ưu đãi với tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với nhiều gói vay có tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, lãi suất bắt đầu từ 6,5%/năm…

Giảm lãi vay chỉ là một yếu tố, vấn đề là ngân hàng có cho vay hay không?

Theo nhận định của ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, từ nhiều năm nay, kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng nên nói doanh nghiệp "quay lưng" lại với ngân hàng là rất khó. Trong khi thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa phát triển mạnh thì doanh nghiệp vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng là chính. Việc giảm hay không giảm lãi suất cho vay chỉ là một yếu tố, vấn đề là ngân hàng có cho vay hay không.

Riêng đối với việc cạnh tranh giữa các ngân hàng khi cơ chế cho phép chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thực tế có thể có vài trường hợp nhưng để làm được không phải dễ. Cụ thể, ngân hàng mới phải thẩm định khách hàng, nhất là chứng minh nguồn tiền trả nợ. Hay việc chuyển dịch tài sản thế chấp từ ngân hàng này sang ngân hàng kia như thế nào.

“Ngoài ra, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng kia phải có lợi ích kinh tế đó là lãi suất thấp với mức đủ lớn để bù đắp cho khoản phí phạt trả nợ trước hạn mà khách hàng phải chịu. Mức phạt này phổ biến từ 1 - 2% trên số dư nợ trả trước hạn, thậm chí có nhà băng còn đưa ra cao hơn mức này. Vì vậy, chính sách này nghe thì dễ nhưng lại rất khó áp dụng trên thực tế”, ông nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), nhận định chính sách cho phép doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác không dễ thực hiện. Tài sản thế chấp chỉ có thể chuyển từ ngân hàng này sang nhà băng khác trong nghiệp vụ mua bán nợ. Vì vậy, ngân hàng muốn cho doanh nghiệp vay trong trường hợp này cũng không thể làm được hồ sơ, trừ khi doanh nghiệp có nhiều tài sản đảm bảo để làm hồ sơ vay mới.

Ông Chí cũng cho rằng, việc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mở lời để nói rằng doanh nghiệp "nghỉ chơi" với ngân hàng giữ lãi suất cao là có thể khuyến khích việc mạnh dạn thay đổi quan hệ với một ngân hàng không có thiện chí, không tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

“Nhưng đó chỉ là đối với những doanh nghiệp còn đủ điều kiện để chuyển sang vay được của một ngân hàng khác. Còn với các công ty đang gặp khó khăn thì vẫn phải chịu phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng khi cần vốn để sản xuất kinh doanh”, ông phân tích.

Theo Thanh Hồng/vnbusiness.vn