Đảm bảo tối đa quyền lợi nhà đầu tư

PV.

(Tài chính) Thay vì tự “trói” mình với chiến lược đầu tư cứng nhắc, các quỹ mở đang chú trọng tăng sự linh hoạt về phạm vi và chiến lược đầu tư nhằm bắt kịp thời xu thế thị trường. Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Chiến Lược Vietcombank (VCBF) ra đời cũng không ngoài mục tiêu trên. Tài chính & Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Avinash Satwalekar - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của VCBF.

Phóng viên: Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Chiến Lược VCBF (VCBF-TBF) được giới thiệu như một điển hình của dạng quỹ mở cân bằng nhưng chiến lược phân bổ tài sản lại có thể thay đổi. Vậy, thực chất Quỹ này có gì khác biệt so với các quỹ mở khác đang hoạt động trên thị trường, thưa ông?

Đảm bảo tối đa quyền lợi nhà đầu tư - Ảnh 1
Ông Avinash Satwalekar,
Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của VCBF
Ông Avinash Satwalekar: Hầu hết các quỹ mở được giới thiệu và đang hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay đều ở dạng quỹ đầu tư trái phiếu hoặc quỹ đầu tư cổ phiếu. Riêng chỉ có VCBF-TBF là quỹ mở đầu tiên đầu tư vào cả cổ phiếu và trái phiếu. Do đó, quỹ VCBF- TBF có sự đa dạng hóa rộng hơn để trở thành tài sản cốt lõi trong danh mục của các nhà đầu tư.

Điều khác biệt ở Quỹ VCBF-TBF là có sự linh hoạt trong phân bổ tài sản. Sự linh hoạt này cho phép quỹ chọn những cơ hội đầu tư tốt nhất, có tính đến các rủi ro/lợi nhuận của các cơ hội này theo thời gian, đặc biệt khi có những thay đổi cơ bản của điều kiện kinh tế vĩ mô.

Thực tế, các quỹ đóng lâu nay đã tạo ấn tượng không mấy tích cực vì sự cứng nhắc trong chiến lược đầu tư, tỷ lệ chiết khấu cao so với giá trị tài sản ròng trong khi tăng trưởng lợi nhuận chưa thuyết phục… Vậy theo ông, chiến lược của VCBF-TBF có gì khác biệt?

Sự khác biệt chính giữa quỹ mở và quỹ đóng là quỹ mở cho phép các bạn đầu tư và thoái vốn theo giá trị tài sản ròng (NAV) của các đơn vị quỹ. Bản chất của đầu tư vào một quỹ mở là bạn cùng góp vốn với các nhà đầu tư khác và ủy thác cho công ty quản lý danh mục đầu tư chuyên nghiệp để đầu tư vào các tài sản tài chính cho bạn, sau đó nhận lại tiền đã đầu tư với giá bằng giá trị của những tài sản đó. Trong khi đó, giá mỗi đơn vị quỹ đóng phụ thuộc vào cung và cầu về quỹ đó trên thị trường thứ cấp, do đó có thể được giao dịch ở mức chiết khấu hoặc cao hơn NAV. Đặc biệt, hoạt động của một quỹ cần phải được so sánh với các lợi nhuận tham chiếu tương ứng.

Tại VCBF-TBF, chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên trong đầu tư, tức là quyết định đầu tư được thực hiện dựa trên đánh giá về mỗi chứng khoán riêng biệt với tầm nhìn dài hạn. Điều này giúp chúng tôi thực sự được hưởng lợi từ sự biến động của thị trường vì chúng tôi có thể đầu tư khi những nhà đầu tư khác trên thị trường đang bán ra và ngược lại, chúng tôi bán ra khi thị trường lên quá cao do các nhà đầu tư quá lạc quan về triển vọng tương lai của các công ty và nền kinh tế. Do đó, các quỹ và danh mục đầu tư mà VCBF quản lý luôn đạt kết quả vượt trội so với thị trường và các lợi nhuận tham chiếu. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng rằng quỹ VCBF - TBF cũng sẽ có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với lợi nhuận tham chiếu của quỹ với thời gian đầu tư dài hạn.

Khi đầu tư vào VCBF-TBF nhà đầu tư sẽ được đảm bảo quyền lợi như thế nào?

Quỹ VCBF-TBF được thiết kế để phù hợp nhất với các nhu cầu của nhà đầu tư mà chúng tôi xác định được từ cuộc khảo sát tiến hành hồi năm ngoái. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng triết lý đầu tư của chúng tôi là tập trung vào chiến lược dài hạn nên chúng tôi sẽ không thay đổi việc phân bổ tài sản thường xuyên chỉ vì những biến động dự trù được trong ngắn hạn. Chiến lược phân bổ tài sản của VCBF-TBF dựa trên sự phân tích về rủi ro và lợi nhuận trong dài hạn đối với những cơ hội sẵn có tại thời điểm đầu tư giữa các trái phiếu và cổ phiếu. Sự thay đổi trong phân bổ tài sản thường chỉ được thực hiện khi chúng tôi nhận thấy có những thay đổi cơ bản dẫn đến sự dịch chuyển phân bổ đó.

Chúng tôi tin rằng phương pháp tiếp cận từ dưới lên trong đầu tư là sự khác biệt giữa chúng tôi với các công ty quản quỹ khác và điều này giúp chúng tôi tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư trong dài hạn.

Nguồn vốn và danh mục đầu tư của quỹ VCBF-TBF sẽ được phân bổ ra sao, thưa ông?

Việc phân bổ tài sản giữa trái triếu và cổ phiếu sẽ dựa trên sự đánh giá của chúng tôi về những cơ hội đầu tư sẵn có của hai loại tài sản này. Mục tiêu của chúng tôi là đầu tư 50% vào cổ phiếu và 50% trái phiếu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ hội đầu tư sẵn có, sự so sánh giữa rủi ro và lợi nhuận của mỗi cơ hội đầu tư cũng như triển vọng kinh tế vĩ mô trong dài hạn mà sự phân bổ thực tế có thể thay đổi. Mức phân bổ tối đa cho mỗi loại tài sản lên đến 75% và tối thiểu là 25%.

Để quỹ mở của VCBF nói riêng và ngành quỹ mở tại Việt Nam nói chung phát triển mạnh, ông có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách?

Trước hết là về chính sách ưu đãi thuế, đây là vấn đề mấu chốt để các nhà đầu tư thấy việc đầu tư dài hạn với các quỹ mở hấp dẫn hơn. Ban đầu, chính sách này có thể làm giảm tạm thời ngân sách nhà nước. Tuy nhiên về lâu dài, điều này sẽ khuyến khích các khoản tiết kiệm dài hạn và đem lại nguồn vốn dài hạn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Thứ hai, việc cải cách hưu trí và hưu trí cá nhân cần được phát triển. Điều này không chỉ giúp cho sự phát triển của các quỹ mở mà còn giúp cho Chính phủ giảm gánh nặng ngân sách khi dân số già đi.

Thứ ba, chương trình tư vấn cho nhà đầu tư để giúp cho nhà đầu tư có thể hiểu rõ vai trò của quỹ mở trong việc lập kế hoạch tài chính của họ.

Cuối cùng là về các chính sách phát triển thị trường vốn của Việt Nam như là các chính sách phát triển thị trường trái phiếu, hoàn thiện việc quản trị doanh nghiệp, khuyến khích tư nhân hóa và niêm yết…

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 12 - 2013