Cơ hội tốt đến với nhà đầu tư trong quý IV?
Mùa báo cáo tài chính quý III/2019 đang tới gần, cùng với lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn trong năm 2019 tới thời hạn quyết định sẽ đem lại không ít cơ hội cho nhà đầu tư.
Hiện thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin sau khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 đã qua từ lâu, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới dẫn đến sự lựa chọn bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, mùa báo cáo tài chính quý III cũng đang tới gần, bên cạnh lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn trong năm 2019 tới thời hạn quyết định sẽ đem lại cơ hội cho nhà đầu tư.
Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp đang được nhà đầu tư trông ngóng, kỳ vọng vào các doanh nghiệp đã có mức tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong 6 tháng đầu năm. Dự đoán, kết quả kinh doanh quý III sẽ có mức tăng trưởng tương tự, vì nhiều nhóm ngành vẫn đang có sự cải thiện, trong đó có cổ phiếu FPT.
CTCP FPT mới đây đã công bố kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 21,1% và 27,9% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 17.032 tỷ đồng và 2.992 tỷ đồng, tương đương 104,2% và 110,9% kế hoạch lũy kế.
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 2.495 tỷ đồng và 2.004 tỷ đồng, tăng 27,0% và 29,5% so cùng kỳ năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.961 đồng, tăng 29,0%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 17,6% (8 tháng đầu năm 2018 đạt 16,6%).
Nhìn vào những con số này, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể dự báo được kết quả kinh doanh tươi sáng của quý III và 9 tháng năm 2019 của FPT. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu FPT cũng thiết lập mức đỉnh mới đạt 56.800 đồng/cp, tương ứng tăng khoảng 54% so với thời điểm đầu năm.
Tương tự, với Tổng CTCP đầu tư phát triển xây dựng (mã: DIG). Mặc dù lợi nhuận nửa đầu năm ở mức rất thấp, nhưng theo chia sẻ từ lãnh đạo công ty, tình hình kinh doanh nửa cuối năm sẽ khả quan hơn khi lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn nửa đầu năm nhờ ghi nhận lợi nhuận từ các dự án Nam Vĩnh Yên…
Bên cạnh đó, có thể nhắc đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Mặc dù không còn sức hấp dẫn như thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018, nhưng những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành ngân hàng,bất động sản vẫn luôn thuộc top tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất với mức tăng trên 15%.
Đặc biệt, thị trường cũng đang trông ngóng đến lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn trong năm 2019 tới thời hạn quyết định. Mới đây, Thủ tướng có quyết định thúc 93 doanh nghiệp sớm cổ phần hóa, hạn chót là cuối năm 2020 phải xong.
Trong số 93 doanh nghiệp kể trên có nhiều doanh nghiệp lớn như Agribank, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV - công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT - công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (công ty mẹ)...
Tại TP. Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp nằm trong danh sách này cũng có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...
Ngoài kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan trong quý III và lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn, thị trường chứng khoán hiện tại có thể dựa vào yếu tố vĩ mô tương đối ổn định so với tương quan thế giới.
Về tỷ giá, trong khi đồng tiền nhiều nước trong khu vực mất giá, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài giảm dần, thì Việt Nam với yếu tố vĩ mô ổn định, đồng tiền mất giá ít đã giúp giữ được dòng vốn ngoại. Ngoài ra, thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách nâng hạng có thể giúp duy trì và thu hút vốn đầu tư.
Mới đây, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được chuyên gia dự báo sẽ có nhiều tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng cũng như ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường.
Theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh của Chứng khoán VNDirect (VND), động thái của NHNN được cho là "nới lỏng và tiếp sức" rất kịp thời trong bối cảnh nhiều áp lực đang gia tăng rõ rệt từ bên trong lẫn bên ngoài.
Các áp lực hiện hữu có thể kể đến bao gồm nhu cầu vốn của nhóm doanh nghiệp top đầu và doanh nghiệp bất động sản hiệu hữu, bằng chứng kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh. VND vẫn lên giá trong khi hầu hết các đồng tiền mất giá làm suy giảm xuất khẩu của Việt Nam. Rủi ro suy thoái kinh tế là hiện hữu trong bối cảnh thương chiến leo thang cùng với bất ổn địa chính trị đang diễn ra ở nhiều điểm nóng của thế giới.
Theo ông Tuấn, việc giảm lãi suất để chuẩn bị cung ứng một nguồn vốn giá rẻ và chủ động hơn cho chính sách tài khóa mở rộng sắp tới của chính phủ vào hạ tầng để hấp thụ lượng vốn khổng lồ FDI đã và đang đổ vào.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, nguyên nhân khiến NHNN giảm lãi suất điều hành là giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho hoạt động tái cấp vốn cũng như hoạt động giao dịch liên ngân hàng... Kinh tế vĩ mô cần một cú hích trong giai đoạn đầu năm tăng trưởng giảm sút ở một số ngành như du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp...