Bất động sản nóng, sao cổ phiếu không tăng?

Lê Thuận - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu sốt cục bộ khi nhiều dự án mới liên tục được chủ đầu tư bung ra thị trường. Các phân khúc đều có dấu hiệu ấm lên, nên doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn đã đặt kế hoạch kinh doanh rất lạc quan, tự tin và tăng vốn mạnh. Tuy nhiên, các cổ phiếu BĐS có lẽ do đã tăng vốn quá nóng nên vẫn trong xu hướng giảm mà chưa thể tăng lên.

BĐS đang có dấu hiệu sốt cục bộ khi nhiều dự án mới liên tục được chủ đầu tư bung ra thị trường. Nguồn: internet
BĐS đang có dấu hiệu sốt cục bộ khi nhiều dự án mới liên tục được chủ đầu tư bung ra thị trường. Nguồn: internet

Thị trường BĐS mới có dấu hiệu hồi phục, giao dịch ổn định, thanh khoản tăng lên, nhiều DN vạch ra kế hoạch kinh doanh rất hoành tráng. Tuy nhiên, với số vốn điều lệ tăng vọt, liên tục phát hành kể cả lúc thị trường tốt hay xấu, giá cổ phiếu không thể tăng nổi. Vì vậy, muốn có lợi nhuận, DN BĐS vẫn phải nỗ lực rất nhiều thì mới đảm bảo lợi ích của những người đang nắm giữ cổ phiếu.

Liên tục tăng vốn

Trong mùa đại hội năm nay, nhiều DN BĐS lại đề xuất tăng vốn rất lớn, nhưng cổ đông nắm giữ chẳng thèm phản bác vì có thể họ sẽ chẳng gắn bó dài lâu. Mua xong có lời là bán.
Thị trường BĐS có thể đang ấm dần lên, giao dịch tăng, nên các DN trình kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận rất hoành tráng để huy động vốn. Địa ốc Hoàng Quân, đưa ra mục tiêu doanh thu cho năm 2015 là 3.225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 320,2 tỷ đồng. Mức lợi nhuận tăng hơn 10 lần so với lợi nhuận đạt được năm 2014 (30,1 tỷ đồng) là điều mà rất nhiều người nghi ngờ nhưng vẫn thông qua.

Sau kế hoạch lợi nhuận ấn tượng, HQC đề xuất tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên đến 4.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành 63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 137 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu của 4 công ty con, để tăng tỷ lệ sở hữu của HQC ở 4 công ty này lên 100%. Trong năm, công ty sẽ có nguồn doanh thu từ việc bán căn hộ tại 9 dự án trong đó chủ chốt là các dự án HQC Plaza Nguyễn Văn Linh, HQC Hóc Môn…

Bất động sản nóng, sao cổ phiếu không tăng?  - Ảnh 1

Năm 2014, FLC đã tăng vốn điều lệ lên 3.748 tỷ đồng, dự kiến năm 2015, FLC sẽ tiến hành kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên mức gần 8.400 tỷ. Các dự án trọng điểm của FLC trong kế hoạch kinh doanh 2015 bao gồm việc sớm đưa các dự án ra thị trường FLC Garden City, FLC Beach & Golf Resort, FLC Complex 36 Phạm Hùng…và triển khai các dự án Khu hành chính Khánh Hòa, KCN Tam Dương II… Công ty cũng thông qua kết quả kế hoạch tổng doanh thu năm 2015 là 5.535 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.158 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) cũng đã đề xuất kế hoạch kinh doanh cho năm 2015, đặt ra chỉ tiêu doanh thu 7.500 tỷ (tăng 11%) và lợi nhuận trước thuế 155 tỷ đồng. Tính riêng quý I/2015, Cienco 4 đã trúng thầu 2.400 tỷ đồng và nỗ lực trúng thầu thêm 8.000 tỷ trong thời gian còn lại của năm. Vì thế, nhằm đảm bảo yêu cầu về vốn triển khai các dự án BOT, Cienco 4 đã trình Đại hội cổ đông tăng vốn điều lệ từ mức 600 tỷ hiện tại lên 1.000 tỷ đồng.

Rụt rè… phát triển

CTCP Vạn Phát Hưng năm trước kinh doanh không hiệu quả, chưa đạt được kế hoạch đề ra, chỉ đạt lợi nhuận trước thuế là 6 tỷ đồng và doanh thu 281 tỷ đồng. Theo giải trình của VPH, công ty vừa tái cơ cấu các khoản nợ vay của ngân hàng, nên vẫn còn thận trọng. Công ty cũng đã hoàn thiện cơ bản một số dự án dở dang sẽ đưa ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Năm 2015, Vạn Phát Hưng đặt mục tiêu bán 7 sản phẩm dự án với doanh số bán dự kiến 1.092 tỷ đồng; ghi nhận doanh thu trong báo cáo tài chính 625,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 104,4 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với 2013; lợi nhuận sau thuế 81,4 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh từng được xem là một đại gia khi sở hữu quỹ đất lớn. Tuy nhiên, theo các cổ đông, BCI đang hoạt động "dưới mức tiềm năng" khi lợi nhuận năm 2014 chưa đạt nổi 100 tỷ đồng.

Dự báo giai đoạn 2015 – 2017 là chu kỳ tăng trưởng của thị trường BĐS nên BCI sẽ tập trung nguồn lực vào hoạt động bất động sản cốt lõi: nhà thấp tầng, chung cư, khu công nghiệp, bất động sản thương mại và đầu tư có chọn lọc nhà ở xã hội.

Công ty cũng sẽ tập trung vào các dự án Corona City, Green Village, Khu định cư Phong Phú 4, KCN Lê Minh Xuân mở rộng… và đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015 sẽ vào khoảng 120 tỷ, cổ tức 10%/mệnh giá.

Ở phía Bắc, BĐS ThangLong Invest Group cũng là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn, nhưng cũng chưa phát triển đúng tiềm năng của mình. Năm 2015, TIG đặt mục tiêu doanh thu cho 2015 là 500 tỷ, lợi nhuận trước thuế là 150 tỷ. Tuy nhiên, với nguồn vốn khá eo hẹp, nên việc đầu tư vào các dự án bị hạn chế. Vì vậy, công ty cũng muốn tăng vốn điều lệ lên 680 tỷ đồng.

Hiện tại, TIG sở hữu các dự án ở Đại Mỗ; Khu du lịch - Biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua; dự án Cửa Tùng Golf Resort & Villas; dự án Vân Trì Ecoland đang được triển khai và các dự án: Tòa nhà hỗn hợp ThangLong Royal Plaza… TIG mong muốn sẽ huy động đủ nguồn vốn để triển khai dự án.
Sự hồi phục của thị trường BĐS tuy chỉ mới bắt đầu, nhưng các doanh nghiệp đã có những kế hoạch, chiến lược phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều chủ đầu tư đã quá tự tin, lạc quan mà chưa đánh giá hết khó khăn từ thực tế. Vì vậy, nếu quá đà thì sức ép từ sự phát triển nóng là rất lớn và hậu quả thật khó lường.