Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 18-23/9/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Nga: Ngân hàng Trung ương Nga nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2017 lên khoảng1,7 - 2,2%, từ 1,3 - 1,8% (dự báo đưa ra trước đó), do nền kinh tế nước này đã có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II/2017 (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016) đã vượt dự báo nhờ nhu cầu đầu tư và tiêu dùng tăng cao, các nguồn dự trữ sản xuất được khôi phục.

Dự báo tăng trưởng GDP của Nga trong trung hạn vẫn được giữ ở mức 1,5 - 2%. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 15/9)

Thương mại

Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (21/9) nâng mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 từ 2,4% lên 3,6%, cao hơn mức tăng 1,3% của năm 2016, sau khi nhận thấy nhu cầu hàng hóa gia tăng mạnh tại các thị trường châu Á và Bắc Mỹ.

Đây cũng là lần đầu tiên WTO lạc quan về tăng trưởng thương mại toàn cầu sau nhiều năm liên tục bị cảnh báo về tình trạng thương mại toàn cầu suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.(Theo WTO)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần (18/9 - 22/9/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 tăng lần lượt 0,36%; 0,08% và Nasdaq Composite giảm 0,33% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (15/9/2017).Trong ngày giao dịch ngày 22/9/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 4,23 điểm (0,07%) lên 6.426,92 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 1,62 điểm (0,06%) lên 2.502,22 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones giảm 9,64 điểm (-0,04%) xuống 22.349,59 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,25 điểm (0,17%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (22/9/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 17,79 điểm (-0,74%) xuống 2.388,71 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 229,8 điểm (-0,82%) xuống 27.880,53 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 51,03 điểm (-0,25%) xuống 20.296,45 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 5,28 điểm (-0,16%) xuống 3.352,53 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 26,7 điểm (0,47%) lên 5.682,1 điểm.

Dầu mỏ

Lượng dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ trong tuần (11 - 15/9) tăng 4,6 triệu thùng lên 472,8 triệu thùng, tuy nhiên lượng xăng dự trữ trong kho giảm 2,1 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2015, góp phần hỗ trợ phục hồi giá dầu thế giới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar al-Luaibi cho biết, OPEC và các nước sản xuất dầu khác đang cân nhắc khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 20/9)

Tuần từ 18/9 - 22/9/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,54%; 2,23%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (15/9/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,14 USD (0,22%) lên 50,66 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,43 USD (0,76%) lên 56,86 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

- Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao thuộc nhóm 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn tháng 01 - 7/2017 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 328 tỷ USD.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước này khởi sắc do sự phục hồi trong ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu và giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt tăng cao.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm 2017 trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có kế hoạch giảm chương trình mua tài sản cũng như chủ nghĩa bảo hộ tăng cao tại các nền kinh tế lớn. (Theo Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 18/9)

- Trong tháng 8/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hàn Quốc đạt 102,2 điểm, tăng 0,3% so với tháng 7/2017, tháng tăng thứ 2 liên tiếp, sau khi tăng 0,1% trong tháng 7/2017, do giá hàng nông sản tăng 14,2% - mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, góp phần thúc đẩy tăng lạm phát của Hàn Quốc trong những tháng tới. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 19/9)

Hong Kong

S&P (22/9) quyết định hạ một bậc xếp hạng nợ công của Khu Hành chính đặc biệt Hong Kongtừ mức cao nhất AAA xuống AA-, một ngày sau khi hạ bậc xếp hạng của nền kinh tế Trung Quốc, do Hong Kong có mối liên kết chặt chẽ về thể chế và chính trị với Trung Quốc, nên việc Trung Quốc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm sẽ tác động tiêu cực đến mức xếp hạng của Hong Kong, mặc dù các chỉ số tín dụng của khu hành chính đặc biệt này vẫn rất cao.

Hoa Kỳ

Trong tháng 8/2017, do ảnh hưởng của bão Harvey khiến doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ giảm 0,2% so với tháng 7/2017, trái ngược với mức tăng 0,1% (dự báo của Reuters). Điều này cho thấy mức chi tiêu tiêu dùng (chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ) sẽ giảm xuống trong quý III/2017. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/9)

Trong tháng 8/2017, sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ giảm 0,9%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 7/2017 và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 01/2017, trái ngược với mức tăng 0,1% (dự báo của Reuters) do ảnh hưởng của bão Harvey. (Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ngày 15/9)

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED (20/9) dự báo:

- GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng 2,4% trong năm 2017, 2,1% vào năm 2018 và 2% vào năm 2019.

- Tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,3% trong năm 2017, giảm xuống 4,1% vào năm 2018 và 2019.

- Lạm phát duy trì dưới mức mục tiêu 2% của FED trong năm 2018 và đạt 2% vào năm 2019.

Trong tháng 7/2017, tổng giá trị trái phiếu Hoa Kỳ do nước ngoài nắm giữ đạt 6.250,3 tỷ USD, cao hơn so với 6.171,6 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc tiếp tục là nước nắm giữ nhiều trái phiếu Hoa Kỳ cao nhất (tăng 19,5 tỷ USD lên 1.166 tỷ USD, tháng tăng thứ 6 liên tiếp).

Việc đồng NDT mạnh lên và chuyển biến tích cực của nền kinh tếTrung Quốcđã giúp kho dự trữ ngoại tệ của nước này tăng liên tiếp trong những tháng vừa qua. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 18/9)

Trung Quốc

Trong tháng 8/2017, các ngân hàng thương mại của Trung Quốc bán ròng 3,8 tỷ USD ngoại tệ các loại, giảm 75% so với tháng 7/2017, trong đó mua vào 141,2 tỷ USD ngoại tệ và bán ra 145 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mạiTrung Quốcđã mua vào tổng khối lượng ngoại tệ trị giá 1.040 tỷ USD và bán ra 1.150 tỷ USD.

Theo SAFE, cán cân cung cầu ngoại tệ của Trung Quốc trong tháng 8/2017 đã cân bằng hơn so với tháng 7, do nguồn ngoại tệ từ các hoạt động thương mại và đầu tư tăng lên, nhu cầu bán ngoại tệ của các doanh nghiệp lớn hơn, trong khi nhu cầu mua ngoại tệ giảm.

(Theo Cục Quản lý ngoại hối Quốc gia Trung Quốc - SAFE ngày 19/9)

Mặc dù những thay đổi về chính sách đã góp phần nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, song các doanh nghiệp này vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do các quy định hạn chế tiếp cận với một số ngành nghề, trong đó có lĩnh vực điện lực và quân sự.

Ngoài ra, giá thuê đất và lao động cao, cùng với những khó khăn trong hoạt động huy động vốn cũng là những cản trở lớn đối với đầu tư tư nhân.

Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc (CAG) đã đưa ra đề xuất về việc nâng cao chính sách bảo vệ quyền tài sản của các doanh nghiệp tư nhân, mở cửa thêm nhiều ngành công nghiệp và cắt giảm gánh nặng tài chính để khối kinh tế tư nhân có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hiện nay, khối kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% GDP và tạo ra hơn 80% việc làm tại Trung Quốc.

(Theo CAG ngày 16/9)

Các rào cản pháp lý đang tiếp tục cản trở đầu tư ở Trung Quốc. Theo đó, những hạn chế được đặt ra với đầu tư nước ngoài đã buộc các công ty nước ngoài phải thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc và thường chia sẻ công nghệ quan trọng, nếu không sẽ bị cấm tiếp cận thị trường này hoàn toàn.

