6 tháng đầu năm 2010: kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục trên đà phục hồi

Theo TCCSĐT

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê thông báo, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế - xã hội nước ta tuy vẫn đang trên đà phục hồi nhanh và phát triển theo hướng tích cực với mức tăng trưởng khá ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhưng còn gặp một số khó khăn: kinh tế thế giới nhìn chung đang thoát ra khỏi khủng hoảng nhưng chưa thực sự có những chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc, một số quốc gia có dấu hiệu bất ổn về kinh tế tài chính. Ở trong nước, một số cân đối kinh tế vĩ mô có biểu hiện chưa ổn định, cùng với hạn hán kéo dài và dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống dân cư.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng khá

Tổng sản phẩm trong nước quý I/2010 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2009, ước tính quý II/2010 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 109,8% tốc độ tăng quý I/2010. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều ở cả 3 khu vực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,31%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,50%, đóng góp 2,63 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,05%, đóng góp 2,94 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm tuy chưa bằng mục tiêu 6,5% đề ra cho cả năm nhưng là tốc độ tăng khá cao trong điều kiện sản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp khó khăn. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm theo xu hướng mức tăng quý sau cao hơn quý trước và tăng cả ở ba khu vực cho thấy nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh và có khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.

Vốn đầu tư phát triển tăng

Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 390,1 nghìn tỉ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, vốn khu vực nhà nước: 166,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%; khu vực ngoài nhà nước: 120 nghìn tỉ đồng, tăng 9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: 103,3 nghìn tỉ đồng, tăng 11,8%. Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 63 nghìn tỉ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm.

Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20-6-2010 đạt 8,4 tỉ USD, bằng 80,9% cùng kỳ năm 2009. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2009. Trong các lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 34% tổng vốn đăng ký 6 tháng đầu năm; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm 25,5%; kinh doanh bất động sản chiếm 21,2%.

Thu, chi ngân sách nhà nước tăng

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2009 và bằng 52,5% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 46,9% dự toán năm. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính bằng 11,2% tổng số chi và bằng 25,6% mức bội chi dự toán năm đã được Quốc hội quyết định và được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước theo quy định.

 

Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 32,1 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,9 tỉ USD, tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỉ USD, tăng khá cao ở mức 26,2%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 6 tháng đầu năm ước tính đạt 6,2 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là ASEAN đạt 5,3 tỉ USD, tăng 21%; EU đạt 4,8 tỉ USD, tăng 5,9%; Nhật Bản đạt 3,5 tỉ USD, tăng 31%; Trung Quốc đạt 2,8 tỉ USD, tăng 44%; Hàn Quốc đạt 1,2 tỉ USD, tăng 35%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 38,9 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 8,7%). Trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng tiêu dùng chiếm 7,2%, giảm so với mức 9,7% của cùng kỳ năm 2009; nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu tăng từ 61% lên 65,2% và chiếm 81,5% mức tăng chung của tổng kim ngạch 6 tháng; nhóm hàng máy móc, thiết bị giảm nhẹ từ 29,4% xuống 27%.

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng từ các thị trường chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2009, trong đó nhập từ Trung Quốc đạt 9,1 tỉ USD, tăng 34%; từ ASEAN đạt 7,8 tỉ USD, tăng 20,4%; từ Nhật Bản 4 tỉ USD, tăng 31%; từ EU đạt 2,9 tỉ USD, tăng 20,4%; từ Đài Loan 3,2 tỉ USD, tăng 11%.

Mức tăng bình quân tháng của chỉ số giá tiêu dùng trong quý II giảm

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2010 tăng 0,22% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2010 tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,78% so với tháng 12/2009. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 8,75% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2009.

Bước vào năm 2010, tuy chỉ số giá tiêu dùng quý I có biểu hiện tăng cao trở lại với mức tăng bình quân tháng là 1,35%, nhưng sang quý II mức tăng bình quân tháng đã giảm xuống còn 0,21%, bằng 15,6% mức tăng bình quân tháng trong quý I/2010 và bằng một nửa mức tăng bình quân tháng trong quý II/2009. Điều này cho thấy các chính sách bình ổn giá đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, giá trên thị trường thế giới còn có những biến động khó lường, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất do kinh tế thế giới trên đà phục hồi, nhiều nền kinh tế lớn đang kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao. Điều này chắc chắn sẽ tác động mạnh đến thị trường giá cả và sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy, các biện pháp bình ổn giá bước đầu phát huy tác dụng nên chỉ số giá tiêu dùng không cao. Tuy nhiên, kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là: sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn điện cung cấp hạn chế; thiên tai diễn biễn phức tạp; đầu tư phát triển vẫn theo chiều rộng là chủ yếu, hiệu quả đầu tư chưa cao; sức cạnh tranh của hàng hoá thấp; các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc; đời sống dân cư tuy đã được cải thiện nhưng một số vùng, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, nâng cao hiệu quả, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng. Doanh nghiệp cần phải chủ động và có giải pháp hữu hiệu để đối phó với những thách thức có thể xảy ra. Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, tiến tới xây dựng lực lượng doanh nghiệp có sức mạnh về mọi mặt nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Hai là, thực hiện đánh giá lại hiệu quả của các hoạt động đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư công để có những điều chỉnh hợp lý. Nâng cao năng lực quản lý đầu tư cũng như hiệu lực công tác giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nguồn vốn của nhà nước. Cơ cấu lại đầu tư của nhà nước theo hướng tăng thêm đầu tư cho y tế, đào tạo nghề, phát triển hệ thống an sinh xã hội và phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Từng bước dành nguồn lực đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững, dựa trên hiệu suất và chất lượng.

Ba là, hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Xây dựng chính sách tỷ giá bảo đảm vừa khuyến khích xuất khẩu, vừa hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Bốn là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 808/CT-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010. Hiện đại hoá cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đi đôi với tăng cường công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng cho quản lý thiên tai.

Năm là, rà soát lại quy trình triển khai thực hiện và tiến hành đánh giá tổng thể các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo đã và đang triển khai thực hiện. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân cư, nhất là ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân ý thức vươn lên thoát nghèo./.