Đầu tư của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) tăng 77% trong năm 2016, trong khi đầu tư của EU tại Trung Quốc lại giảm 25%. Ngoài ra, 54% số doanh nghiệp EU có hoạt động tại Trung Quốc cảm thấy được đối xử kém hơn so với các doanh nghiệp địa phương. (Báo cáo của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc ngày 19/9)

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's - S&P (21/9) quyết định hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ AA- xuống A+, đồng thời cảnh báo một giai đoạn tăng trưởng nợ kéo dài gây nguy cơ rủi ro kinh tế và tài chính đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Theo S&P, tăng trưởng tín dụng đã thúc đẩy mở rộng kinh tế Trung Quốc và giá tài sản tăng cao, tuy nhiên cũng làm giảm sự ổn định tài chính.

Nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua nhằm kiểm soát đòn bẩy tài chính đối với các doanh nghiệp có thể ổn định xu hướng rủi ro tài chính trong trung hạn, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nước này trong 2 - 3 năm sắp tới có thể thêm nhiều rủi ro.

(Theo S&P ngày 21/9)

 

Nhật Bản

Trong tháng 9/2017, chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất Nhật Bản giảm 2 điểm xuống 25 điểm, lần giảm đầu tiên trong bốn tháng qua trước tình trạng bất ổn trên toàn cầu.

Một số nhà quản lý doanh nghiệp nhận định, khách hàng nội địa tỏ ra thận trọng với chi tiêu vốn, do lo ngại về triển vọng của chính sách kinh tế Nhật Bản, cũng như đà phục hồi kinh tế không chắc chắn tại châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc. (Theo kết quả khảo sát của Reuters ngày 15/9)

Trong tháng 8/2017, thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản đạt 113,6 tỷ JPY (1,01 tỷ USD), so với mức thâm hụt 34,6 tỷ JPY cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức thặng dư 93,9 tỷ JPY theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6.278 tỷ JPY, mức tăng mạnh nhất trong gần 4 năm qua; kim ngạch nhập khẩu tăng 15,2% lên 6.164,4 tỷ JPY. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 20/9)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (20/9) cam kết ngoài việc tăng cường cải cách quản lý doanh nghiệp, Chính phủ sẽ thực thi những chính sách “mạnh bạo” và thay đổi các quy định về thuế, ngân sách và, nhằm thúc đẩy đầu tư nội địa. Những thay đổi giúp hạn chế vấn đề già hóa dân số và những thách thức khác mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt

Ông Shinzo Abe cũng kêu gọi các nhà đầu tư “đổ tiền” vào thị trường chứng khoán Nhật Bản, trong bối cảnh một số nhà đầu tư quan ngại về khả năng chính sách chấn hưng kinh tế có thể làm thay đổi triển vọng của kinh tế Nhật Bản và các dự án kinh doanh mới.

(Theo TTXVN ngày 21/9)

Canada

Trong quý II/2017, chỉ số nợ của các hộ gia đình tại Canada tăng lên gần 168% (trung bình các gia đình nợ ngân hàng 1,68 CAD trên mỗi đồng CAD thu nhập). Tính theo giá trị tuyệt đối, tổng số nợ tín dụng của các hộ gia đình (bao gồm nợ vay tiêu dùng, vay thế chấp và phi thế chấp) tăng lên mức cao kỷ lục là 2.080 tỷ CAD, chủ yếu do người dân vay mua nhà (chiếm hơn một nửa) và tăng mua sắm xe cộ, trang thiết bị gia dụng.

Nhiều chuyên gia quan ngại, nợ hộ gia đình tăng cao được xác định là yếu tố chính gây rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Canada liên tiếp tăng mức lãi suất cơ bản (tháng 7 - 9/2017). (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 20/9)

Nga

Ngân hàng Trung ương Nga (21/9) đã thông qua quyết định về các biện pháp tăng cường ổn định tài chính cho Ngân hàng B&N (ngân hàng lớn thứ 12 của Nga tính theo giá trị tài sản) và Ngân hàng Rost của nước này bằng việc sử dụng tiền của Quỹ củng cố ngân hàng, sau khi Ngân hàng B&N đề nghị Ngân hàng Trung ương cứu trợ.

Theo đó, Ngân hàng B&N và Rost cũng như các ngân hàng khác thuộc nhóm B&N Bank Digital vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Ngân hàng Trung ương Nga sẽ hỗ trợ các ngân hàng của nhóm, đảm bảo để nhóm hoạt động liên tục. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định tăng cường ổn định tài chính nêu trên của Ngân hàng Trung ương Nga được đưa ra kịp thời và hợp lý nhằm ngăn chặn sự bất ổn của hệ thống tài chính. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 21/9)

Đàm phán - Ký kết

EU và Canada

Từ ngày 21/9/2017, Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện giữa EU và Canada (CETA) chính thức có hiệu lực, với việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 98% các loại hàng hóa.

Tuy nhiên, hiệp định chỉ được thực hiện đầy đủ sau khi được sự phê chuẩn của toàn bộ 28 nước thành viên EU và cơ quan lập pháp các vùng của Canada.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định, CETA thể hiện mong muốn của các nước biến chính sách thương mại trở thành công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho công dân cũng như các doanh nghiệp châu Âu.

Thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy các giá trị, tận dụng toàn cầu hóa và định hình các quy tắc thương mại toàn cầu. CETA là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay của EU và sẽ đặt ra tiêu chuẩn mới cho các thỏa thuận trong tương lai giữa EU và Nhật Bản, Australia, New Zealand.

Sau khi được triển khai,CETA sẽtác động tới 510 triệu người tiêu dùng tại châu Âu và 35 triệu người tiêu dùng Canada. Theo thỏa thuận, các công ty có quyền đệ đơn kiện tại các tòa án đặc biệt nếu quyền lợi của họ bị vi phạm do sự thay đổi chính sách của các chính phủ.

(Theo TTXVN)

Chính sách

- Hoa Kỳ: FED (20/9) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1 - 1,25% và cho biết lãi suất có thể được tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm 2017, đồng thời thông báo kết thúc chương trình kích thích hậu khủng hoảng khi nền kinh tế đã tăng trưởng ổn định.

Theo đó, FED sẽ bắt đầu giảm lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu có bảo đảm bằng thế chấp tương đương 4.200 tỷ USD từ tháng 10/2017, với lượng cắt giảm ban đầu là 10 tỷ USD/tháng, tăng 10 tỷ USD sau mỗi ba tháng lên mức tối đa 50 tỷ USD/tháng trong năm 2018 cho đến khi bảng cân đối kế toán của FED giảm khoảng 1.000 tỷ USD hoặc giảm trong những năm tới.

- Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ (21/9) quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.

Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục chương trình mua lại trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, lãi suất gần 0%, với sức mua 80.000 tỷ JPY/năm (tương đương 717 tỷ USD), mặc dù sức mua đã giảm xuống gần 60.000 tỷ JPY trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng, việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành tài chính và thị trường, trong khi BoJ sẽ chịu thiệt hại lớn khi kết thúc chương trình.

- Nga: Ngân hàng Trung ương Nga (15/9) quyết định hạ lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm, từ 9% xuống còn 8,5%, lần hạ lãi suất thứ 4 trong năm 2017, do lạm phát đã giảm về gần 4%, trong khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết, lãi suất cơ bản có thể tiếp tục giảm sâu hơn trong hai quý tới.

Nhận định
chuyên gia

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF Christine Lagarde nhận định (20/9):

Hoa Kỳ sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (3%/năm) nếu không đẩy nhanh những cam kết về thay đổi chính sách, trong đó có cải cách thuế.

IMF ủng hộ cải cách thuế về nguyên tắc và chuẩn bị “những đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và khôi phục nguồn thu nhập của tầng lớp trung lưu” ở Hoa Kỳ.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2017 xuống 2,1% (từ mức 2,3%/năm dự báo tháng 01/2017) sau khi những cải cách nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế của nước này vẫn chưa được hiện thực hóa.